Rà soát nguyên nhân, tìm cách khắc phục để sầu riêng không bị trả về

Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết năm 2022 đã mở ra nhiều cơ hội và kết quả tích cực cho sầu riêng. Dù vậy, yêu cầu về sản phẩm từ thị trường ngày càng cao. Tính đến nay, 30 lô hàng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam đã bị Trung Quốc cảnh báo và trả về do nhiễm hợp chất kim loại nặng cadimi vượt ngưỡng cho phép. Điều này dẫn đến nguy cơ thiệt hại lớn với ngành sầu riêng nếu không sớm khắc phục. Để sầu riêng giữ vị trí xuất khẩu 'tỉ đô', cần kiểm soát kỹ lưỡng vấn đề này, nhất là khi khi diện tích trồng đang ngày càng mở rộng và chỉ hơn 1 tháng nữa là bước vào chính vụ thu hoạch.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc sầu riêng Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo đã xuất hiện từ tháng 5 năm ngoái, nhưng gần đây, số lượng lô hàng bị cảnh báo tăng đột biến, cho thấy phía nước nhập khẩu đang tăng dần các biện pháp với sầu riêng Việt Nam. Điều này là vô cùng nguy hại, không chỉ đến thương hiệu sầu riêng nước ta tại Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến nhiều thị trường xuất khẩu khác, đe dọa đến tăng trưởng của ngành.

Cục Bảo vệ thực vật cho rằng có nhiều nguyên nhân từ nguồn nước, đất đã bị nhiễm cadimin, khí thải... hoặc xử lý sau thu hoạch. Với mỗi trường hợp sẽ có cách xử lý khác nhau, Cục đang tìm ra nguyên nhân với từng lô hàng để có cách xử lý.

Đã có nhiều bài học từ việc nhiễm cadimi trong nông sản dẫn đến thiệt hại lớn. Hiện Bộ Nông nghiệp đang chỉ đạo 5 địa phương thu hồi những lô hàng bị Trung Quốc cảnh báo, rà soát tìm ra nguyên nhân, khắc phục triệt để. Nếu tái diễn, sầu riêng Việt Nam đứng trước nguy cơ “vỡ trận” khi không được ký lại nghị định thư xuất khẩu chính ngạch, thường có giá trị 3 năm 1 lần.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Hà Lan - Cao Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ra-soat-nguyen-nhan-tim-cach-khac-phuc-de-sau-rieng-khong-bi-tra-ve-218410.htm