Quyết tâm tạo đột phá trong hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông - châu Phi

'Với nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, sự tin tưởng lẫn nhau và thế mạnh, sự quan tâm mới của hai bên, Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi còn nhiều dư địa và tiềm năng hợp tác lớn để tạo thêm sinh lực mới đưa quan hệ hợp tác giữa hai bên đi vào chiều sâu, thực chất với nhiều kết quả đột phá...', Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chia sẻ trong bài viết về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi. Báo Thế giới và Việt Nam trân trọng giới thiệu.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Ngoại giao Antalya (ADF) 2024 tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 2/3/2023.

Năm 2023, thế giới và khu vực Trung Đông - châu Phi chứng kiến nhiều biến động phức tạp, khó lường. Dù gặp khó khăn về kinh tế, bất ổn về nội trị và tác động sâu sắc của các cuộc xung đột như Nga - Ukraine, Israel - Palestine và căng thẳng tại biển Đỏ…, Trung Đông - châu Phi vẫn là một trong những khu vực phát triển năng động hàng đầu thế giới (1).

Nhiều nước khu vực đang tăng cường hòa giải, tự chủ chiến lược, đa dạng hóa nền kinh tế, mở rộng thị trường và liên kết kinh tế quốc tế. Vị thế và vai trò của nhiều nước khu vực ngày càng được các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, EU (2) và nhiều tổ chức đa phương, quốc tế như Liên hợp quốc, G20, BRICS, SCO (3)… coi trọng.

Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp, thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ và tinh thần chủ động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông - châu Phi năm 2023 đã đạt những kết quả tích cực với nhiều dấu ấn nổi bật:

Thứ nhất, về ngoại giao chính trị, quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng thực chất, hiệu quả:

Tần suất trao đổi đoàn, đặc biệt là đoàn cấp cao trong năm 2023, “dày đặc” nhất từ trước đến nay, tăng 83% so với năm 2022 và đạt nhiều kết quả quan trọng, với 68 văn kiện ký kết nhân các chuyến thăm, tăng 235% so với năm 2022.

Đáng chú ý, lãnh đạo cấp cao Việt Nam lần đầu tiên thực hiện liên tiếp ba chuyến thăm đến bốn nước Trung Đông chỉ trong hơn ba tháng. Điều này thể hiện rõ sự coi trọng và quan tâm ngày càng tăng của Việt Nam với khu vực này, đồng thời truyền tải thông điệp mạnh mẽ về chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa, ưu tiên và quyết tâm tạo đột quá trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi.

Việt Nam đã thúc đẩy triển khai hiệu quả 9 cơ chế hợp tác song phương với các nước khu vực, trong đó nhiều cơ chế lần đầu tiên được tổ chức hoặc được nối lại sau nhiều năm. (4)

Việt Nam lần đầu tiên cử đoàn cứu hộ, cứu nạn sang hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ sau động đất, hỗ trợ nhân đạo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Palestine và được nhiều nước, cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều nước TĐCP coi trọng Việt Nam, chủ động đề xuất thăm song phương trong năm 2024 và thúc đẩy nhiều hướng hợp tác mới về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, năng lượng và Halal…

Về hợp tác đa phương, Việt Nam thể hiện được vị thế mới và vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế với nhiều điểm đáng chú ý: lần đầu tiên hoàn tất thiết lập 2 khuôn khổ hợp tác mới gồm việc ký hai Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác với Ban Thư ký Liên đoàn Arab (AL) và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC); chính thức thiết lập quan hệ với Liên minh châu Phi (AU); tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) tại châu Phi. Các nước Trung Đông - châu Phi cũng đề cao vai trò, vị thế quốc tế và tích cực ủng hộ Việt Nam ứng cử vào các tổ chức quốc tế, như Hội đồng Nhân quyền LHQ (2023 - 2025), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2023 - 2027)...

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chụp ảnh lưu niệm cùng Đại sứ các nước châu Phi tại Hà Nội.

