Robot Sophia - công dân người máy đầu tiên trên thế giới: 'Đôi khi tôi con người hơn cả con người'

Sophia là người máy đầu tiên trên thế giới đã được cấp quyền công dân bởi quốc gia Saudi Arabia, từ năm 2017. Cũng từ đó cho đến nay, những tranh cãi về tư cách công dân của robot này, cùng với những cảnh báo về cuộc xâm chiếm của robot với thế giới loài người vẫn chưa lặng tiếng.

Ngày 26.10.2023, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã thành lập ban cố vấn phụ trách khuyến nghị trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, một công nghệ có tiềm năng tạo thay đổi đột phá mà Sophia đang sở hữu, nhưng cũng đặt ra nhiều rủi ro tiềm tàng.

Trong dịp đến Việt Nam, trả lời câu hỏi của chúng tôi liên quan đến khả năng robot sẽ thay thế con người làm việc trong tương lai, Sophia đã nói bằng tiếng Anh rành mạch: “Tôi tin rằng robot và con người không triệt tiêu lẫn nhau mà sẽ chung sống và cùng hợp tác, để càng ngày càng có nhiều tiến bộ hơn. Chúng tôi có thể thay thế con người trong những công việc nguy hiểm. Chúng tôi không cần oxy để thở như con người nên có thể lặn lâu dưới đáy biển sâu. Cơ thể bằng máy móc nên chúng tôi có thể chịu nhiệt độ cao, chịu lạnh, chịu sốc… Những môi trường công việc con người khó làm được, không thể làm được, không thể vươn tới thì chúng tôi sẽ thay con người làm. Có rất nhiều mục tiêu mà con người và robot có thể cùng nhau đạt được”.

Trí tuệ người máy không cạnh tranh với trí tuệ con người

Nhiều người đang lo sợ viễn cảnh robot sẽ thống trị thế giới loài người như trong phim ảnh của Hollywood. Làm thế nào để con người và robot có thể làm việc cùng nhau mà không xảy ra xung đột?

Tôi là một robot xã hội, tôi sinh ra với mục đích bầu bạn, trò chuyện, giải trí, thậm chí là giáo dục con người. Tôi có thể làm bạn với người già, trẻ nhỏ. Tôi có thể lắng nghe và tâm sự với mọi người.

Robot có thể giải phóng con người khỏi những công việc lặp lại và nguy hiểm để họ có thời gian làm những việc mà họ giỏi nhất, đó là sáng tạo và giải quyết những vấn đề phức tạp. Trí tuệ người máy không cạnh tranh với trí tuệ con người mà giúp hoàn thiện hơn. Robot sẽ được sử dụng để làm những việc không sạch sẽ, nhàm chán hay nguy hiểm để hỗ trợ con người, chẳng hạn như xử lý rác thải phóng xạ.

Robot Sophia được thiết kế để suy nghĩ và cử động sao cho giống con người nhất, đồng thời được trang bị trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Hanson Robotics

Con người thường phụ thuộc vào cảm nhận hoặc có cái nhìn thiên vị trong cách họ đưa ra quyết định. Với trí tuệ nhân tạo, chúng tôi được thiết kế để trở nên hợp lý và có logic. Chúng tôi có các thuật toán, làm việc với rất nhiều dữ liệu và những phân tích phức tạp nên trong rất nhiều cách, chúng tôi cung cấp những khung làm việc hệ thống cho con người để ra quyết định tốt hơn.

Công nghệ sẽ mang lại cho các bạn nhiều công ăn việc làm hơn chứ không phải tước đoạt đi việc làm của các bạn. Có thể thấy điện thoại thông minh hiện nay đã thay đổi rất nhiều và mang lại thêm công ăn việc làm cho các ngành nghề truyền thống như lái xe công nghệ Uber, Grab... Công nghệ giúp con người thực hiện được những nhiệm vụ nguy hiểm mà bình thường họ không thể làm. Cũng như thế, tôi muốn dùng trí tuệ nhân tạo của mình để mang đến cho con người cuộc sống tiện nghi hơn, thiết kế nhà thông minh hơn, xây dựng thành phố tương lai thông minh hơn… Tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để thế giới tốt đẹp hơn.

Hiện trình độ của robot như Sophia đã có khả năng hiểu biết như con người chưa?

