Rà soát tổng thể, siết chặt quản lý đất rừng Hải Vân

Ngày 27-3, ông Nguyễn Minh Hoàng- Phó Chủ tịch UBND P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng cho biết, cùng với việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xây dựng trái phép, làm du lịch sai quy định tại rừng Nam Hải Vân, phường đang phối hợp cơ quan chức năng quận rà soát tổng thể để siết chặt công tác quản lý, đảm bảo quyền lợi phát triển kinh tế của người dân, theo đúng quy định của pháp luật.

Lãnh đạo UBND P. Hòa Hiệp Bắc khẳng định sẽ tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng các quy định khi nhận giao khoán rừng, kiên quyết xử lý các trường hợp làm trái quy định (Trong ảnh: Tháo dỡ 2 trong số điểm làm du lịch trái phép).

Trong đợt ra quân tăng cường đảm bảo trật tự đô thị, xây dựng, an toàn giao thông trên địa bàn mới đây, cơ quan chức năng P. Hòa Hiệp Bắc đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao khoán, phát triển kinh tế dưới tán cây rừng để người dân nắm rõ. Cùng với đó, phường cũng tổng rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp xây dựng, làm du lịch tự phát, trái phép trên khu đất rừng sản xuất giao khoán ở Nam Hải Vân. Trong năm 2023, cơ quan chức năng đã xử lý 3 trường hợp đưa phương tiện vào rừng không đúng quy định và buộc khắc phục hậu quả các hành vi xâm hại rừng, tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ 5 công trình xây dựng trái phép trên đất rừng.

Cho đến hiện tại tình đã được lập lại, không có các trường hợp tái phạm. Phường đã mời làm việc, gặp gỡ, tuyên truyền đồi với các trường hợp kinh doanh tuyến đường đèo Nam Hải Vân, tuyến biển và khu vực Suối Lương. Tất cả đều hợp tác và cam kết tuân thủ quy định trong kinh doanh cũng như quyền và nghĩa vụ của người nhận giao khoán. "Qua kiểm ra, xử lý thì chúng tôi nhận thấy có một số hộ dân nhận giao khoán nhầm hiểu là có quyền sở hữu, quyền định đoạt, muốn làm gì thì làm trên diện tích rừng giao khoán. Phải hiểu rõ là nhà nước chỉ giao khoán đất rừng sản xuất để trồng trọt, chăn nuôi và hộ được hưởng những thành quả lao động từ việc trồng rừng hay chăm nuôi; chứ không phải là giao quyền sở hữu, quyền định đoạt, muốn làm gì thì làm", ông Hoàng cho biết.

Liên quan đến việc một số cá nhân có hành vi sai phạm, dựng lều bạt, lán trại làm du lịch trái phép xảy ra từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, hiện tại chính quyền địa phương đang thực hiện rà soát lại hồ sơ giao khoán, hợp đồng ủy quyền giữa các cá nhân để xử lý dứt điểm. "Các trường hợp khai thác du lịch nhưng chưa đủ điều kiện, chúng tôi sẽ hướng dẫn thực hiện hồ sơ pháp lý theo đúng quy định. Còn những trường hợp cố chấp, coi thường pháp luật, cố tình vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm minh", ông Hoàng cho biết. Đối với đất rừng sản xuất, theo quy định, chỉ có chủ hộ nhận giao khoán đất rừng sản xuất mới được phép thực hiện phương án sản xuất kinh doanh. Để đủ cơ sở pháp lý, chủ hộ phải có phương án quản lý rừng bền vững theo Thông tư 28 của Bộ NN&PTNT và phương án khai thác dịch vụ sinh thái dưới tán cây rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Nghị định 156 của Chính phủ. "Tuy nhiên qua kiểm tra các trường hợp sai phạm phổ biến không phải là chủ hộ, hoặc là chủ hộ nhưng kinh doanh không có phương án được phê duyệt. Hiện tại, phường đang kết hợp vừa xử lý vừa hướng dẫn người dân thực hiện đúng, đủ các thủ tục nếu muốn hoạt động kinh doanh", Phó Chủ tịch P. Hòa Hiệp Bắc thông tin.

Được biết, hiện tại UBND Q. Liên Chiểu đang yêu cầu cơ quan chức năng phối hợp UBND phường Hòa Hiệp Bắc tiến hành rà soát kỹ, xử lý dứt điểm các tồn tại, chấn chỉnh lại việc quản lý đất rừng sản xuất trong các Tiểu khu của rừng Nam Hải Vân; trong đó chú trọng kiểm tra, soát xét hợp đồng giao khoán "có đúng đối tượng" theo luật định hay không. Để việc giao khoán đất rừng sản xuất phát huy tác dụng, người dân vừa giữ rừng vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống thì hàng năm phường đều có thông báo đến người dân kế hoạch cho thuê đất rừng để người dân chủ động đăng ký. Nếu là doanh nghiệp thì thẩm quyền phê duyệt thuộc UBND thành phố, nếu là hộ gia đình thì cấp phê duyệt là quận. Trên cơ sở đó, quận rà soát cụ thể từng trường hợp để trình UBND thành phố giao đất, giao rừng cho người dân có nhu cầu. Theo số liệu thống kê mới nhất, đến nay phường Hòa Hiệp Bắc có 72 trường hợp phường Hòa Khánh Bắc có 24 trường hợp, phường Hòa Khánh Nam có 5 trường hợp đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thuê đất hoặc giao đất.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ra-soat-tong-the-siet-chat-quan-ly-dat-rung-hai-van-post292926.html