Rót vốn đầu tư công vào cao tốc để tăng tốc lưu thông nông sản

Một loạt dự án đầu tư công xây dựng cao tốc ở các tỉnh phía Nam đang xúc tiến rót vốn triển khai. Điều này được kỳ vọng giúp mở đường tăng tốc lưu thông hàng hóa nông sản vốn lâu nay thường gặp cảnh ùn tắc, quá tải, chi phí vận chuyển tăng cao làm giảm sức cạnh tranh.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có chiều dài khoảng 27,43km với số vốn đầu tư công là 6.029 tỉ đồng.

Nên làm càng sớm càng tốt

Với dự kiến khai thác trong năm 2026, tuyến cao tốc này sẽ giúp giảm tải cho Quốc lộ 30, kết nối Quốc lộ 1 với cao tốc phía Đông và phía Tây. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên và cả miền Tây...

Đẩy nhanh việc rót vốn đầu tư công vào các tuyến cao tốc huyết mạch sẽ giúp mở đường cho “dòng chảy” nông sản ở các tỉnh phía Nam tăng tốc trong thời gian tới.

Đẩy nhanh việc rót vốn đầu tư công vào các tuyến cao tốc huyết mạch sẽ giúp mở đường cho “dòng chảy” nông sản ở các tỉnh phía Nam tăng tốc trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn dự án này khởi công càng sớm càng tốt và thi công đúng tiến độ để việc vận chuyển nông sản nhanh chóng hơn so với tốc độ chậm rì như hiện tại vì thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc.

Theo đó, nếu chỉ xét riêng về giá trị khơi thông vận chuyển nông sản, lợi ích của tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đem về hàng năm cho các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và các vùng phụ cận ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là hoàn toàn xứng đáng so với nguồn vốn đầu tư công được rót ra.

Còn ở Sóc Trăng, cũng trong tháng 2/2022, lãnh đạo tỉnh này đã mạnh dạn kiến nghị Bộ GTVT giao UBND tỉnh làm chủ đầu tư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với đoạn đi qua Sóc Trăng dài hơn 56km.

Tuyến cao tốc này được quy hoạch làm tuyến giao thông trục ngang, kết nối các tỉnh phía tây và phía đông của ĐBSCL, giúp cho việc lưu thông hàng hóa xuất khẩu (XK) nông sản được thuận tiện và nhanh hơn.

Với Sóc Trăng, khi xúc tiến rót vốn đầu tư vào đoạn đi qua tỉnh này sẽ giúp việc kêu gọi đầu tư cảng nước sâu Trần Đề (huyện Trần Đề) được thuận lợi hơn.

Theo giới chuyên gia, tuyến cao tốc khi được hình thành sẽ tạo đà để đầu tư cảng nước sâu Trần Đề (với khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 100.000 tấn) thành một cảng biển quốc tế ở vùng ĐBSCL.

Khi đó, cảng biển quốc tế Trần Đề cùng với sân bay quốc tế Cần Thơ và các tuyến cao tốc, cầu Đại Ngãi sẽ tạo nên một mạng lưới giao thông đồng bộ, khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông lâm, thủy sản cho vùng ĐBSCL.

Nêu ra hai dự án đang được xúc tiến này để thấy cao tốc sẽ mang lại lợi ích lớn cho vận chuyển nông sản ở ĐBSCL như thế nào. Bởi lẽ, lâu nay điểm yếu của ngành hàng nông sản ở vùng này là thời gian di chuyển kéo dài vì thiếu các tuyến cao tốc, trong khi đường bộ thường xuyên bị ùn tắc, dẫn đến chi phí vận tải lớn, làm giảm sức cạnh tranh.

Một so sánh đã từng được nêu ra, đó là trong điều kiện bình thường, 1 container chở hàng hóa nông sản từ Cần Thơ, Sóc Trăng hay Bạc Liêu vượt đoạn đường 200km về Tp.HCM mất thời gian tương đương 1 container đi 950km từ Đà Nẵng vào Tp.HCM.

Khơi thông “dòng chảy” nông sản

Chính vì sự chậm trễ như vậy khi hệ thống giao thông ở ĐBSCL còn yếu và thiếu (nhất là thiếu nhiều tuyến cao tốc có tính kết nối liên tỉnh), dẫn đến chi phí logistics cho hàng hóa nông sản từ vùng này về Tp.HCM rất cao, chiếm 20-25% giá thành.

Với các tỉnh ở vùng Đông Nam Bộ, một số tuyến cao tốc cũng đang được kỳ vọng sớm được rót dòng vốn đầu tư công để triển khai (như tuyến Tp.HCM - Nội Bài, tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến Dầu Giây - Liên Khương).

Trong đó, tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với chiều dài 200km đang được mong đợi khởi công sớm trong quý III/2022 nhằm giúp cho việc vận chuyển nông sản từ tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên về chợ đầu mối Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) và các chợ đầu mối, hệ thống cảng ở Tp.HCM được nhanh chóng hơn.

Hồi tháng 1/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ từ ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng để thực hiện dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương với chiều dài 73,5km (một đoạn của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương).

Ông Thừa, giám đốc một hợp tác xã nông nghiệp ở Tp. Đà Lạt (Lâm Đồng), nói rằng điều mong mỏi lâu nay của ông và những người sản xuất kinh doanh nông sản ở Lâm Đồng là sớm có được tuyến cao tốc này. Bởi, giao thông đang là vấn đề khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa của hợp tác xã.

Theo ông Thừa, để đưa hàng từ Đà Lạt đến chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây đã mất hơn 5 tiếng đồng hồ. Rồi giao hàng về đến Tp. Biên Hòa (Đồng Nai) luôn rơi vào cảnh ùn tắc, mất rất nhiều thời gian.

Vì vậy, như kỳ vọng của ông Thừa, tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương khi hình thành sẽ giúp nông sản từ Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên đổ về Đồng Nai, Tp.HCM được rút ngắn khá nhiều về thời gian và tiết giảm mạnh về chi phí vận chuyển.

Trong việc rót vốn đầu tư công xây dựng một loạt dự án cao tốc ở các tỉnh phía Nam trong thời gian tới, để khơi thông “dòng chảy” nông sản được tốt hơn, giới chuyên gia lưu ý việc thi công cần đúng tiến độ để sớm đi vào vận hành khi mà các xe vận chuyển nông sản vẫn hàng ngày đối mặt với tình trạng ùn tắc “kinh khủng”.

Hơn nữa, các dự án tuyến cao tốc mới cần phải là những con đường cao tốc đúng nghĩa, tránh lặp lại tình trạng quá tải nhanh (do chỉ có 4 làn xe) đang xảy ra ở một số tuyến cao tốc huyết mạch kết nối Tp.HCM với ĐBSCL (như cao tốc Tp.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận) hoặc tình trạng ùn ứ kéo dài thường xảy ra ở cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/rot-von-dau-tu-cong-vao-cao-toc-de-tang-toc-luu-thong-nong-san-1083909.html