Rồng trong pháp luật thời xưa

Thời xưa, rồng là biểu tượng của hoàng đế, người dân không được phép sử dụng hay xâm phạm bất cứ hình ảnh nào liên quan đến rồng. Những quy định này tuy không đưa cụ thể vào trong hình luật, nhưng xuất hiện trong rất nhiều văn bản hành chính của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Chúng ta đều nhớ chuyện thời Trần, từ Vua Trần Anh Tông về trước, các vị vua có lệ xăm hình rồng vào đùi. Tuy nhiên, đọc trong chính sử, có thể thấy tục lệ này đã có từ thời Lý, với lệnh cấm xăm hình rồng lên mình thời Vua Lý Nhân Tông. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, lệnh đó được nhà vua ban bố vào tháng 11 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118), với nội dung: Cấm nô bộc của các nhà dân trong, ngoài kinh thành không được xăm mực vào ngực, vào chân như kiểu cấm quân và cấm xăm hình rồng ở mình, ai phạm thì sung làm quan nô.

Rồng chầu trước điện Kính Thiên tại di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: ST

Rồng chầu trước điện Kính Thiên tại di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: ST

Với lệnh cấm này, có thể thấy thời Lý, người dân đã có thói quen xăm hình rồng vào người. “Toàn thư” cho biết thêm, vào đầu thời nhà Trần, lệ này vẫn lưu truyền: “Khi mới dựng nước, quân lính đều xăm hình rồng ở bụng, lưng và hai đùi, gọi là “thái long” (rồng vẽ)”.

Trong khi đó, các vua Trần, vốn xuất xứ từ dân chài lưới ven biển, thì xăm hình rồng cũng là cách để bảo vệ mình khi đánh cá. Điều này có thể thấy qua lời nói của Thượng hoàng Trần Nhân Tông với Vua Trần Anh Tông ở phủ Thiên Trường, năm Hưng Long thứ 7 (1299), rằng: "Nhà ta vốn người ở vùng hạ lưu (miền dưới, miền biển), cho nên thích hình con rồng vào vế đùi, là có ý tỏ ra rằng không bao giờ vong bản".

Câu nói ấy là lúc Thượng hoàng chuẩn bị sai xăm hình rồng vào đùi của Vua Trần Anh Tông. Tuy nhiên, lúc ấy, dù người thợ xăm hình rồng đã chực ở ngoài cửa cung, nhưng nhà vua rình khi Thượng hoàng quay mặt đi chỗ khác, liền lánh sang cung Trùng Hoa. Thượng hoàng biết ý, không bắt ép nữa. Cái lệ xăm hình rồng vào vế đùi của nhà Trần từ Vua Trần Anh Tông trở đi mới không còn nữa.

Theo giải thích của các sử quan thời Trần, người thời này có lệ xăm hình rồng vào đùi vì thời xưa quan niệm rằng giống thuồng luồng sợ rồng, nên người xăm hình rồng thì khi lội xuống nước, hay khi lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám xâm phạm.

Còn với quân sĩ, thì thói quen xăm mình mai một từ thời Vua Trần Minh Tông. Theo sử chép sự kiện năm 1323: “Bấy giờ kén chọn các quân, lấy người béo trắng làm hạng trên, cho nên quân sĩ không thích xăm mình bắt đầu từ đấy”.

Ngược lên thời Lý, các quy định về việc sử dụng hình ảnh rồng trong đồ dùng của nhà vua đều có ghi chép. Như vào năm 1210, sau khi Vua Lý Cao Tông băng hà, Hoàng thái tử Sảm (Vua Lý Huệ Tông) lên ngôi ở trước linh cữu, đã “sai đem thuyền rồng đi đón Trần thị” về kinh. Trần Thị Dung là con gái Trần Lý ở Lưu Gia (Hưng Hà, Thái Bình), Thái tử lấy khi chạy loạn về đây. Việc cử thuyền rồng đi rước Trần thị cho thấy nhà vua trẻ xác định vị trí chính thất của bà.

Thời Trần, Lê, việc bảo vệ sự tôn nghiêm của các biểu tượng rồng được quy định chặt chẽ. Như có lần Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung (lúc này đã là vợ Thái sư Trần Thủ Độ) ngồi kiệu đi qua thềm rồng, bị quân hiệu ngăn lại không cho đi. Quốc mẫu về nhà, khóc với Thái sư, nhưng sau khi tra hỏi người quân hiệu, ông lại thưởng vàng lụa cho người này, khen rằng: “Ngươi ở chức thấp mà biết giữ phép như thế, ta còn trách gì nữa!”.

