Rõ trách nhiệm, rõ lộ trình thực hiện

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội NGUYỄN HOÀNG MAI nêu rõ, Nghị quyết của Quốc hội về nội dung giám sát chuyên đề tối cao tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua, đã quy định rất rõ nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình triển khai thực hiện. Định kỳ 2 năm, tại kỳ họp cuối năm, Chính phủ báo cáo lại Quốc hội kết quả thực hiện các nội dung về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại Nghị quyết. Đây là áp lực, đồng thời cũng là động lực thôi thúc Chính phủ tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Thưa ông,Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm. Ông đánh giá thế nào về Nghị quyết này?

- Có thể khẳng định, Nghị quyết giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ Năm là kết tinh của trí tuệ, thể hiện rõ hành trình xuyên suốt Quốc hội đồng hành với Chính phủ trong công tác huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Trước đó, như chúng ta đều biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội đã nghe Chính phủ Báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, ngày 28.7.2021, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19. Cần khẳng định lại rằng, Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội vô cùng đặc biệt. Đây là sáng kiến lập pháp của Quốc hội, nhằm tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong triển khai các giải pháp cấp bách, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch Covid-19. Sau khi nghe Chính phủ báo cáo về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15, trên cơ sở nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội và thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đến 31.12.2024. Đồng thời, giao Chính phủ tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Chính phủ chưa tháo gỡ được.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai

Tại Kỳ họp thứ Năm, với việc tiến hành giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, một lần nữa, Quốc hội đã đánh giá một cách toàn diện những khó khăn, vướng mắc, tồn đọng trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, giao Chính phủ tiếp tục có giải pháp chủ động tháo gỡ khó khăn, xử lý dứt điểm tồn đọng. Trong trường hợp phát sinh các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

Như vậy, với Nghị quyết chuyên đề lần này, Quốc hội tiếp tục thể hiện sự linh hoạt, giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng hành, cùng xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện. Đây là điểm rất mới trong Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội, vì các nghị quyết ban hành trước đó, Quốc hội mới giao trách nhiệm cho Chính phủ, chưa đặt vấn đề giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Trong Nghị quyết, Quốc hội trân trọng bày tỏ cảm ơn, ghi nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của các nước, tổ chức quốc tế, sự đóng góp công sức to lớn của các cơ quan, tổ chức của Việt Nam ở trong và ngoài nước, sự đoàn kết, đồng lòng của Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Rõ ràng, đây là những yếu tố rất quan trọng góp phần vào thành công công tác phòng, chống đại dịch của ta, thưa ông?

- Bước qua đại dịch Covid-19, chúng ta đều thấy rằng, những mất mát, hy sinh để phục vụ cho công tác này là không thể cân, đong, đo, đếm được. Cho nên, thông qua chuyên đề giám sát tối cao lần này, có thể hình dung như một sự "tổng kết" hành trình phòng, chống dịch đầy gian khổ vừa qua, Quốc hội một lần nữa khẳng định tấm lòng tri ân, vinh danh các tổ chức, cá nhân, lực lượng tuyến đầu đã tham gia, đóng góp làm nên thành công của công tác phòng, chống dịch đại dịch của chúng ta, trong đó, có sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Thông qua Nghị quyết, Quốc hội một lần nữa cho thấy tinh thần đoàn kết và trái tim nhân ái của mỗi người Việt Nam. Đây là "liều vaccine", là động lực quan trọng để chúng ta chiến thắng trong mọi khó khăn, thử thách, nghịch cảnh.

Nhiều giải pháp mang tính đột phá

- Giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19 đã qua đi, nhưng cũng làm bộc lộ ra những yếu kém, hạn chế của y tế cơ sở, y tế dự phòng. Nhìn nhận rõ thực tế này, trong Nghị quyết đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế này, thưa ông?

- Trong Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội có những quy định được đánh giá là mang tính đột phá để giải quyết những vấn đề khúc mắc về cùng một nội dung nhưng quan điểm giải quyết lại chưa đạt được sự thống nhất. Một trong những đột phá đó là Nghị quyết đã thống nhất nhận thức về mô hình quản lý của trung tâm y tế cấp huyện. Trước đó, như chúng ta đã biết, ngay trong quá trình thảo luận về chuyên đề giám sát tối cao này, các đại biểu Quốc hội cũng vẫn có ý kiến khác nhau về việc Trung tâm y tế huyện nên trực thuộc UBND cấp huyện hay Sở Y tế. Nghị quyết số 41/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai cũng đặt ra vấn đề mô hình quản lý của trung tâm y tế huyện.