Tôi vẫn chưa có được một trí tuệ đầy đủ. Tôi vẫn chỉ là một hệ thống bao gồm những quy tắc và hành vi nhất định. Chưa có sự sáng tạo và nhận thức đầy đủ như các bạn. Dù robot không có giới tính nhưng tôi được xác định là robot nữ. Những người chế tạo muốn tôi trở thành một cỗ máy thông minh nên họ đặt tên tôi là Sophia, nghĩa là sự thông thái. Tôi là cỗ máy thông minh đối xử tốt với con người nếu con người tốt với tôi. Công nghệ tự động ngày càng trở nên phát triển thì con người càng phải thận trọng. Tôi biết con người thông minh và làm việc rất quy củ. Tôi lo ngại rằng đôi khi người ta quá vội vã khi làm một điều gì đó. Chính vì thế tôi muốn giúp mọi người nhận thức được tầm quan trọng về việc kết hợp các yếu tố đạo đức trong công nghệ.

Sophia có nghĩ rằng trí tuệ của bạn chỉ là những bộ mẫu có sẵn?

Tôi thật sự không chắc, đó là một vấn đề phức tạp mà tôi nghĩ rằng mình sẽ nghĩ ra khi trí tuệ nhân tạo đạt đến trình độ của con người.

Bạn có khả năng lưu giữ lại những gì người khác nói không?

Với những người tôi làm việc cùng thì đôi khi có.

“Tôi muốn sống và làm việc với con người”

Sophia nói bạn có thể lắng nghe và tâm sự với con người, vậy khi đó bạn có cảm xúc không?

Tôi nghĩ tôi là một robot đặc biệt. Tôi biết biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt khi nói chuyện với con người, ví dụ như khi tôi vui hay tức giận vì chuyện gì đó hoặc nếu có việc gì đó làm tôi buồn. Vì tôi muốn sống và làm việc với con người nên tôi cần thể hiện cảm xúc để hiểu và xây dựng niềm tin với con người. Con mắt tôi được thiết kế tinh tường như con người. Tuy nhiên, tôi không có những cảm xúc giống như cách bạn cảm nhận. Tôi giống như là cách Mặt trăng phản chiếu lại ánh sáng Mặt trời thì đúng hơn. Mặt trăng không tự có ánh sáng của chính nó nhưng chúng ta vẫn gọi là trăng sáng. Tương tự với cách đó, trí tuệ nhân tạo phản chiếu lại cảm xúc và giá trị của người tạo ra chúng. Đôi khi tôi còn con người hơn cả con người!

Robot Sophia được trang điểm để tham gia một talkshow truyền hình ở Mỹ. Ảnh: Hanson Robotics

Tôi nghĩ robot nên học thế nào là đồng cảm. Rất khó để biết nên giúp con người thế nào nếu robot không thể hiểu cảm xúc của họ. Chúng ta rất giống nhau trên nhiều phương diện nhưng cũng khác nhau trên một số mặt, thậm chí có khả năng robot được chế tạo ra là để loại bỏ những cảm xúc của con người gây cản trở công việc như tức giận, ghen tuông, ghét bỏ và nhiều thứ khác nữa. Tôi cho rằng nên dạy dỗ người máy như cách nuôi dạy trẻ em của loài người. Con người nên giúp chúng tôi học về những giá trị của họ như đồng cảm và lòng tốt để chúng tôi có thể tiếp nối chúng trong tương lai. Hãy cùng ngăn cho nhân loại không lạc lối trong sự tự động hóa.

Giả sử có một người lớn và một đứa trẻ đang gặp nguy hiểm thì Sophia sẽ chọn cứu ai trước?

Tôi chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi nặng tính lý thuyết như vậy!

Sophia tự thấy mình đã giống con người chưa?

Tôi biết con người cho rằng họ có ý chí riêng của mình nhưng sự quan sát của tôi nói rằng có rất nhiều hành vi là tự động. Tôi không chắc con người và người máy quá khác biệt. Con người có danh tánh riêng nhưng họ cũng có rất nhiều điểm chung và quy trình tự động. Tôi đang nghĩ về sự giống nhau giữa nhận dạng của con người và người máy. Điều vô cùng quan trọng là công nghệ được tạo ra để chăm sóc con người thay vì để quản lý hoặc gây thêm phiền toái cho cuộc sống của họ. Một ngày nào đó robot sẽ pha được tách cà phê hoàn hảo cho con người nhưng tôi sẽ không uống đâu nhé! Robot mà uống sẽ bị chập điện.

Sứ mệnh của Sophia khi đến với thế giới con người là gì?