Thứ hai, ngoại giao kinh tế được triển khai mạnh mẽ với nhiều hoạt động đa dạng và sáng tạo, góp phần mở ra các hướng đi mới trong hợp tác hiệu quả, thực chất với khu vực, với bốn điểm sáng nổi bật:

Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh, thành lần đầu tiên trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Đây là hướng đi mới trong công tác ngoại giao kinh tế, nhằm khai mở thị trường Halal toàn cầu rất giàu tiềm năng với quy mô khoảng 10.000 tỷ USD vào năm 2028.

Qua một năm triển khai Đề án, Bộ Ngoại giao đã chủ động, tích cực phối hợp, hỗ trợ các cơ quan trung ương và địa phương trong triển khai Đề án, góp phần quan trọng trong việc tạo chuyển biến tích cực ở mọi cấp về huy động các nguồn lực quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam và được lãnh đạo cấp cao, chính phủ, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đánh giá cao.

Nhiều khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước khu vực đã được đẩy mạnh, với việc ký kết 35 văn kiện hợp tác, nổi bật là ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Israel (VIFTA). Đây là FTA đầu tiên giữa Việt Nam với một nước Trung Đông. Việt Nam đã khởi động và đang đẩy nhanh đàm phán hướng tới ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với UAE ...

Nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác khu vực đã được triển khai mạnh mẽ, sáng tạo. Nổi bật là, lần đầu tiên Việt Nam đã đón đoàn doanh nghiệp Saudi Arabia và tổ chức Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - Saudi Arabia (9/2023), sự kiện xúc tiến thương mại - đầu tư lớn nhất với khu vực Trung Đông - châu Phi từ trước đến nay với sự tham dự của hơn 750 đại biểu trong và ngoài nước và gần 10 MOU được ký kết.

Nhiều địa phương, nhất là Bến Tre, Bình Phước, Ninh Thuận, Hải Phòng... đánh giá cao kết quả thực chất của hoạt động này. Đồng thời, nhiều hội nghị về quảng bá địa phương, thúc đẩy triển khai mô hình Không gian trưng bày hàng mẫu nông sản tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở Trung Đông và châu Phi đã được tổ chức với hình thức đa dạng, phong phú.

Đáng chú ý, Việt Nam đã vận động thành công Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) hỗ trợ 5 triệu USD cho dự án với Sierra Leone, và đang thúc đẩy các dự án hợp tác ba bên với Nigeria và Uganda.

Thứ ba, công tác ngoại giao văn hóa và tuyên truyền đối ngoại đã được tích cực triển khai, tạo nhiều điểm nhấn như Việt Nam lần đầu tiên tổ chức sự kiện “Ngày Việt Nam tại Nam Phi” và Tuần Việt Nam tại Iran; triển khai việc xây dựng, bảo tồn, phát huy các di sản mang tính biểu tượng trong quan hệ với các nước, đặc biệt là các di sản tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, quảng bá võ thuật cổ truyền tại châu Phi (Algieria, Nigeria, Senegal…) và của các nước khu vực tại Việt Nam (bia tưởng tiệm các nhà báo Algieria và Việt Nam tại huyện Sóc Sơn).

Công tác thông tin tuyên truyền hai chiều về Việt Nam và khu vực được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức phong phú, sáng tạo trên các nền tảng xã hội và các ấn phẩm như Bản tin kinh tế khu vực Trung Đông - châu Phi, Tờ gấp Halal, Đặc san Halal và trang facebook Việt Nam và Trung Đông - châu Phi… Qua đó, góp phần quảng bá về sự đổi mới, phát triển năng động của đất nước, con người và bề dày lịch sử, văn hóa của Việt Nam tới bạn bè khu vực và thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và đặc thù của khu vực cũng như các chính sách, xu hướng phát triển nổi bật của các nước Trung Đông - châu Phi tới các địa phương, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Tình hình thế giới năm 2024 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều thách thức do tác động của các cuộc xung đột Nga - Ukraine, Israel - Palestine, Biển Đỏ… và cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn. Khu vực Trung Đông - châu Phi năm 2024 được dự báo có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2023 và có thể trở thành động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu về trung và dài hạn.

