Rạn san hô có thể thổi bùng xung đột Mỹ - Trung

Cách thành phố Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 440 km là hòn đảo nhỏ Pratas gồm 3 rạn san hô. Đây có thể là ngòi nổ tiếp theo trong xung đột quân sự Mỹ - Trung.

Ngày 16/6 chứng kiến con số kỷ lục 28 máy bay quân sự của Không quân Trung Quốc xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không Đài Loan. Đường đi của những máy bay là điều đáng báo động đối với các chiến lược gia quân đội người Mỹ và Đài Loan.

Một số máy bay của Trung Quốc, bao gồm máy bay ném bom, tiêm kích, và máy bay trinh thám, bay về hướng đông, quanh mũi đất phía nam đảo Đài Loan. Số còn lại tách ra bay về phía nam, hướng về đảo Pratas tại Biển Đông, rồi quay đầu.

Đảo Pratas, gồm 3 rạn san hô, hiện do Đài Loan quản lý, song Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền. Đảo này không có người sống, trừ một số lính thủy đánh bộ và cảnh sát tuần duyên Đài Loan.

Không quân Trung Quốc đã bay gần đảo Pratas trung bình một lần mỗi tuần kể từ ngày 16/9 - thời điểm cơ quan phòng vệ Đài Loan bắt đầu công bố dữ liệu chi tiết.

Nếu tính thêm các lần xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan nằm giữa đảo Pratas và Trung Quốc đại lục, số vụ tuần tra mà Không quân Trung Quốc thực hiện sẽ có tần suất gần như mỗi ngày.

 Ảnh chụp đảo Pratas từ trên không. Ảnh: NASA.

Ảnh chụp đảo Pratas từ trên không. Ảnh: NASA.

Tính toán của Bắc Kinh

Những cuộc diễn tập thể hiện thái độ không bằng lòng của Bắc Kinh trước chính quyền Đài Bắc, đặc biệt là khi hòn đảo khá thành công trong việc tranh thủ sự ủng hộ từ Mỹ. Điều này được thể hiện qua tuyên bố chung mà nhóm G7 đưa ra đã đề cập tới vấn đề Đài Loan.

Ngoài phơi bày điểm yếu phòng ngự, chiến thuật tập trung vào đảo Pratas còn nhằm thăm dò cam kết an ninh của Washington. Điều này giúp trả lời câu hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng tham chiến để bảo vệ rạn san hô cách căn cứ quân sự Mỹ gần nhất hàng trăm km hay không.

 Khoảng cách của đảo Pratas tới ba vùng lãnh thổ xung quanh. Ảnh: BS TV Tokyo.

Khoảng cách của đảo Pratas tới ba vùng lãnh thổ xung quanh. Ảnh: BS TV Tokyo.

Chiến dịch trên không trung thể hiện Bắc Kinh sẽ lựa chọn giáng đòn vào Đài Bắc mà không cần đổ bộ vào eo biển Đài Loan. Nếu chiếm đảo Pratas - hòn đảo ở gần Hong Kong hơn Đài Loan, Trung Quốc có thể có bàn đạp mới để thực hiện chiến dịch quân sự trong tương lai mà vẫn tránh được xung đột toàn diện với Mỹ.

“Có khả năng rất lớn Trung Quốc đang tìm cách chiếm một trong những đảo ngoài cùng”, Ben Schreer, người nghiên cứu chính sách phòng vệ của Đài Loan thuộc khoa nghiên cứu an ninh và tội phạm học của Đại học Macquarie (Australia), nhận định. “Nếu điều đó xảy ra, cộng đồng quốc tế và Mỹ sẽ làm gì?”.

Dù Trung Quốc không định lập tức tấn công Đài Loan, những lần xâm nhập thường xuyên cũng giúp xác lập sự hiện diện lâu dài của Trung Quốc trên vùng đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền.

Lo ngại của Đài Loan

Đài Loan phải gấp rút nâng cấp hệ thống phòng ngự quanh rạn san hô trên đảo Pratas, bổ sung 200 lính, chuyển tới tên lửa chống giáp, và tái khởi động dự án cải tạo đường băng trên đảo.

