Rủi ro cao đối với thị trường thế chấp Canada

Chuyên gia kinh tế Nina Biljanovska thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tin rằng Canada đứng đầu thế giới về rủi ro vỡ nợ thế chấp.

Người tiêu dùng mua sắm tại một khu chợ ở Ontario, Canada. Ảnh: THX/TTXVN

Người tiêu dùng mua sắm tại một khu chợ ở Ontario, Canada. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang mạng mpamag.com, nợ hộ gia đình của Canada hiện cao nhất trong Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) – và trong bối cảnh kinh tế khó khăn và lãi suất tăng nhanh, một số nhà quan sát tỏ ra lo ngại về sự mong manh của thị trường thế chấp và nhà ở nước này trong những tuần gần đây.

Trong khi lãi suất chạm đáy ở cao điểm của đại dịch COVID-19 đã giúp thúc đẩy sự bùng nổ thị trường nhà ở trên khắp đất nước, thì những mức lãi suất đó đã tăng lên sau tháng 3/2022 khi Ngân hàng trung ương Canada (BoC) tiến hành cuộc chiến chống lạm phát dai dẳng. Với việc lãi suất của BoC đã tăng vọt 450 điểm cơ bản trong 15 tháng qua, nhiều chủ sở hữu thế chấp có lãi suất thay đổi đã thấy chi phí vay của họ tăng lên đáng kể trong khi lãi suất cố định cũng tăng vọt.

Chuyên gia kinh tế Nina Biljanovska thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tin rằng Canada đứng đầu thế giới về rủi ro vỡ nợ thế chấp, với nợ hộ gia đình cao và số lượng lớn các khoản vay lãi suất thả nổi làm tăng nguy cơ vỡ nợ.

Trong khi đó, Cơ quan Nhà ở quốc gia Canada đã chỉ ra rằng nợ thế chấp cao tăng cao có khả năng làm trầm trọng thêm tác động của một cuộc suy thoái toàn cầu có thể xảy ra ở nước này. Chuyên gia kinh tế của Tập đoàn thế chấp và nhà ở tại Canada (CMHC) Aled ab Iorwerth cho biết trong một báo cáo gần đây rằng: “Mức nợ hộ gia đình rất cao của Canada khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nào”. Ông Iorwerth đã lưu ý rằng khoảng 3/4 khoản nợ hộ gia đình trên toàn quốc được tạo thành từ các khoản thế chấp và các nhà kinh tế hàng đầu bao gồm cả Benjamin Tal của ngân hàng CIBC (Canada) đã nhấn mạnh rủi ro tiềm tàng do các chủ nhà phải gia hạn các khoản thế chấp của họ vào năm 2025 với tỷ lệ cao hơn nhiều so với mức lãi suất mà họ đã rút ra trong đại dịch.

Đó là một viễn cảnh mà cộng đồng môi giới thế chấp cũng đang để mắt tới. Terry Kilakos, Chủ tịch của Cơ quan thế chấp và bất động sản Đông Bắc (Canada), cho rằng những khách hàng có được lãi suất thấp kỷ lục trong thời kỳ đại dịch chắc chắn sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn nhiều khi gia hạn các khoản vay thế chấp.

Lãi suất thế chấp tăng vọt và những thách thức mà chúng đặt ra cho người tiêu dùng đã chứng kiến nhiều tổ chức cho vay đưa ra các khoản trả nợ dần kéo dài cho các khách hàng có lãi suất thay đổi. Ông Kilakos cũng lưu ý đến cơ hội kéo dài các khoản trả nợ dần cho các lần gia hạn. Ông cho biết: “Những khách hàng này có các khoản thế chấp được bảo hiểm rất thấp, dưới 2% lãi suất – chúng thường là các khoản trả nợ dần trong 25 năm. Vì vậy, khi các khoản thế chấp này được gia hạn, nếu khách hàng vì lý do này hay lý do khác thấy mình ở một vị trí mà họ không đủ khả năng chi trả các khoản thanh toán này hoặc các khoản thanh toán đã tăng lên đáng kể, thì không gì có thể ngăn cản chúng tôi thay đổi lại khoản trả nợ dần đó, kéo dài lên đến 25 năm hoặc thậm chí có thể 30 năm. Và điều đó sẽ giúp họ giảm bớt một số căng thẳng của các khoản thanh toán hàng tháng, rõ ràng là tùy thuộc vào mức lãi suất sẽ như thế nào khi khoản thế chấp được gia hạn”.

Tuy nhiên, Văn phòng giám sát các định chế Tài chính Canada (OSFI), cơ quan quản lý tài chính của Canada, đã cảnh báo về rủi ro dài hạn của việc kéo dài khoản nợ trả dần, lưu ý rằng đó thực chất là các giải pháp tạm thời. Trợ lý Tổng giám đốc OSFI Tolga Yalkin Yalkin cho biết: “Mặc dù đây là một cách để đối phó với lãi suất cao hơn trong thời gian ngắn, nhưng không phải là không có rủi ro, do thời gian trả nợ kéo dài khiến người vay mắc nợ lâu hơn và dẫn đến các khoản thanh toán lãi suất cao hơn”.

Tại Vương quốc Anh, một số tổ chức cho vay đã phản ứng với sự bất ổn của thị trường bằng cách điều chỉnh phạm vi sản phẩm của họ và trong một số trường hợp thu hồi toàn bộ, để duy trì mức độ dịch vụ.

Ông Kilakos cho biết: “Ở Canada, không có dấu hiệu cảnh giác như vậy. Tôi nghĩ rằng việc cung cấp sản phẩm đã thực sự phát triển trong thời gian ngắn gần đây vì những người cho vay cần phải cạnh tranh trong một thị trường đang giảm dần qua từng năm”./.

Viết Tuân (P/v TTXVN tại Ottawa)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/rui-ro-cao-doi-voi-thi-truong-the-chap-canada/297662.html