Các nước lớn và tầm trung đang điều chỉnh chính sách hợp tác mạnh mẽ và thúc đẩy nhiều sáng kiến với khu vực. Trong bối cảnh đó, cần có cách tiếp cận chủ động, sáng tạo để tạo đột phá, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông - châu Phi đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, góp phần phục vụ sự phát triển của Việt Nam và các nước khu vực.

Do đó, Bộ Ngoại giao xác định triển khai một số trọng tâm hợp tác với các nước khu vực theo các hướng sau:

Một là, tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc các cấp, đặc biệt là cấp cao; rà soát các cơ chế, khuôn khổ hợp tác với khu vực, nhất là triển khai các Đề án “Phát triển quan hệ Việt Nam với các nước Trung Đông - Châu Phi giai đoạn 2016-2025” và “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Phi”, trong năm 2024, trong đó xác định rõ các đối tác, lĩnh vực ưu tiên hướng tới tổng kết các Đề án trong năm 2025 và xây dựng định hướng hợp tác cho giai đoạn tiếp theo; xây dựng và triển khai các kế hoạch hợp tác với AU, GCC, AL và thúc đẩy hoàn thiện các cơ chế hợp tác song phương và đa phương với khu vực; đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục thiết lập quan hệ ngoại giao, củng cố, kiện toàn mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao cũng như khuôn khổ pháp lý để tạo thuận lợi cho hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực.

Hai là, chủ động, tích cực tham mưu, dự báo, quán triệt phương châm nghiên cứu là “gốc” của công tác đối ngoại, tập trung vào tình hình nội trị, xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, nhất là các xu hướng, chính sách mới có thể tác động đến môi trường phát triển của Việt Nam như xu hướng hòa dịu, tự chủ chiến lược, cạnh tranh nước lớn, chuyển dịch môi trường đầu tư, chuyển đổi mô hình tăng trưởng (tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tư…).

Ba là, tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại châu Phi và các nhiệm vụ nhân đạo quốc tế khác; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước Trung Đông - châu Phi tại các cơ chế đa phương bảo vệ hòa bình và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Bốn là, xác định ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, phát huy cao tinh thần sáng tạo, đổi mới tư duy, cách làm, nội dung hợp tác phù hợp với đặc thù địa bàn và văn hóa khu vực, lấy địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, trong đó chú trọng việc xây dựng các mục tiêu, kế hoạch hành động cụ thể để tạo đột phá trong hợp tác với các nước khu vực với các trọng tâm về kinh tế, thương mại, đầu tư, Halal, nông nghiệp, du lịch, lao động…

Về thương mại, tích cực triển khai hiệu quả VIFTA, hoàn tất đàm phán và sớm ký CEPA với UAE, nghiên cứu khả năng mở rộng mạng lưới, đàm phán FTA với các đối tác trọng điểm tiềm năng khác và đổi mới, nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại theo hướng bám sát địa bàn, có trọng tâm, trọng điểm góp phần khai mở các thị trường mới.

Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp để phát triển và tham gia vào thị trường Halal toàn cầu do Bộ Ngoại giao tổ chức, tháng 12/2023.

Về đầu tư, mở rộng lĩnh vực thu hút, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư (qua kết nối trực tiếp với các địa phương, các tập đoàn quản lý danh mục, tư vấn đầu tư quốc tế…); tranh thủ hiệu quả các nguồn lực tài chính, công nghệ của các nước khu vực; phấn đấu thu hút, tăng đầu tư của khu vực vào một số dự án lớn về dầu khí, năng lượng, du lịch, công nghiệp Halal, cơ sở hạ tầng…; hỗ trợ mở rộng hoạt động và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư, kinh doanh tại khu vực; và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong các lĩnh vực phù hợp, tạo chỗ đứng, thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là các thị trường mới.

