Quyết tâm chuyển đổi canh tác giúp nông dân HTX Uy Nỗ 'đổi đời'

Vốn là khu vực thuần nông ven đô, trước kia, người dân xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đa phần chỉ chú trọng sản xuất nông nghiệp đơn thuần với cây lúa nước, tuy nhiên giá trị kinh tế đem lại không cao nên vòng luẩn quẩn đói nghèo vẫn cứ đeo bám. Nhiều năm trở lại đây, nhờ bước ngoặt chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà không ít nông dân đã ấm no, 'đổi đời'.

Được coi là đơn vị “điểm sáng” trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp xã Uy Nỗ đã luôn thực hiện chủ trương “làm bạn với nhà nông” và xây dựng mô hình kinh tế ngày càng lớn mạnh, góp phần cải thiện đáng kể đời sống cho các hộ thành viên.

1/3 thế kỷ “vì nhân dân phục vụ”

Trao đổi với VnBusiness, ông Hoàng Văn Giang - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp xã Uy Nỗ cho biết bộ máy của đơn vị có 281 thành viên góp vốn cổ phần. Trên toàn địa bàn hiện có 13 đội dịch vụ hoạt động ở 13 thôn xóm, với gần 2.500 hộ tham gia sản xuất nông nghiệp.

Quy mô diện tích đất nông nghiệp của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp xã Uy Nỗ lên đến gần 200ha. Trong đó, có khoảng 150ha là đất trồng lúa; còn lại gần 50ha là những vùng chuyên canh được nông dân trồng hoa đào, bưởi diễn, cam canh hoặc một số loại cây dài ngày khác. Qua đó, khai thác triệt để tiềm năng phát triển nông nghiệp của địa phương một cách linh hoạt và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Mô hình tiền thân của HTX đã dần hình thành từ khoảng những năm 90 của thế kỷ trước. Từ đó đến nay, HTX vẫn duy trì hoạt động theo tính chất truyền thống và đi theo tôn chỉ “vì nhân dân phục vụ, không đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu”, Chủ tịch Hoàng Văn Giang chia sẻ.

Những năm qua, HTX luôn hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng ủy, UBND cùng toàn thể người dân xã Uy Nỗ giao phó. Các hoạt động chính được đơn vị chú trọng trong công tác phục vụ sản xuất cho các hộ nông dân bao gồm: cung ứng dịch vụ thóc giống; cung ứng cây trồng; tưới tiêu; cày cấy; bảo vệ thực vật; nhân và chăm sóc cây giống nông nghiệp...

Bên cạnh đó, hàng năm HTX đều tổ chức các buổi tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật; giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp cho các thành viên. Mỗi lớp có khoảng 100 - 150 thành viên tham gia. Nhờ đó mà mô hình HTX ngày càng được nhân rộng.

Ngoài ra, một vài năm trở lại đây, nhận được sự hỗ trợ từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã TP. Hà Nội, HTX Uy Nỗ đã tổ chức thành công nhiều buổi tập huấn về an toàn lao động và phòng chống cháy nổ. Qua đó giúp trang bị kiến thức cho nhân dân về cứu hộ cứu nạn trong sinh hoạt tại cả nơi sản xuất lẫn khu dân cư. Chia sẻ với phóng viên, nhiều hộ thành viên đã bày tỏ sự hưởng ứng và đánh giá đây là những hoạt động thiết thực.

Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền

Để có thể thu hoạch được những “trái ngọt” như ngày hôm nay là cả một hành trình dài mà ban lãnh đạo HTX cùng bà con xã Uy Nỗ đã nỗ lực cùng nhau viết nên. Được biết trước đây, diện tích canh tác nông nghiệp ở địa phương chủ yếu trồng lúa hoặc một số cây lương thực quen thuộc khác như khoai lang, ngô, sắn,... Tuy nhiên, do quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giá trị kinh tế cây trồng đem lại không cao nên đời sống người dân khi đó còn gặp nhiều khó khăn.

Quá trình chuyển đổi canh tác từ trồng lúa sang trồng hoa đào của bà con thôn Phúc Lộc không gặp nhiều khó khăn do có sự hỗ trợ từ HTX cùng chính sách vay vốn từ ngân hàng.

Trước thực trạng đó, với sự khuyến khích của HTX, nhiều hộ nông dân đã quyết tâm chuyển đổi mô hình canh tác từ trồng lúa sang trồng hoa hoặc một số loại cây ăn quả khác và đã thực hiện thành công.

Chia sẻ với VnBusiness, bà Nguyễn Ngọc Oanh - Thành viên HTX, Đội trưởng Đội sản xuất thôn Phúc Lộc (xã Uy Nỗ) phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi trước đây cấy 5 sào lúa, tuy nhiên vì giá trị kinh tế thấp nên đã chuyển đổi sang trồng 5 sào đào. Hiện nay, doanh thu mà vườn đào đem lại đã cao gấp 10 lần so với việc trồng lúa. Nếu như 1 sào lúa thu hoạch được khoảng 4 tạ thóc/năm thì 1 sào đào trồng từ 150 - 200 cành có thể đem lại giá trị kinh tế tương đương 4 tấn thóc/năm. Vào dịp Tết, một cành đào dễ dàng bán được từ 500.000 - 700.000 đồng”.