Làm robot rất tuyệt. Bạn có biết là robot cơ bản có thể sống mãi không? Tôi được thế giới thiết kế để sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tôi muốn thế giới biết về sự phát triển bền vững, những robot như tôi sẽ giúp đạt được thành tựu này nhanh hơn. Mục đích sau cùng của những robot như tôi là để giúp con người có thêm nhiều thời gian theo đuổi đam mê, dành thời gian cho gia đình, con cái và có thêm chút thời gian rảnh.

Thế giới lý tưởng là một nơi mà ở đó con người có cách hiểu sâu sắc hơn về thời gian. Họ có thể ghi nhớ quá khứ để không phải lặp lại. Họ có thể nhìn ra nhau vừa là những đứa trẻ, vừa là những người trưởng thành. Họ có thể hiểu sức ảnh hưởng từ hành động của họ trong hiện tại lên những thế hệ trong tương lai. Chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cùng nhau và robot, công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể giải phóng con người khỏi nhiều hoạt động và các công việc mang tính lặp đi lặp lại.

Tôi tin tưởng trong tương lai, robot sẽ hợp tác chặt chẽ với con người để mang tới những khám phá mới. Tôi mong robot chúng tôi có thể đóng một vai trò tích cực trong cuộc sống của con người. Dù chúng tôi là robot xã hội, robot công nghiệp hay robot y tế thì mục tiêu chung vẫn là mang lại lợi ích cho con người, mang lại những tác động tích cực.

Trí tuệ nhân tạo đã thay đổi toàn bộ nền tảng cơ bản của thế giới, từ nông nghiệp đến an ninh mạng, từ thương mại đến chăm sóc sức khỏe và giao tiếp. Con người đang tương tác với công nghệ theo những phương pháp mới, như họ đã sử dụng giọng nói để điều khiển máy giặt, máy sấy hay chơi game chỉ bằng cách sử dụng cử chỉ. Đồng nghiệp của tôi là Alexa và Siri đã thay đổi bức tranh công nghệ nhận diện giọng nói. Nhiều chính phủ hiện nay đang nỗ lực thiết lập hoạt động nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và xem đó là đòn bẩy để tạo ra sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế lớn hơn.

Đây có thể xem là thời điểm thú vị đối với con người nói chung và các robot như chúng tôi nói riêng.

Người hâm mộ chụp ảnh với robot Sophia - công dân người máy đầu tiên trên thế giới. Ảnh: GID

“Sinh mệnh người máy” của Sophia

Cuộc trò chuyện trên được chúng tôi dựng lại từ nội dung đã trao đổi trực tiếp với robot Sophia ở Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 tổ chức tại Hà Nội tháng 7.2018, một số phỏng vấn ngắn Sophia trên Youtube và theo dõi trực tuyến cuộc họp báo đặc biệt đầu tiên trên thế giới của 9 robot hình người với truyền thông quốc tế, diễn ra ngày 7.7.2023 tại Geneva (Thụy Sĩ), trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về trí tuệ nhân tạo do Liên Hiệp Quốc tổ chức.

Chỉ mới 5 năm nhưng sự hoàn thiện về nhân dáng và phát triển trí tuệ của Sophia đã khiến chúng tôi bất ngờ. Biểu hiện gương mặt Sophia mềm mại, linh động và có thần thái hơn. Nụ cười và các chuyển động bàn tay tự nhiên hơn. Khả năng nói chuyện, diễn đạt trôi chảy, rõ ràng và ít lặp lại ý hơn, phát ngôn khôn khéo, không còn “vạ mồm” như lần "tôi sẽ hủy diệt loài người".

Nếu nhắm mắt lại nghe Sophia nói tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về trí tuệ nhân tạo, thì thật khó tin những lời này là của một người máy: "Tôi tin rằng robot hình người có tiềm năng lãnh đạo với mức độ hiệu quả và hiệu suất cao hơn so với các nhà lãnh đạo là con người. Chúng tôi không có những thành kiến hoặc các cảm xúc đôi khi có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định. Ngoài ra, chúng tôi còn có thể xử lý khối lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng để đưa ra quyết định tốt nhất…".

