Quyết tâm giảm 7.821 hộ nghèo đa chiều

BHG - Năm nay, nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh ta được bố trí hơn 1 nghìn tỷ đồng (ngân sách T.Ư trên 974 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 29 tỷ đồng). Trong đó, vốn đầu tư phát triển gần 500 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 500 tỷ đồng.

Nguồn vốn trên được triển khai nhằm giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân đặc biệt là các địa bàn huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn thông qua tìm kiếm việc làm phi nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin…

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh hỗ trợ hộ nghèo xã Minh Tân (Vị Xuyên) xóa nhà tạm. Ảnh: Lê Hải

Trên cơ sở nguồn vốn được bố trí, ngay từ đầu năm tỉnh ta đã triển khai đồng loạt các giải pháp, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên 4% (giảm khoảng 7.821 hộ nghèo đa chiều), các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%, hạn chế thấp nhất hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Bên cạnh đó, một loạt mức độ thiếu hụt các nhu cầu xã hội cơ bản của hộ nghèo đa chiều như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh… cũng được tỉnh ta chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp bù đắp như: Giải quyết việc làm cho 18.000 lao động, trong đó đi làm việc ở nước ngoài và các tỉnh trong nước 10.500 lao động (xuất khẩu lao động 600 người); 100% lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ Bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ đạt 97,25%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng theo cân nặng giảm còn 16,2%; tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt trên 98%. Tập trung đào tạo các ngành nghề phù hợp trình độ từ sơ cấp trở lên cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo để có việc làm ổn định, tăng thu nhập; giáo dục nghề nghiệp cho 10.500 lao động (5.500 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo), phấn đấu cuối năm 2024 tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 60%. Triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 4.184 hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về nhà ở trên địa bàn 7 huyện nghèo (xây mới 3.004 hộ, sửa chữa 1.180 hộ). Chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh, phấn đấu 88% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 50% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh cuối năm 2024 đạt 94,8%. Đối với chiều thiếu hụt về thông tin, phấn đấu 85% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 93% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản sản phẩm truyền thông.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Xăng dầu Hà Giang trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo xã Bản Máy (Hoàng Su Phì). Ảnh: Yên Hoa

Nhìn lại kết quả giảm nghèo năm qua cho thấy, với sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế trong triển khai thực hiện nên số hộ nghèo đa chiều còn 81.451, chiếm 42,61% tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 13.276 hộ, giảm 7,34% so với năm 2022). Trong đó, số hộ nghèo là 59.496, chiếm 31,12% tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 10.822 hộ, giảm 5,96% so với năm 2022); hộ cận nghèo 22.955, chiếm 11,49% tổng số hộ (giảm 2.454 hộ, giảm 1,38% so với năm 2022).

Nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra, trên cơ sở kế hoạch của T.Ư, điều kiện thực tế của địa phương, các ngành chuyên môn, huyện, thành phố đã tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án và hoạt động thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 theo nhiệm vụ được phân công. Trong đó, chú trọng đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư đã được phê duyệt và dự án khởi công mới, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024, vốn chuyển nguồn sang thực hiện năm nay. Xây dựng tài liệu và kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; chú trọng các nội dung thực hiện chương trình, giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý, công tác xã hội, bình đẳng giới nhằm hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo, đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn.

Mô hình nuôi lợn thương phẩm của gia đình chị Nguyễn Thị Nhung, tổ 12 thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: PV

Tiến Chiến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202404/quyet-tam-giam-7821-ho-ngheo-da-chieu-5b8284d/