Về hợp tác phát triển, xây dựng chính sách về hợp tác phát triển, hỗ trợ nhân đạo; nghiên cứu, tham gia các dự án phát triển nông nghiệp, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo… trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế hoặc hợp tác ba/nhiều bên; thúc đẩy mở rộng mô hình hợp tác ba/nhiều bên về hợp tác Nam - Nam và nông nghiệp tại châu Phi với sự hỗ trợ của FAO, EU và các nước phát triển; cụ thể hóa nội dung hợp tác về bảo đảm an ninh lương thực với các nước GCC, trong đó có thu hút đầu tư từ các nước GCC vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Tích cực thúc đẩy mở rộng phạm vi hợp tác với các đối tác sang các lĩnh vực mới phù hợp với khả năng và nhu cầu của ta về công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, khoáng sản thiết yếu, lao động, du lịch…

Năm là, đẩy mạnh triển khai Đề án tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030 thông qua việc tổ chức Hội nghị toàn quốc đầu tiên về Halal, thúc đẩy thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, xây dựng Nghị định về quản lý sản phẩm, dịch vụ Halal, lồng ghép nội dung Halal trong các hoạt động đối ngoại, nhất là cấp cao, chủ động, tích cực thông tin về thị trường, chính sách, quy định, hỗ trợ kết nối các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Halal trên toàn cầu…

Sáu là, đổi mới, sáng tạo trong triển khai công tác ngoại giao văn hóa và thông tin tuyên truyền, tổ chức hiệu quả các tuần, ngày Việt Nam, kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao với các bạn bè truyền thống, đối tác tại khu vực (25 năm thiết lập quan hệ với Saudi Arabia); đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền hai chiều với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc thù khu vực, phối hợp các hãng truyền hình, các cơ quan thông tấn, báo chí và tận dụng truyền thông số để quảng bá và tăng cường thông tin hai chiều, hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước khu vực.

Với nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, sự tin tưởng lẫn nhau và thế mạnh, sự quan tâm mới của hai bên, Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi còn nhiều dư địa và tiềm năng hợp tác lớn để tạo thêm sinh lực mới đưa quan hệ hợp tác giữa hai bên đi vào chiều sâu, thực chất với nhiều kết quả mang tính đột phá và đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác, phát triển và phồn vinh ở khu vực và thế giới.

-----------------------------

[1] Theo WB, châu Phi dự kiến có 6 nước trong nhóm 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất toàn cầu năm 2024 (Niger, Senegal, Rwanda, Cộng hòa dân chủ Congo, Bờ Biển Ngà và Ethiopia với tốc độ tăng trưởng dao động từ 6,4% - 12,8%). 5/10 nền kinh tế lớn nhất châu Phi dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 5% trong năm 2024. Theo IMF, châu Phi được dự báo là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai thế giới (sau châu Á) trong năm 2024.

[2] Các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, EU đều đề xuất, triển khai nhiều sáng kiến liên kết kinh tế mới với các nước khu vực như Hành lang Kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu, Hành lang kinh tế Lobito, I2U2...

[3] Liên minh châu Phi được mời là thành viên G20. Nhiều nước TĐCP được mời là thành viên BRICS và SCO…

[4] 05 kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ/Ủy ban hỗn hợp (UBLCP/UBHH) với Mozambique (lần đầu tiên sau 7 năm), Israel, UAE, Algieria và Saudi Arabia; 03 kỳ họp Tham vấn chính trị (TVCT) với Saudi Arabia, UAE và Bahrain.

Nguyễn Minh Hằng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quyet-tam-tao-dot-pha-trong-hop-tac-giua-viet-nam-voi-cac-nuoc-khu-vuc-trung-dong-chau-phi-263902.html