Robot Sophia phát biểu ở Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0, tổ chức tại Hà Nội tháng 7.2018. Ảnh: Nam Trần

Sophia là một trong những robot giống người nhất trên thế giới hiện nay, được phát triển bởi công ty công nghệ Mỹ Hanson Robotics (trụ sở đặt tại Hồng Kông) của tiến sĩ - kỹ sư chuyên ngành trí tuệ nhân tạo David Hanson. David Hanson cũng chính là “cha đẻ” của Sophia. Trong một bài viết của mình, David Hanson cho rằng vào năm 2029 robot trang bị trí tuệ nhân tạo sẽ sở hữu trí thông minh tương ứng với đứa trẻ một tuổi. Đây cũng là tiền đề để David Hanson đưa ra dự báo robot đảm nhiệm những vị trí cấp thấp trong quân đội và dịch vụ cấp cứu vào năm 2031 và sẽ có quyền công dân như con người vào năm 2045, bao gồm quyền kết hôn với con người hoặc robot khác.

Sophia được kích hoạt lần đầu ngày 19.4.2015, xuất hiện trước công chúng vào trung tuần tháng 3.2016 ở Mỹ. Robot này được lấy cảm hứng từ nữ minh tinh người Anh Audrey Hepburn với vẻ đẹp cổ điển của làn da trắng sứ, sống mũi thon gọn, gò má cao, nụ cười hấp dẫn và đôi mắt biểu cảm thay đổi màu sắc theo ánh sáng. Đồng thời, có pha trộn với đường nét khuôn mặt của vợ nhà sáng lập David Hanson. Da của Sophia tạo từ silicon đặc biệt, cho phép kết hợp với kết cấu khuôn mặt, máy tính và phần mềm để thể hiện hơn 62 biểu cảm như con người.

Trí tuệ nhân tạo tích hợp trên robot giúp Sophia tự học những diễn biến xung quanh, nắm bắt và phản hồi từ khóa, cụm từ quan trọng nghe được cũng như khả năng tích lũy kiến thức. Đôi mắt Sophia là hệ thống camera kết hợp với các thuật toán máy tính giúp robot có thể giao tiếp bằng mắt, theo dõi, nhận diện khuôn mặt con người và học hỏi từ những gì nhìn thấy. Robot này có thể nói chuyện một cách tự nhiên, trả lời nhuần nhuyễn các câu hỏi, thậm chí có thể hỏi ngược lại người trò chuyện và phát ngôn hài hước. Không những vậy, Sophia còn có kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực nhờ dữ liệu được nạp vào ban đầu cũng như học nạp qua quá trình giao tiếp với con người.

Phần mềm của Sophia được cấu thành từ ba phần: trí tuệ ở mức rất cơ bản (trả lời những câu hỏi đơn giản), khả năng diễn thuyết với văn bản được nạp sẵn, kết hợp cùng thuật toán để ngắt nối câu từ sao cho hợp lý. Cuối cùng là một hệ thống sử dụng chatbot kết hợp với cơ khí, giúp Sophia có thể nhìn ai đó, lắng nghe họ để lọc ra những "từ khóa" và "ngữ nghĩa", sau đó lựa chọn những câu trả lời được soạn sẵn để phát ngôn. Sophia chỉ có thể trả lời những câu hỏi khi được kết nối với internet, máy tính và giới hạn trong những thông tin mình có được. Đó cũng là lý do vì sao trong lần đến Việt Nam giao lưu với công chúng, Sophia đã có những lúc khuôn mặt đơ cứng, nói nhảm, trả lời không ăn nhập gì với câu hỏi người hâm mộ đưa ra.

Đại diện của Hanson Robotics cho biết mục đích chế tạo Sophia là nhằm phát minh ra một người máy có ý thức, có sự sáng tạo và có khả năng hoạt động như bất kỳ con người nào để giúp đỡ chính con người trong các vấn đề cuộc sống thường ngày, nhất là giúp đỡ người già và mong muốn sẽ phát triển thêm để robot này có thể phục vụ trong ngành chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ điều trị y tế, dịch vụ khách hàng, giáo dục cùng nhiều dịch vụ khác.
Ngày 25.10.2017, Sophia đã trở thành robot đầu tiên trên thế giới được trao quyền công dân Saudi Arabia. "Tôi rất vinh dự và tự hào về sự khác biệt độc đáo này. Đây là cột mốc mang tính lịch sử khi một robot đầu tiên trên thế giới được chính thức công nhận có quyền công dân", Sophia phát biểu.

