Reuters: Mỹ sẽ cải tổ bộ chỉ huy quân sự tại Nhật Bản

Chủ Nhật vừa qua, tờ Financial Times đã cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong tháng tới sẽ tiết lộ một kế hoạch tái cấu trúc bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại Nhật Bản khi đối mặt với những lo ngại liên quan tới Trung Quốc.

FT trích lời một số nguồn tin có thông tin liên quan, cho biết kế hoạch này sẽ củng cố khả năng hoạch định chiến lược và tổ chức tập trận giữa hai nước.

Tờ báo cho biết kế hoạch này được dự kiến sẽ được tuyên bố tại Nhà Trắng vào ngày 10 tháng 4, khi ông Biden lên kế hoạch tiếp đón ông Kishida tới một sự kiện chính thức bao gồm một buổi tiếp đón trang trọng và một cuộc họp đề ra chính sách.

Nhật Bản là đồng minh thân cận và là một phần quan trọng trong chiến lược của Mỹ với Trung Quốc, Triều Tiên và các vấn đề an ninh châu Á khác.

Nhà Trắng, Ủy ban An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ đã không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters. Chính phủ Nhật Bản đã không thể được liên lạc để yêu cầu bình luận.

Washington từ lâu đã ủng hộ Nhật Bản xây dựng quân đội khi hoạt động an ninh và quân sự giữa Mỹ và những đồng minh lớn nhất của nước này tại châu Á trở nên vững mạnh hơn.

Hơn một năm trước, Nhật Bản đã cam kết tăng gấp đôi chi tiêu cho quốc phòng lên mức 2% GDP và thu mua tên lửa có thể tấn công tàu hoặc mục tiêu trên đất liền ở khoảng cách tới 1.000 km.

Nhật Bản gần đây đã phát biểu, nhận định lực lượng quân sự ngày càng nhanh chóng lớn mạnh của Trung Quốc là “mối lo ngại nghiêm trọng” cho Nhật Bản và cộng đồng quốc tế.

Trong cuối năm vừa rồi, Nhật Bản đã bổ nhiệm một quan chức chính phủ làm tùy viên về quốc phòng tại Đài Loan (Trung Quốc), đẩy mạnh quan hệ an ninh và là một trong những nước đi có thể khiến Trung Quốc không hài lòng.

Tương tự như phần lớn các quốc gia khác, Nhật Bản không có quan hệ ngoại giao chính thức với vùng lãnh thổ này, và đây là điều kiện tiên quyết cho việc thành lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tokyo đã mong muốn phát triển quan hệ với Đài Loan (Trung Quốc) vì khoảng cách gần và quan hệ về mặt lịch sử của Nhật Bản với đảo này, cũng như vì quan hệ liên minh với Mỹ và những căng thẳng với Trung Quốc.

Nguyễn Quang Minh

(Theo Reuters)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/reuters-my-se-cai-to-bo-chi-huy-quan-su-tai-nhat-ban-a655800.html