Rao bán bùa ngải trên mạng xã hội là hành vi mê tín, dị đoan?

Thời gian qua, lợi dụng tâm lí tin vào tâm linh, mong cầu may mắn, đắc tài sai lộc của một số người dân, hàng loạt các trang kinh doanh, buôn bán bùa ngải xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Đây là hành vi mê tín dị đoan, gây nhiều hệ lụy, cần phải xử lý kịp thời.

Các đối tượng đăng bán các loại bùa ngải tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: CACC

Các đối tượng đăng bán các loại bùa ngải tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: CACC

Với từ khóa “mua bán bùa ngải”, chúng ta sẽ nhận được hàng loạt các trang bán bùa chú và vật phẩm tâm linh kỳ quái có nguồn gốc từ các dân tộc miền núi trong nước đến hàng nhập từ Thái Lan, Lào, Campuchia, Ấn Độ. Để kích thích tâm lý người mua, các trang đều đưa ra những lời quảng cáo ly kỳ, bí ẩn

Vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an (CA) TP Hà Nội đã phát hiện một số tài khoản Facebook thường xuyên đăng tải các bài viết rao bán “bùa phép” có nội dung mê tín, dị đoan lên mạng xã hội. Tiến hành xác minh, CA đã làm rõ được các chủ tài khoản là Đ.K.T (SN 1994, trú tại Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) và N.T.N (SN 1993, trú tại Phúc La, Hà Đông, Hà Nội). Ngay sau đó, lực lượng CA đã mời 2 người này lên trụ sở làm việc.

Tại CQCA, hai đối tượng đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình. CA đã yêu cầu các trường hợp trên gỡ bỏ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan không phù hợp với thuần phong, mỹ tục trên mạng xã hội và cam kết không tái phạm.

Cùng với đó, CA đã lập biên bản ra quyết định xử phạt 2 trường hợp trên về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc". Mức phạt đối với mỗi trường hợp này là 7,5 triệu đồng.

Tôi tìm hiểu được biết, việc mua bán bùa ngải, xem bói qua mạng xã hội là những hành vi mang tính chất mê tín dị đoan để trục lợi. Những hành vi nói trên có thể bị xử phạt hành chính (theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 320 Bộ luật Hình sự. Đặc biệt, nếu lợi dụng tâm linh để chiếm đoạt tiền có thể bị xem xét về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần truy quét mạnh mẽ, siết chặt quản lý, để chấm dứt hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan, trục lợi bất chính, lừa đảo người dân. Mỗi người dân cần tự nâng cao nhận thức, không nên tin vào những lời đồn thổi vu vơ về bùa phép, tránh bị thao túng tâm lý bởi bói toán vô căn cứ để mê muội, tiền mất tật mang.

Tường Vy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/rao-ban-bua-ngai-tren-mang-xa-hoi-la-hanh-vi-me-tin-di-doan-354906.html