Rào cản trong nhà ngoài ngõ đối với người khuyết tật

Các nhà hàng có khoảng cách bàn đủ rộng hay lối vào thuận tiện cho người sử dụng xe lăn là một trong những cách tăng tính tiếp cận cho người khuyết tật.

Theo thống kê từ Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, tính đến năm 2023, cả nước có hơn 7 triệu người khuyết tật, số người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động là 61%.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của USAID tại Việt Nam, người khuyết tật đối mặt với rất nhiều rào cản liên quan đến việc tiếp cận giao thông, các công trình công cộng cũng như chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác.

Ví dụ, theo Báo cáo của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, mới có khoảng 478 xe buýt sàn thấp có hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận sử dụng (chiếm 4,8% tổng số phương tiện). Ở TP.HCM và Hà Nội, hiện chỉ có một lượng nhỏ xe buýt sàn thấp, được trang bị các thiết bị hỗ trợ dẫn hướng bằng âm thanh, hình ảnh có phụ đề cho người khiếm thị và khiếm thính; chưa có xe buýt được bố trí hệ thống thang nâng.

Rào cản đối với người khuyết tật không chỉ tồn tại ở Việt Nam.

 Nhiều quốc gia có quy định về thiết kế tăng khả năng tiếp cận đối với người khuyết tật. Ảnh: Washington Post.

Nhiều quốc gia có quy định về thiết kế tăng khả năng tiếp cận đối với người khuyết tật. Ảnh: Washington Post.

Năm 2017, một cuộc khảo sát cho thấy 20% người khuyết tật ở Mỹ gặp phải rào cản khi vào các tòa nhà, tham gia phương tiện giao thông hoặc dịch vụ ít nhất 1 lần/ngày. 12% khác nói rằng những rào cản này xảy ra nhiều lần trong ngày.

Ngay cả ở những thành phố "dễ tiếp cận", nhiều người khuyết tật khó có cơ hội tìm việc làm xuất phát từ khó khăn trong sử dụng các tiện ích công cộng.

Trên thế giới, nhiều quốc gia như Mỹ, Canada và một số nước châu Âu đã có các điều luật về tính tiếp cận (Accessibility) trong thiết kế công cộng để tăng cường khả năng tiếp cận của người khuyết tật.

Ở Mỹ có Americans with Disabilities Act (ADA) và Architectural Barriers Act (ABA) - những đạo luật trong đó yêu cầu các cơ sở và khu vực ngoài trời được liên bang tài trợ phải dễ tiếp cận đối với người khuyết tật.

Las Vegas, Orlando và New York của Mỹ được xếp hạng trong top 10 thành phố thân thiện với người khuyết tật nhất thế giới.

Những khu giải trí ở Las Vegas cũng có nhân viên hỗ trợ người khuyết tật. Thành phố New York có một cơ sở dữ liệu gồm 1.500 địa điểm du lịch như viện bảo tàng, khách sạn và nhà hàng dành cho người khiếm khuyết. Tất cả công viên ở Orlando đều cung cấp những tiện nghi hỗ trợ người khuyết tật và tránh việc xếp hàng.

Tuy nhiên, các tờ báo Mỹ thừa nhận vẫn còn một chặng đường dài để việc thực thi chúng được hoàn thiện trên toàn nước Mỹ.

Dựa trên khảo sát của mình, StrongGo đã đưa ra 7 điều các thành phố có thể áp dụng để tăng khả năng tiếp cận tốt hơn cho người khuyết tật:

1. Thiết kế lề đường phù hợp

Cần có lề đường thấp hoặc lối đi nối mặt đường với vỉa hè. Điều này giúp những người có thị lực kém hoặc người phải sử dụng xe lăn dễ dàng di chuyển. Nếu không, xe lăn có thể bị lật khi người dùng cố gắng đi từ vỉa hè xuống mặt đường, người có thị lực kém có thể đánh giá sai độ cao của lề đường và bị ngã.