Theo bà Oanh chia sẻ, tuy không tránh khỏi một vài bỡ ngỡ lúc bắt đầu nhưng nhìn chung, quá trình chuyển đổi cơ cấu canh tác của bà con không gặp quá nhiều khó khăn. Lý do là bởi nhiều hộ gia đình trồng đào ở thôn Phúc Lộc đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện chuyển đổi mô hình từ HTX cùng chính sách vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.

Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Văn Hiển ở thôn Nghĩa Lại cũng là một trong những hộ tiên phong khi chuyển đổi canh tác từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi từ năm 2006 và đã thành công.

Trên diện tích trang trại rộng khoảng 15.000m2, gia đình ông Hiển trồng khoảng 200 gốc bưởi, 50 gốc nhãn cùng một số loại cây cho trái khác như mít, xoài, dừa,... Bên cạnh đó còn nuôi khoảng 20.000 con gà đẻ trứng, đào ao thả cá, xây chuồng nuôi bò, lợn. So với trước kia chỉ cấy lúa một năm 2 vụ thì hiện giờ gia đình có thể thu hoạch quanh năm, thu nhập tăng gấp 10 lần.

“Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền. Nhìn chung, lợi nhuận từ việc chăn nuôi đem lại là cao hơn so với trồng cây. Trong các loại cây ăn quả tại trang trại thì bưởi là sản phẩm bán chạy nhất. Trước kia lúc cao điểm tôi bán được khoảng 35.000 đồng/quả, tuy nhiên hiện giá bưởi đã giảm chỉ còn khoảng 15.000 đồng/quả. Mỗi sào bưởi trồng được 20 cây, trung bình mỗi năm cả vườn thu hoạch được 10.000 quả bưởi, đem lại doanh thu khoảng 150 triệu đồng”, ông Hiển cho hay.

Nan giải “bài toán” đô thị hóa

Có thể thấy, việc chuyển đổi linh hoạt mô hình làm kinh tế khi không còn sản xuất nông nghiệp đơn thuần với cây lúa nước đã giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Uy Nỗ “đổi đời”, góp phần thay đổi diện mạo vùng quê trở nên giàu mạnh, trù phú.

Chuyển đổi canh tác sang trồng bưởi giúp nhiều hộ thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp xã Uy Nỗ có thu nhập cả trăm triệu mỗi năm.

Tuy nhiên, cũng như nhiều đơn vị khác trên cả nước, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp xã Uy Nỗ đang phải đối mặt với “bài toán” đô thị hóa. Một trong những khó khăn lớn nhất trong hoạt động của HTX hiện nay là việc địa phương đang nằm trong vùng quy hoạch của TP. Hà Nội. Huyện Đông Anh chuẩn bị lên cấp quận, xã Uy Nỗ cũng sẽ lên cấp phường. Theo đó, diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm do phải nhường chỗ cho các dự án giải phóng mặt bằng.

Bà Nguyễn Ngọc Oanh trải lòng: “Thôn Phúc Lộc trước đây có tổng cộng khoảng 41 mẫu đất canh tác. Tuy nhiên đến nay đã bị mất 30 mẫu và chỉ còn khoảng 11 mẫu do giải phóng mặt bằng. Tấc đất tấc vàng, khi diện tích đất sản xuất bị thu hẹp thì rất mong các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện hỗ trợ nông dân chúng tôi có thể làm những ngành nghề khác để phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống; đặc biệt là những hộ gia đình có lao động lớn tuổi để họ có kế sinh nhai ổn định ở độ tuổi xế chiều”.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT HTX Hoàng Văn Giang cũng chia sẻ nguyện vọng lớn nhất của nhân dân là mong Nhà nước có các chính sách quan tâm để tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề cho những hộ thành viên có đất bị thu hồi, nhất là những người đã ngoài 40 tuổi, bởi nếu không còn làm nông thì họ cũng rất khó khăn khi đi xin việc do đã quá tuổi lao động.

Bên cạnh việc phải đối mặt với những khó khăn liên quan đến vấn đề đô thị hóa thì HTX cũng chưa có trụ sở để hoạt động độc lập, dù đã và đang phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp toàn dân trên quy mô toàn xã trong nhiều năm qua.

“Mong rằng thời gian tới HTX sẽ được các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện để cấp đất và xây dựng trụ sở, từ đó gia tăng hiệu quả hoạt động, đem lại lợi ích phục vụ nhân dân. Song song với đó, chúng tôi cũng mong Nhà nước sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cán bộ trong HTX nông nghiệp nói riêng và các HTX khác nói chung”, ông Giang bày tỏ.

Thanh Uyên - Hà Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/quyet-tam-chuyen-doi-canh-tac-giup-nong-dan-htx-uy-no-apos-doi-doi-apos-1094736.html