Rộn ràng Khai hạ bốn Mường

Thường tổ chức vào tháng Giêng, lễ hội Khai hạ của người Mường Hòa Bình đã trở thành hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng không thể thiếu trong mỗi dịp Xuân về. Bà con đến lễ hội để được hòa mình vào không khí trời đất linh thiêng của phần lễ, sự náo nhiệt của phần hội, bày tỏ ước vọng lớn lao về một cuộc sống bình yên, ấm no nơi bản Mường.

Your browser does not support the audio element.

Thực hiện nghi thức lấy nước tại giếng để cúng và rước tại miếu Cả, xã Dũng Phong (Cao Phong).

Tìm về cội nguồn lễ hội

Trong tâm thức người dân ở bốn vùng Mường lớn (Bi - Vang - Thàng - Động), lễ hội Khai hạ mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường, cầu mong mùa màng bội thu, vạn vật phát triển thuận lợi.

Lễ hội Khai hạ Mường Bi tổ chức vào ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại miếu thờ xóm Lũy, nơi gắn liền với truyền thuyết về Quốc Mẫu Hoàng Bà và tam vị tản viên Sơn Thánh. Truyền thuyết kể rằng Vua Bà đi từ núi Tản sông Đà đến cầu bến Mảng, xã Phong Phú (Tân Lạc) thì gặp nước lũ to nên giả trang thành kẻ nghèo đói, rách rưới. Nhân lúc đó, trên cánh đồng có hai gia đình đang bừa ruộng, Vua Bà đến thử lòng một gia đình đang bừa bằng một con trâu. Bà nhờ người này đưa qua suối. Người này trả lời bận quá không đưa được. Vua Bà lại sang ruộng nhà bên đang bừa bằng 8 con trâu. Lời nhờ vừa dứt, nhà này cử người đưa bà sang luôn. Khi qua suối xong, bà truyền một câu "Từ nay nhà ta, giàu thêm có thặm đấy” (từ nay nhà giàu có, rồi lại càng giàu có thêm). Thế là từ đó, nhà này luôn giàu có hơn các gia đình khác, ăn nên làm ra, cầu gì được nấy. Tiếp tục đi đến xóm Khung, xã Địch Giáo, Vua Bà ghé vào một nhà trong xóm, gia đình chủ nhà tiếp đón bà tử tế, chu đáo nên bà thưởng cho một thửa ruộng, gọi là nà Mằn (ruộng Mằn), cấy trồng 2 vụ tốt bời, không năm nào đói. Bà đi tiếp đến một nhà khác, nhà này không có con, bà bèn ban cho một đứa con trai, đặt tên là Ngãi. Một năm sau, bà về thăm mang theo một túi vàng. Bà thử lòng treo túi vàng ngoài cổng và đi vào nhà. Vợ ông chủ nhà có lòng tham giấu túi vàng nên bà không cho con nữa và lấy mất thằng Ngãi. Từ đó, dân trong vùng có câu "tham vàng, bỏ Ngãi”. Trước sự linh ứng của Vua Bà, ông lang Cun Pi đã lập miếu thờ và tôn bà làm Thành Hoàng làng.

Ở Mường Vang, tương truyền về truyền thuyết của vị thần được thờ tại di tích là Nàng Cô Hai. Chuyện rằng, từ rất lâu rồi, có một người phụ nữ ởtrong Mường Chu Đồng đi ra lập trại ở làng Lông. Nàng Cô Hai đã tập hợp dân Mường Mương - Chóng đi đắp bai Vồng Tràng thành đập Vồng Tràng, lấy nước tưới cho đồng ruộng Mường. Từ đó, đồng ruộng Mường Mương - Chóng được tưới đủ đầy, lúa tốt hẳn lên, dân trong vùng không còn lo đói kém như trước. Sau này, người Mường Mương - Chóng học theo Nàng Cô Hai đắp nhiều bai lấy nước tưới cho đồng ruộng nên đời sống người dân trong vùng ngày càng no ấm. Lang Mường Ót thấy vậy ghen tức, vu vạ cho Nàng Cô Hai rồi giết chết nàng. Nhớ công lao to lớn của Nàng Cô Hai, dân Mường Mương cho thi hài nàng vào hai chiếc xanh tám, úp lên nhau, mang đi chôn cất trên một ngọn đồi thấp, ngay cạnh đập Vồng Tràng. Ngọn đồi được đặt tên là đồi Bồng Niêu. Sau khi Nàng Cô Hai chết, hàng ngày, trên thửa ruộng bên dưới chân đồi Bồng Niêu, phía chân gốc thị nghìn năm tuổi xuất hiện một con gà trắng thường ra đó để kiếm ăn. Người dân trong Mường đuổi nhưng gà không đi, họ cho rằng đó là Nàng Cô Hai hóa thành. Để tưởng nhớ công ơn bà, dân Mường Mương - Chóng lập miếu thờ ngay gốc thị sát ruộng Áng Ka. Hàng năm, vào ngày mồng 4 tháng Giêng (theo lịch Mường Vang), dân trong vùng tổ chức lễ cúng cho bà, cầu xin Nàng Cô Hai phù hộ độ trì cho mùa màng bội thu, mưa thuận, gió hòa. Ngoài ra, với nghi thức luống cày đầu tiên như hình thức tưởng nhớ công lao to lớn của bà.