2. Lát gạch chỉ dẫn cho người khiếm thị

Theo quy định, phần đường dành riêng cho người khiếm thị phải được lát bằng 2 loại gạch dẫn đường là gạch sọc để hướng dẫn đi thẳng tiếp, chấm bi để yêu cầu dừng lại. Tại các điểm giao cắt, khu vực tiếp giáp với mặt đường phải có gạch chấm bi để cảnh báo người khiếm thị dừng lại.

Việc lấn chiếm vỉa hè có thể chắn mất các ô gạch chỉ đường, khiến người khiếm thị không nhận biết được và gây nguy hiểm cho họ.

Đối với các khu vực giao thông công cộng như điểm chờ xe buýt, nhà ga, cần có gạch chỉ đường để người khiếm thị biết phải đứng ở đâu, giữ khoảng cách an toàn với phương tiện.

3. Xây dựng vỉa hè bằng phẳng, thông thoáng

Vỉa hè không bằng phẳng, gồ ghề hay có ổ gà khiến người khuyết tật rất khó di chuyển, dù họ đi bộ hay sử dụng xe lăn. Để thuận tiện cho họ, chính quyền cần đảm bảo vỉa hè được bảo trì tốt, hạn chế vật cản hoặc bị lấn chiếm.

 Vỉa hè hư hỏng, bị lấn chiếm có thể gây hạn chế với người khuyết tật dù họ có dùng xe lăn hay không. Ảnh minh họa: Thụy Trang.

Vỉa hè hư hỏng, bị lấn chiếm có thể gây hạn chế với người khuyết tật dù họ có dùng xe lăn hay không. Ảnh minh họa: Thụy Trang.

4. Thiết kế nhà hàng thân thiện

Một điều đơn giản mà các quán ăn, nhà hàng, tiệm cà phê ở thành phố có thể làm để thân thiện hơn với người khuyết tật là bố trí không gian giữa các bàn đủ để xe lăn có thể di chuyển qua. Các nhà hàng cũng nên có phòng vệ sinh thiết kế riêng cho người khuyết tật.

 Khoảng cách giữa các bàn đủ rộng giúp người dùng xe lăn dễ tiếp cận hơn. Ảnh: Wasserstrom.

Khoảng cách giữa các bàn đủ rộng giúp người dùng xe lăn dễ tiếp cận hơn. Ảnh: Wasserstrom.

Lối vào hẹp, cầu thang dốc sẽ là rào cản với những người sử dụng xe lăn. Các nhà hàng có thể cân nhắc thiết kế lối đi bổ sung hoặc biện pháp hỗ trợ người khuyết tật khi đi vào.

5. Tiện ích tại các tòa nhà

Các tòa nhà nên thiết kế lối đi và thang máy rộng rãi giúp người phải dùng xe lăn dễ dàng di chuyển. Thực tế, nhiều tòa nhà cũ có thể không đáp ứng được điều này, song các nhà hoạch định cần xem xét nó kỹ hơn khi thiết kế các dự án trong tương lai.

 Thang máy có hỗ trợ cho người khuyết tật. Ảnh: Shutterstock.

Thang máy có hỗ trợ cho người khuyết tật. Ảnh: Shutterstock.

6. Nhà vệ sinh công cộng dành cho người khuyết tật

Nhiều người khuyết tật ngại đi ra các khu vực công cộng một phần vì không tìm được nhà vệ sinh thuận tiện. Các thành phố nên thiết kế các nhà vệ sinh công cộng dành riêng cho người khuyết tật, giúp họ dễ tiếp cận với chúng.

7. Phương tiện giao thông dễ tiếp cận

Các phương tiện giao thông công cộng cần có sàn thấp hoặc thang nâng để hỗ trợ người khuyết tật lên, xuống. Việc bố trí các thiết bị hỗ trợ dẫn hướng bằng âm thanh, hình ảnh có phụ đề cho người khiếm thị và khiếm thính cũng rất quan trọng.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/rao-can-trong-nha-ngoai-ngo-doi-voi-nguoi-khuyet-tat-post1455130.html