Quyết tâm bám nghề trồng cây cảnh

Xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch có nghề trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng nên từ khi còn nhỏ, anh Lưu Kim Sơn, thôn Vọng Sơn đã làm quen với việc trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh. Mặc dù chứng kiến bao thăng trầm của làng nghề, nhưng anh Sơn luôn nỗ lực lao động, vươn lên làm giàu từ nghề truyền thống của quê hương.

Anh Lưu Kim Sơn chăm sóc vườn cây cảnh.

Anh Lưu Kim Sơn chăm sóc vườn cây cảnh.

Với niềm say mê và bàn tay khéo léo, lại thường xuyên tiếp xúc với các nghệ nhân làng nghề nên anh Sơn sớm tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, nhất là những bí quyết về kỹ thuật trồng và nghệ thuật bon sai.

Ban đầu đến với cây cảnh chỉ từ niềm yêu thích, nhưng từ những năm 2005, khi thấy thị trường có xu hướng chuộng cây cảnh để trang trí nhà cửa, cơ quan, đơn vị... đã giúp nhiều hộ trong thôn, xã giàu lên nhanh chóng, anh Sơn quyết định chuyển hẳn sang nghề trồng và kinh doanh các loại hoa, cây cảnh.

Để có kinh nghiệm, anh chịu khó tìm đến các nhà vườn nổi tiếng trong và ngoài tỉnh học hỏi cách tạo thế, mua giống về ươm và mua thêm các loại cây về trồng trong vườn nhà. Với đôi bàn tay khéo léo của anh, những cây si, cây sanh trở nên sống động, với nhiều hình thù độc đáo, đem lại giá trị kinh tế lớn.

Anh Sơn chia sẻ: Trồng hoa, cây cảnh vất vả, thậm chí ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giờ, chăm sóc tỉ mẩn. Để tạo thành cây bon sai có thế, có hồn và có giá trị đòi hỏi người trồng, cắt tỉa phải có đôi bàn tay khéo léo, con mắt thẩm mỹ cùng niềm đam mê.

Thêm vào đó, người làm nghề cũng cần kịp thời nắm bắt công nghệ, xu hướng của người chơi để tư vấn, tiếp thị. Ngoài ra, chi phí đầu tư cho thú chơi cây cảnh khá lớn, một cái chậu để trồng cây cảnh có thể lên tới vài chục triệu đồng, chi phí thuê nhân công hàng trăm triệu đồng/năm, mà nhiều cây phải “chờ” vì chưa tìm được chủ nhân ưng ý...

Hiện, anh Sơn đang trồng và chăm sóc hơn 30 loại cây cảnh, trong đó, có nhiều cây gốc to, kích thước lớn như lộc vừng, cây trà, sanh, đa, mẫu đơn... được bán với giá từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng. Vườn cây nhà anh đã trở thành địa chỉ quen thuộc để nhiều khách hàng từ các tỉnh xa như Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh… tìm đến.

Tuy nhiên, nghề trồng hoa, cây cảnh cũng trải qua nhiều thăng trầm, thách thức, thời điểm năm 2012 - 2015, thị trường cây cảnh bão hòa, giá cây cảnh xuống thấp, không ít hộ trong làng phải bỏ nghề. Có thời điểm, cây vườn nhà không bán được nhưng thấy vườn bạn có cây đẹp bán, anh Sơn sẵn sàng đi vay để mua lại.

Thời điểm khó khăn cũng qua, khi thị trường cây cảnh bắt đầu khởi sắc, gia đình anh tiếp tục phát triển nghề, mở rộng diện tích trồng cả cây phôi, cây trưởng thành và cây kinh doanh. Trung bình mỗi năm gia đình anh Sơn thu lãi vài trăm triệu đồng, có năm thu đến 2 tỷ đồng từ vườn cây cảnh. Bình quân cung ứng bán ra thị trường cho khách hàng từ 250 - 300 sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho 10 - 15 lao động, với thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Năng động, sáng tạo, chịu khó tìm tòi phát triển kinh tế, không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Sơn luôn sẵn sàng chia sẻ bí quyết trồng cây, kinh doanh cho những ai đam mê nghề, muốn khởi nghiệp. Ở địa phương, anh Lưu Kim Sơn còn là một trong những điển hình tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới và các hoạt động xã hội khác.

Bài, ảnh: Dương Hà

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95738//quyet-tam-bam-nghe-trong-cay-canh