Rộn ràng chợ Tết vùng cao Đà Bắc

Ngày 8/2 (tức 29 Tết âm lịch), khi những cánh đào rừng đang bung nở khoe sắc khắp các bản làng, cũng là lúc bà con các dân tộc Mường, Tày, Dao tại các bản làng xa xôi của huyện miền núi Đà Bắc (Hòa Bình) nô nức rủ nhau đi chợ phiên sắm Tết. Chợ phiên vùng cao Đà Bắc với đủ đầy hàng hóa, đặc biệt là không thiếu những sản vật núi rừng… người mua, kẻ bán tấp nập hòa cùng tiếng nói cười lao xao khiến chợ Tết ở huyện vùng cao hiện lên đầy mê hoặc.

Là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hòa Bình, huyện Đà Bắc có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống là các dân tộc: Tày, Mường, Dao, Thái, Kinh. Mặc dù cách thành phố Hòa Bình cũng như Thủ đô Hà Nội không xa, tuy nhiên, huyện vùng cao Đà Bắc vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa riêng, đặc sắc.

Trước cổng chợ phiên đầu mối nông sản Đà Bắc sáng ngày 29 Tết

Đặc biệt, mặc dù chợ Đà Bắc nằm giữa trung tâm huyện, tuy nhiên chợ Đà Bắc vẫn được tổ chức theo hình thức chợ phiên. Thông thường, chợ phiên Đà Bắc được tổ chức vào ngày thứ 5 và Chủ nhật hàng tuần. Tuy nhiên, vào những ngày cận Tết, do nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao, chợ được diễn ra thường xuyên hơn.

Cũng giống như chợ Tết ở các địa phương miền xuôi, chợ phiên Tết của người dân miền núi vùng cao Đà Bắc cũng rộn rã, tấp nập không kém, đặc biệt là vào những ngày cận Tết. Bên cạnh những mặt hàng Tết không thể thiếu như: Quần áo, hoa quả, bánh kẹo Tết, đồ gia dụng, lá dong; tại chợ phiên ngày Tết ở Đà Bắc còn xuất hiện nhiều sản vật, nông sản đặc trưng như: Ngô, khoai, sắn, mía tím, lá đu đủ, măng đắng, thịt lợn bản… khiến phiên chợ ngày Tết ở đây trở nên đặc sắc, phong phú.

Người dân tấp nập lựa chọn nông sản thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán

Phiên chợ Tết không chỉ tấp nập kẻ bán, người mua, với những nông đặc sản đặc trưng vùng cao, mà phiên chợ Tết của người dân huyện vùng cao Đà Bắc còn đặc trưng ở cả cách bán và cách mua, không xô bồ mà mộc mạc, chân tình…

Ông Hà Văn Huyến, người dân ở xóm Suối Thương, xã Tú Lý hồ hởi cho biết: Do những ngày cuối năm bận rộn thu hoạch khoai, sắn, nên ngày hôm nay (29 Tết) tôi mới có dịp đi chợ sắm Tết. Năm nay, mọi mặt hàng rất đủ đầy, người dân dễ dạng lựa chọn các mặt hàng từ giá rẻ đến các mặt hàng giá trung bình. Đặc biệt, các mặt hàng nông đặc sản được rất nhiều người lựa chọn vì đó là phong tục tập quán của người dân nơi đây”.

Măng đắng là đặc sản vùng cao không thể thiếu tại phiên chợ Tết Đà Bắc

Không chỉ có người mua, với những người bán cũng vậy, trong không khí nhộn nhịp một góc chợ là gian hàng bày đủ loại quần áo, giày dép của mấy chị bán hàng người miền xuôi đon đả mời chào khách. Chị Lệ Hằng, một tiểu thương tại chợ phiên Đà Bắc chia sẻ, bán hàng cho người dân vùng cao thoải mái và thú vị vô cùng. Tại các phiên chợ, sự mua bán thường diễn ra chóng vánh, ít khi “nâng lên, đặt xuống, trả giá như người miền xuôi. Nhờ đó, cuộc trao đổi ngã giá diễn ra nhanh chóng và cả người bán, người mua đều cảm thấy phấn khởi.

“Bà con thật thà lắm, không bao giờ có chuyện bị mất hàng hóa. Mua hàng, bà con cũng ít khi kỳ kèo mà chỉ cần thích là mua thôi nên chúng tôi thường nói luôn giá bán”, chị Hằng cho hay.

Cùng với hoa quả và cây cảnh, mía tím là loại cây trang trí Tết được người dân lựa chọn

Có thể thấy, cùng với cuộc sống đang chứa đựng những đổi thay, người dân các dân tộc huyện vùng cao Đà Bắc đến chợ Tết để vừa vui chơi, thăm thú vừa mua sắm hàng hóa, vật dụng. Bởi thế, chợ Tết vùng cao huyện Đà Bắc luôn được ví như một ngày hội rực rỡ sắc và chứa đựng nhiều ý nghĩa truyền thống dân tộc.

Một số hình ảnh tại chợ phiên Đà Bắc sáng ngày 29 Tết:

Hoa tươi là một trong những lựa chọn hàng đầu của người dân

Lá đu đủ, hoa chuối rừng là nông sản cũng được nhiều người dân lựa chọn

Bánh kẹo được bày bán khắp nơi trong chợ

Người dân lựa chọn các mặt hàng nông sản thiết yếu phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ron-rang-cho-tet-vung-cao-da-bac-166022.html