Nhưng chiến dịch xâm nhập của Trung Quốc đại lục đã tăng sức ép lên lực lượng không quân ngày một tụt hậu của Đài Loan. Trong 9 tháng qua, hòn đảo này ghi nhận 3 vụ va chạm hoặc rơi máy bay quân sự.

Tuy tỏ ra tự tin vào khả năng bảo vệ đảo Pratas, quân đội Đài Loan sẽ đối đầu với lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, trong lúc phải tác chiến ở nơi cách xa bờ hơn 400 km.

Số lượt máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập phần phía nam của vùng nhận diện phòng không Đài Loan vào năm 2020 nhiều hơn tổng số lượt của 5 năm trước cộng lại. Theo chính quyền Bắc Kinh, người chịu trách nhiệm cho những lần diễn tập trên là bà Thái, do bà từ chối chấp nhận rằng cả hai phía thuộc về “một Trung Quốc”.

Tuy nhiên, sự gia tăng số lần xâm nhập cũng có liên quan tới chiến thuật của Mỹ về tăng cường bán vũ khí và trao đổi ngoại giao với Đài Loan. Chẳng hạn, lần xâm nhập có sự tham gia của 28 máy bay Trung Quốc diễn ra sau khi các nước G7 kêu gọi “giải pháp hòa bình” cho vấn đề Đài Loan.

 Phản lực J-11 của không quân Trung Quốc. Ảnh: AP.

Phản lực J-11 của không quân Trung Quốc. Ảnh: AP.

Mỹ tăng cường hoạt động để đáp trả

Những chuyến bay xâm nhập vùng nhận diện phòng không Đài Loan cho thấy Trung Quốc đại lục có khả năng điều quân xa bờ, thậm chí có thể bao vây hòn đảo, và ngăn Mỹ tiếp cận những nơi có thể trở thành chiến trường.

Nếu không có binh sĩ ở Đài Loan, khi xảy ra xung đột, phần lớn lực lượng Mỹ sẽ phải được triển khai từ các căn cứ chính, cách xa hàng trăm km, tại Nhật Bản, Hàn Quốc, và đảo Guam.

Ngoài ra, nếu muốn can thiệp gần đảo Pratas, tàu chiến Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương phải đi qua kênh Bashi, nằm giữa đảo Đài Loan và Philippines. Trùng hợp, không quân Trung Quốc đến nay đã có 9 chuyến bay vào kênh Bashi từ tháng 9.

Trước động thái của Trung Quốc, Mỹ muốn chứng tỏ cam kết đảm bảo an ninh của những tuyến đường vận tải đường thủy mấu chốt trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất, gồm Philippines, Nhật Bản, và Đài Loan.

 Tàu chiến ven biển của Mỹ tiếp cận một tàu thăm dò của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tàu chiến ven biển của Mỹ tiếp cận một tàu thăm dò của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Năm nay, Lầu Năm Góc đã tăng gần gấp đôi số chuyến bay do thám trên Biển Đông, theo Sáng kiến Thăm dò tình thế chiến lược Biển Đông của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc).

Hầu hết trong số 72 chuyến tuần tra trong tháng 5 của máy bay do thám Mỹ đều đi qua kênh Bashi, theo các trang web theo dõi hoạt động máy bay quân đội.

Ely Ratner, người được ông Biden đề cử cho vị trí trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hôm 16/6 trả lời Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng sẽ “cẩn thận đánh giá thế cân bằng quân sự ở vùng eo biển Đài Loan lúc này, để đảm bảo hợp tác quốc phòng với Đài Loan tương xứng với mối đe dọa” từ Trung Quốc.

Tất cả những hoạt động quân sự trên đều làm tăng rủi ro xảy ra đụng độ, như cuộc khủng hoảng vào tháng 4/2001, khi một máy bay do thám EP-3 của Hải quân Mỹ va chạm với tiêm kích F-8 của Trung Quốc. Hơn 20 phi hành đoàn người Mỹ bị tạm giữ trong 11 ngày sau khi hạ cánh khẩn cấp ở đảo Hải Nam.

Chính quyền ông Biden từng kêu gọi Trung Quốc mở đường dây nóng để ngăn hiểu lầm giữa hai bên leo thang thành xung đột. Nhưng đến nay, nỗ lực ấy không mấy thành công.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ran-san-ho-co-the-thoi-bung-xung-dot-my-trung-post1228631.html