Ở Mường Thàng, qua lời kể của các bậc cao niên và truyền thuyết địa phương, Miếu Cả ở xã Dũng Phong thờ Tam vị Tản viên Sơn Thánh. Theo sự tích vùng Ba Vì, Sơn Tây, sông Tích Giang, các vùng Mường cổ ở Hòa Bình thờ Thánh tản viên (Thánh Đản). Các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam đều phong mỹ tự gọi là Thượng Đẳng Phúc Thần. Cũng như đồng bào Mường ở các vùng khác, người Mường Thàng thờ vọng Thánh Đản tại ngôi miếu của mình. Còn ở Mường Động, tương truyền về vị thần được thờ tại di tích từ xa xưa có ba anh em nhà vua đi dẹp loạn, hành quân qua đây, thấy khu vực này có địa thế rất đẹp, xung quanh bốn bên quan sát tốt nên đã dừng chân tại núi Khụ Động. Có một người em út bị chó ngao cắn vào chân nên phải ở lại và được trẻ trâu vùng Mường này nuôi ăn. Sau khi khỏe mạnh, cảm động trước tình cảm của dân Mường, ông quyết định ở lại và dạy người dân cách đào mương làm ruộng, cấy lúa nước. Khi ông mất, dân làng lập miếu thờ và hàng năm tổ chức lễ cúng để tạ ơn ông đã dạy dân vùng Mường cách đào mương, cấy lúa. Trong miếu cũng vong thờ hai người anh của ông.

Rực rỡ không gian văn hóa Mường

Kể từ những năm 2000 đến nay, gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, lễ hội Khai hạ của người Mường ở Hòa Bình được tỉnh quan tâm phục dựng và tổ chức thường niên. Hoạt động lễ hội Khai hạ 4 Mường với không gian văn hóa đặc sắc đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trong tỉnh và du khách. Lễ hội Khai hạ Mường Bi được tổ chức gắn liền với miếu cổ xóm Lũy - xã Phong Phú; Khai hạ Mường Thàng gắn với ngôi miếu Cả - xã Dũng Phong, Khai hạ Mường Động gắn với miếu Mường Chanh - xã Vĩnh Đồng còn Khai hạ Mường Vang ở vùng Quyết Thắng gắn với miếu Áng Ka.

Đoàn rước kiệu từ miếu xóm Lũy về khu vực làm lễ Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc).

Do tính chất quy mô lớn nên công tác chuẩn bị cho lễ hội Khai hạ ở 4 vùng Mường có sự phân công, cắt cử rất cụ thể, chi tiết. Đặc biệt, về hậu cần phải lựa chọn cẩn thận, người được giao chuẩn bị đồ lễ phải là người có tâm, phẩm chất tư cách tốt. Chọn thầy Mo thực hiện chính các bài cúng, kết nối với các đấng thần linh phải là người có uy tín trong cộng đồng. Với ban tế và chủ tế là các cụ nam cao niên, có sức khỏe, gia đình gương mẫu. Ban tế phải được địa phương, cộng đồng công nhận đại diện cho dân thực hiện các nghi lễ trong làng. Riêng chủ tế phải là người sinh ra trong gia đình có truyền thống, được truyền nghề.

Trước kia, ở phần lễ của lễ hội Khai hạ các vùng Mường đều có nghi lễ rước kiệu hoặc cúng tại mó nước và xin rước nước, cúng tại ruộng xin rước mạ hoặc xin làm lễ cày, bừa đầu tiên. Ngày nay, phần rước kiệu chỉ còn ở Mường Bi và Mường Thàng, cúng tại ruộng để xin làm lễ cày, bừa đầu tiên chỉ còn diễn ra tại Mường Bi và Mường Vang. Về phần hội được tổ chức ngay sau phần lễ, ngoài các trò chơi dân gian còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phong phú diễn ra như bóng chuyền, thi ẩm thực, trình diễn trang phục dân tộc Mường, thi hoa khôi xứ Mường… Tại địa điểm lễ hội còn có thêm của các gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp góp phần thu hút khách thăm quan.

Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng: Không chỉ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng biết ơn sâu sắc của người dân đối với các vị thần có công lập bản, lập mường, lễ hội Khai hạ còn đưa người dân trở về không gian văn hóa xưa với những truyền thống tốt đẹp, góp phần bồi dưỡng nhân cách con người, hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Đặc biệt, tính cộng đồng và cố kết cộng đồng là nét đặc trưng và giá trị văn hóa tiêu biểu của lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình. Việc mọi người dân cùng tham gia tổ chức lễ hội thể hiện nhiệt huyết, tình cảm, giúp mỗi cá nhân hòa mình vào cộng đồng, hướng tới cội nguồn và nuôi dưỡng ý thức gắn kết quê hương. Đây còn là nơi trình diễn nghệ thuật tổng hợp các yếu tố văn hóa cộng đồng người Mường, như nghệ thuật trình diễn Chiêng Mường, Mo Mường, các làn điệu dân ca Mường, hát đối đáp, thường đang, bộ mẹng… trở thành sản phẩm du lịch tạo nên môi trường du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn. Với quy mô, sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần, lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình đã được Nhân dân địa phương cam kết bảo vệ và vừa được tỉnh lập hồ sơ khoa học đề cử là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/162420/ron-rang-khai-ha-bon-muong.htm