Năm Thiệu Long thứ 11 (1269) đời Vua Trần Thánh Tông, vào tháng 6, có tên ngoại thích (họ hàng đằng nhà vợ của vua) là Lý Cát phạm tội ngồi vào ngai rồng của vua ở điện Thiên An. Khi triều đình xét hỏi trị tội, thấy hắn có chứng điên nên chỉ đánh trượng rồi tha, chứ nếu hắn không mắc chứng này thì chắc chắn bị xử trảm.

Về trang phục, từ thời Vua Lý Cao Tông, triều đình mới cấm nhân dân trong nước không được mặc áo sắc vàng. Màu vàng là màu tượng trưng cho vua, từ vương hầu, quan lại đến dân chúng đều bị cấm không được sử dụng. Thời phong kiến cũng quy định rõ là chỉ vua mới được thêu rồng 5 móng lên trên áo bào. Áo của tước vương chỉ được thêu rồng 4 móng (gọi là con mãng) lên áo, gọi là mãng bào. Các vua Trung Quốc đều coi vua Việt Nam ngang với tước vương của họ, mỗi khi ban cho vua Việt áo mũ, đều chỉ ban mãng bào.

Các hình rồng trên đồ nghi vệ của nhà vua cũng được quy định chặt chẽ. Theo “Đại Nam thực lục”, vào đầu năm Gia Long thứ 13 (1814), triều Nguyễn chế thêm lỗ bộ đại giá (các đồ nghi vệ dùng khi vua xuất hành), bao gồm chi tiết: “Kiệu ngự 1 cái, xe ngọc lộ 5 cái, lồng đèn đỏ 6 cái, phất trần 8 cái, lò hương, hộp hương mỗi thứ 8 cái, tán cán cong 1 cái, tán vàng 34 cái, tán vuông 8 cái, lọng vàng 20 cái, quạt vả thêu rồng vàng 24 cái, quạt vuông thêu phượng 6 cái, cờ vũ bảo chàng 20 cái, cờ tín phan 4 cái, cờ giáng dẫn phan 4 cái, cờ báo vĩ phan 4 cái, cờ cáo chỉ phan 4 cái, cờ truyền giáo phan 4 cái, gậy đầu rồng có ngù lông 8 cái, búa con có ngù lông 8 cái, qua có ngù lông 8 cái...”.

Tranh vẽ rồng thời Lý.

Tranh vẽ rồng thời Lý.

Ngoài các loại cờ thêu các vì tinh tú như mặt trời, mặt trăng, sao Bắc đẩu, nhị thập bát tú, cờ gió, mây, mưa, sấm mỗi thứ 1 cái, cờ Thanh long, Bạch hổ, Chu tước, Huyền vũ mỗi thứ 1 cái, cờ ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) mỗi thứ 1 cái, còn có 24 lá cờ ngũ sắc thêu rồng, cùng các loại cờ mao tiết, phủ, việt, trảo, giáo...

Lệnh bài đặc biệt của vua ban ra, gọi là “long bài” vì chạm hình rồng. Năm Gia Long thứ 12 (1813), nhà vua ra lệnh chế long bài và hợp phù để sai phái việc binh ở đài Trấn Hải. Theo mô tả thì cả hai loại lệnh bài này đều làm bằng ngà, long bài thân dài 1 tấc 1 phân, đuôi 9 phân 9 ly, mặt 8 phân 8 ly, dây 1 phân, một mặt chạm rồng, một mặt khắc 3 chữ “Trấn Hải đài”; hợp phù thì dài 1 tấc 6 phân, mặt 4 phân, dài 2 phân 2 ly, một mặt chạm rồng, một mặt khắc 2 chữ “Hợp phù”; chữ đều tô sơn đỏ.

Quy định về việc cấm thêu rồng, đặc biệt là rồng 5 móng, được thể hiện rõ trong bản tâu của Bộ Lễ lên Vua Minh Mạng vào năm 1838. Khi đó, Bộ Lễ triều Nguyễn tâu xin vua phê chuẩn các điều cấm về áo mặc của quan và dân, cụ thể như sau: Quan văn, võ từ tam phẩm trở lên, áo mặc như các thứ nhiễu, đoạn, the, lĩnh, được tùy ý dùng, phàm lụa hoa cùng màu và các thứ hoa: Mây, mãng, phượng, lân, hạc, hoa bông vòng tròn, sóng gợn, đều cho mặc; duy sắc vàng và hình rồng 5 móng, không được dùng. Hà bao (túi nhỏ đeo dưới thắt lưng đựng đồ lặt vặt), trướng, màn, gối, nệm hoặc dùng gấm đoạn thêu đều được, còn đồ dùng có vẽ, khắc, khảm, trang điểm, đều không được làm rồng, phượng; đồ sứ hàng Tống không cấm, trang sức bịt thuần bạc hoặc xen lẫn vàng cũng được.