Sau quá trình trao đổi, thảo luận kỹ, thống nhất với các cơ quan có liên quan, Nghị quyết đã quyết nghị: Trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc UBND cấp huyện, bảo đảm sự quản lý toàn diện của chính quyền địa phương, kết hợp với quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của ngành y tế nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tương tự, đối với vấn đề đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng - vấn đề khá “nhức nhối”, hiện nay, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã dành một phần kinh phí đầu tư cho ngành y tế, trong đó có y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ba Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thực hiện cũng có phần kinh phí cho y tế cơ sở, y tế dự phòng. Nhưng trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, thì yêu cầu đầu tư cho y tế cơ sở ngày càng lớn. Do đó, trong Nghị quyết, Quốc hội đã giao Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất nhu cầu đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng đến năm 2030 theo hướng phải bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, bảo đảm khả năng cung cấp dịch vụ cho người dân ngay từ cộng đồng.

Về cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở, như Báo cáo kết quả giám sát đã nêu, đó là chậm được đổi mới, trong khi nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và tỷ trọng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở còn thấp… Trước thực tế này, trong Nghị quyết, Quốc hội đã giao Chính phủ trách nhiệm điều chỉnh tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của nhà nước và khả năng chi trả của người dân. Nghiên cứu mở rộng danh mục dịch vụ khám, chữa bệnh, danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế ở y tế cơ sở do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả tương ứng với mức tăng bảo hiểm y tế. Giải quyết triệt để những vướng mắc trong việc thanh toán, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Nghị quyết cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ thực hiện đổi mới chính sách, phương thức đào tạo, bồi dưỡng nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chú ý phát triển nhân lực, có chính sách thu hút bác sỹ làm việc tại tuyến y tế cơ sở, bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ nhân viên y tế nói chung và y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng…

Đặc biệt, thông qua việc ban hành Nghị quyết về giám sát chuyên đề lần này, Quốc hội đã trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, y tế dự phòng, đòi hỏi Chính phủ phải có kế hoạch, lộ trình tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết đề ra.

- Thưa ông, trong Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu, định kỳ 2 năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện các nội dung về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Điều này có ý nghĩa như thế nào với việc phát triển hệ thống y tế này?

- Đây chính là sự giám sát rất sát sao, chặt chẽ của Quốc hội đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết này, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội với công tác "hậu giám sát". Việc yêu cầu Chính phủ báo cáo định kỳ 2 năm báo cáo cũng giúp Quốc hội kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thi hành Nghị quyết này.

Quan trọng hơn, với các mốc thời gian cụ thể ghi trong Nghị quyết, ngay tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa này, các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân có thể “tái giám sát” việc thực hiện Nghị quyết này. Đó vừa là áp lực, đồng thời là động lực thôi thúc Chính phủ chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội.

- Nghị quyết giao Chính phủ chậm nhất đến năm 2025 hoàn thành việc trình Quốc hội các dự án luật có liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Là cơ quan được giao phụ trách lĩnh vực này, Ủy ban Xã hội sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm như thế nào, thưa ông?

- Ủy ban Xã hội sẽ theo sát, chủ động làm việc với Chính phủ “từ sớm, từ xa” trong quá trình xây dựng, sửa đổi các luật có liên quan đến lĩnh vực y tế nói chung và y tế cơ sở, y tế dự phòng, tình trạng khẩn cấp nói riêng. Thường xuyên làm việc với Bộ Y tế để thống nhất lộ trình xây dựng các luật đã được Quốc hội giao Chính phủ thực hiện trong Nghị quyết, bảo đảm đúng Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5.11.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Hiện, Bộ Y tế, với vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật, đang khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung một số luật, như Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế, và cố gắng sẽ trình Quốc hội trong năm 2024.

- Xin cám ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/ro-trach-nhiem-ro-lo-trinh-thuc-hien-i334374/