RÀ SOÁT NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG TRIỂN KHAI DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA, DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI KT-XH

Sáng 19/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023. Chủ trì cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát và tổng hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc đặc biệt là vướng mắc trong triển khai các dự án quan trọng quốc gia, các dự án sử dụng vốn của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội để xử lý theo thẩm quyền…

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Thực hiện Nghị quyết số 94/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023", Đoàn giám sát tổ chức cuộc làm việc với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế và các ngân hàng: Nhà nước Việt Nam, Chính sách xã hội về một số nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát.

Tại buổi làm việc, các bộ, ngành đã báo cáo tóm tắt, thực hiện giải trình những nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ của đơn vị liên quan đến chuyên đề giám sát; các thành viên đoàn và các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, đặt câu hỏi... qua đó, làm rõ thêm các vấn đề trong thực tiễn triển khai các Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát

Một số chính sách chưa đạt được như kỳ vọng, mục tiêu đề ra

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát đánh giá cao các báo cáo của các Bộ, ngành; các báo cáo đã bám sát yêu cầu của đề cương, chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng, công phu. Tại hội nghị, các thành viên Đoàn giám sát, các đại biểu dự họp đã phát biểu nhiều nhận định, đánh giá có căn cứ pháp lý và kinh nghiệm thực tiễn, là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp tục làm việc với các cơ quan, đơn vị và tổng hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát, trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, trước tình hình đất nước vô cùng khó khăn, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 được thông qua tại kỳ họp bất thường của Quốc hội, với nguồn lực lớn, nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid 19.

Đồng thời, các bộ, ngành đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết; nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả tích cực như: Các chỉ tiêu ngân sách, nợ công tích cực, an toàn; lạm phát, tỷ giá cơ bản ổn định; các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế; giảm lãi suất qua ngân hàng chính sách xã hội đã hỗ trợ tốt cho đời sống nhân dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, một số chính sách chưa đạt được như kỳ vọng, mục tiêu đề ra khi ban hành Nghị quyết như: việc hỗ trợ lãi suất 2% qua ngân hàng thương mại kết quả rất thấp; hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng chưa được như kỳ vọng; mục tiêu tăng trưởng tuy ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới nhưng cần phải rất nỗ lực mới có thể đạt được mục tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025;..

Ngoài ra, việc triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn của Chương trình còn chậm trễ, không giải ngân hết vốn theo thời hạn đề ra tại Nghị quyết 43, Quốc hội phải gia hạn thời gian thực hiện đến 31/12/2024; việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân, người lao động có khó khăn, vướng mắc; một số chính sách tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng.

“Đây là những vấn đề cần tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc ban hành và triển khai các chính sách nhất là các chính sách ban hành trong tình hình đặc biệt để xử lý tình huống đặc biệt, cấp bách…”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Đại diện các bộ, ngành tại buổi làm việc

Đại diện các bộ, ngành tại buổi làm việc

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các bộ/ngành cần đánh giá kỹ hơn về việc thực hiện cơ chế đặc thù của các dự án đầu tư sử dụng vốn chương trình và các dự án quan trọng quốc gia: về phân cấp cho địa phương; về thực hiện chỉ định thầu; về khai thác mỏ vật liệu.... hiện nay việc triển khai các cơ chế này có nơi, có địa phương còn khó khăn, vướng mắc.

Ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân theo báo cáo của các bộ, ngành trong quá trình triển khai thực hiện chính sách và những đề xuất, kiến nghị của bộ, ngành, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung này sẽ được tổng hợp vào báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát trình Quốc hội.

Rà soát đầy đủ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án quan trọng quốc gia, các dự án sử dụng vốn của Chương trình phục hồi KT-XH

Để hoàn thiện báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương, tiếp tục rà soát và tổng hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc đặc biệt là vướng mắc trong triển khai các dự án quan trọng quốc gia, các dự án sử dụng vốn của Chương trình phục hồi để xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ báo cáo Quốc hội nếu có các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Các bộ ngành, Ngân hàng nhà nước tích cực, trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện nội dung này.

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023

Bên cạnh đó, đề nghị Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị chỉ đạo thực hiện một số nội dung kiến nghị và hoàn thiện các báo cáo, trong đó lưu ý: Một là, tiếp tục cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu theo ý kiến của thành viên Đoàn giám sát. Gửi thông tin báo cáo bổ sung cho Đoàn giám sát và phối hợp với Tổ giúp việc hoàn thiện những nội dung Đoàn giám sát yêu cầu. Hai là, rà soát lại thông tin, số liệu, nhận định, đánh giá, tránh để trùng lắp, không thống nhất trong từng báo cáo và giữa các báo cáo với nhau.

Trên cơ sở buổi kết quả làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu, Tổ Giúp việc tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành để tổng hợp kết quả, hoàn thiện báo cáo của Đoàn giám sát./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85455