Áo của quan tứ, ngũ phẩm, được phép may bằng lụa hoa cùng màu và các thứ phượng, lân, hạc, hoa bông tròn, sóng gợn, đều được; duy hình rồng 5 móng sắc vàng và mây mãng, mãng hoa bông tròn, không được dùng; hà bao, gối, nệm hoặc dùng gấm đoạn thêu cũng được, màn trướng không được dùng gấm vóc, đồ đạc không được chế vẽ rồng phượng, bịt và trang sức không được xen lẫn vàng, đồ sơn dùng thếp bạc hoặc thếp xen lẫn vàng cũng được.

Về quy định các hoàng tử, thân công được mặc triều phục có bổ tử (miếng vải hình chữ nhật trước ngực, thêu các hình khác nhau để phân biệt cấp bậc) thêu hình rồng 4 móng, phải đến năm Minh Mạng thứ 21 (1840), mới được ban bố. Việc này tiến hành sau lời dụ của Vua Minh Mạng với Bộ Lễ rằng: “Bổ tử của các thân công thêu hình con rồng 4 móng, mà bổ tử của hoàng tử công, hoàng tử lại thêu hình con kỳ lân. Bởi vì quãng năm Gia Long, những hoàng tử bây giờ khi ấy còn là hoàng tôn, tuy có chức trách chiểu theo lệ nhất phẩm võ giai mà thêu hình kỳ lân vào bổ tử. Từ năm Minh Mạng thứ nhất (1820) đến nay, vẫn nhân theo như thế chưa đổi, cũng là chưa phải. Vậy, chuẩn cho bổ tử của hoàng tử công, hoàng tử đều đổi thêu con rồng 4 móng cho hợp thể chế”.

Về đồ cúng tế tổ tiên các vua nhà Nguyễn được khắc hình rồng, phượng được ban bố vào năm Thiệu Trị thứ nhất (1841). Khi đó, nhà vua sai Bộ Lễ kiểm xét các thứ dùng để thờ, cái nào thiếu thì làm mới. Những vật phẩm trước dùng màu đỏ thì từ đó đổi sang dùng màu vàng, trước khắc con giao long, nay đổi khắc con rồng, con phượng. Nguyên nhân là trước kia các chúa Nguyễn thờ vua Lê, được các vua Lê phong tước công nên đồ thờ chỉ khắc hình con giao long, đến nay mới đổi sang hình rồng.

Tuy nhiên, có một chuyện được kể thành giai thoại thời phong kiến, là mỗi khi vua đi qua, người dân phải quỳ mọp xuống đường, cúi mặt tuyệt đối không được nhìn “long nhan” (mặt rồng), ai lỡ nhìn sẽ bị chém đầu. Điều này không có căn cứ, vì sử sách ghi lại nhiều lần các vị vua vi hành, đều gặp gỡ nhân dân, như Vua Lý Thánh Tông đi thăm chùa quán thì “con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt”. Vua Trần Nhân Tông mỗi khi ngự chơi bên ngoài, giữa đường gặp gia đồng của các vương hầu đều gọi chúng đến mà hỏi: "Chủ mày đâu?" và dặn dò các vệ sĩ không được thét đuổi.

Hay, như thời nhà Nguyễn, Vua Minh Mạng còn chủ động dừng xe để các phụ lão được ngắm “long nhan”. Đó là chuyến nhà vua xa giá ra thăm tỉnh Quảng Trị vào tháng 4 năm Minh Mạng thứ 16 (1835). “Đại Nam thực lục” chép: “Vua sai đóng xe đi xem tường thành mới xây đắp, thấy các kỳ lão thuộc hạt (Quảng Trị) đang đứng đón. Vua dừng xe lại, cho họ chiêm bái. Các cụ già có người đi chậm, không theo kịp, quan phủ huyện phải cõng đi. Vua cười, nói rằng: “Lũ ấy ngày thường làm cha mẹ dân, nay cõng người già đến chiêm bái, thì hầu như con của dân rồi!”.

Lê Tiên Long

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/rong-trong-phap-luat-thoi-xua-i720300/