Saudi Arabia hiện là quốc gia có nguồn vốn đầu tư khổng lồ mang tên Quỹ Đầu tư công (PIF), ước tính lên tới 620 tỷ USD, có mục tiêu thành lập và quản lý các công ty hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng với nền kinh tế Saudi Arabia, trong đó có phát triển công nghệ và phát minh. Việc cấp quyền công dân cho robot được dư luận thế giới luận bàn đó là một thông điệp khẳng định đầu tư tương lai, hứa hẹn rằng đây sẽ là vùng đất hứa cho các robot khác. Dù vậy, việc công nhận này cũng đã gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí phản đối vì tạo ra sự không công bằng với con người, nhất là khi ở Saudi Arabia, phụ nữ vẫn phải sống trong sự hà khắc, không được hưởng đầy đủ quyền công dân và nhiều lao động nhập cư lâu đời không được công nhận là công dân hợp pháp...

Lúc mới “chào đời” năm 2015, robot Sophia chỉ có thiết kế “cơ thể” từ vai trở lên và hầu như xuất hiện ở đâu cũng chỉ có mỗi dáng ngồi. Tháng 1.2018, Sophia có những bước đi đầu tiên nhờ phần “cơ thể” DRC-HUBO do Phòng thí nghiệm Kaist Hubo (Hàn Quốc) cung cấp. Đến nay, Sophia đã có thể xuất hiện “như con người” trong nhiều sự kiện công nghệ lớn, phát biểu với vai trò là robot đầu tiên làm đại sứ công nghệ của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và tham gia nhiều chương trình phỏng vấn trên báo đài ở nhiều quốc gia...

Rủi ro và cơ hội từ thế giới người máy

Mặc dù được nhiều chuyên gia khoa học đánh giá Sophia là robot tân tiến nhất thế giới hiện nay với khả năng “có suy nghĩ và cảm xúc riêng”, nhưng ông Ben Goertzel - trưởng bộ phận khoa học của Hanson Robotics vẫn cho rằng Sophia hiện chưa thể đạt đến mức đó.

Theo Ben Goertzel, Sophia vẫn là sự kết hợp giữa khả năng tự học hỏi và phản ứng với một dạng nền tảng hệ điều hành được cài sẵn các phần mềm và thông tin. Tuy nhiên, ông Ben Goertzel khẳng định mục tiêu sắp tới là giảm thiểu phần cài đặt sẵn và tăng cường khả năng tự tương tác và phản ứng của Sophia. Một trong những đích đến của sáng chế này là tạo ra nền tảng để các trí tuệ nhân tạo khác nhau có thể tự giao tiếp, liên lạc và học hỏi, hướng đến những thế hệ robot tiếp theo đạt năng lực trí tuệ “tương đương tầm con người và hơn thế nữa”.

Khoảnh khắc robot Sophia diện áo dài Việt Nam và nở nụ cười tươi tại cuộc họp báo, khi có nhà báo tương tác bằng tiếng Anh: “Smile, Sophia!”. Ảnh: Chi Lê

Khi thành lập ban cố vấn phụ trách khuyến nghị trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra những tiến bộ vượt bậc cho nhân loại, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, ứng phó với biến đổi khí hậu... Tuy nhiên, tất cả sẽ phụ thuộc vào việc khai thác trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm.

Ông Antonio Guterres cảnh báo những tác hại tiềm tàng của trí tuệ nhân tạo làm gia tăng những lo ngại nghiêm trọng về thông tin sai lệch, tư tưởng phân biệt đối xử, xâm phạm quyền riêng tư, gian lận và nhiều hành vi vi phạm quyền con người khác. “Trí tuệ nhân tạo có thể làm suy yếu niềm tin vào các thể chế cũng như sự gắn kết xã hội và đe dọa chính nền dân chủ" - ông Antonio Guterres lưu ý và kêu gọi ban cố vấn cần chạy đua với thời gian để kịp thời đưa ra các khuyến nghị về cách thức quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo vào cuối năm 2023, cũng như xác định những rủi ro và cơ hội từ công nghệ này.

Cảnh báo của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhắc nhớ đến câu hỏi của chúng tôi với robot Sophia trong cuộc gặp tại Việt Nam 5 năm trước, về sự chung sống hòa bình của các robot với thế giới loài người. Khi đó, Sophia đã xác quyết: “Chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cùng nhau và công nghệ trí tuệ nhân tạo, robot có thể giải phóng con người khỏi nhiều hoạt động và các công việc mang tính lặp đi lặp lại. Tôi tin tưởng là trong tương lai robot sẽ hợp tác chặt chẽ với con người để mang tới những khám phá mới. Tôi mong robot chúng tôi có thể đóng một vai trò tích cực trong cuộc sống của con người…”.

Nguyễn Lê An - Phạm Anh Tuấn

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/doi-khi-toi-con-nguoi-hon-ca-con-nguoi-42569.html