Quyết liệt và triệt để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tòa án

Tòa án nhân dân (TAND) là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp thuộc nhóm quyền lực nhà nước, có quyền xét xử, phán quyết tính đúng đắn của các quan hệ xã hội. Do vậy, mọi hoạt động tòa án bắt buộc phải chuẩn mực và không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Đồng chí Thái Rết - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và cụ thể hóa các chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tòa án. Để công tác tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động. Trong đó, chú trọng xây dựng nội quy, các quy chế làm việc của đơn vị, cấp ủy, đoàn thể trong hai cấp, quy chế dân chủ trong hoạt động, quy chế hoạt động của tổ hành chính tư pháp, tiếp công dân; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác xét xử; xác minh tài sản, thu nhập…

Tòa án hai cấp xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là trọng tâm, trọng điểm gắn với điều kiện thực tế của đơn vị. Do đó, đơn vị thường xuyên quán triệt, tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cán bộ, công chức, người lao động hai cấp. Đồng thời, gắn việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo chủ đề xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên để kịp thời giáo dục, định hướng. Hai cấp tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình”, chia rẽ nội bộ, vu khống, nói xấu cán bộ… của các thế lực thù địch.

Lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng thường xuyên quán triệt, tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cán bộ, công chức, người lao động hai cấp. Ảnh: SỚM MAI

Lãnh đạo tòa án luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gương mẫu, chuẩn mực, nói đi đôi với làm. Nghiêm cấm công chức hai cấp, nhất là công chức giữ chức danh tư pháp tiếp xúc với đương sự không đúng quy định. Thường xuyên nắm tình hình, dư luận và chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn, thẩm phán, công chức trực thuộc. Kiên quyết xử lý triệt để khi có thông tin hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm và người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm trong cơ quan, đơn vị mình quản lý phải chịu trách nhiệm.

Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh còn tổ chức thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động như: Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ; tổ chức trao đổi nghiệp vụ, đối thoại với thẩm phán để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rút kinh nghiệm trong thực tiễn xét xử và đề xuất, kiến nghị TAND Tối cao giải đáp, hướng dẫn thực hiện thống nhất. Đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng, án kinh tế, các vụ án nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo tòa án luôn có sự quyết liệt trong chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ xét xử, nhất là các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Khi đó, kịp thời phân công cán bộ chuyên môn sâu phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng cấp để tiếp cận hồ sơ ngay từ giai đoạn đầu nhằm kịp thời nắm thông tin, xây dựng kế hoạch giải quyết và báo cáo kịp thời đến cấp ủy địa phương theo quy định; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra và giai đoạn xét xử. Chú trọng xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các loại án.

Tòa án nhân dân hai cấp đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án, vụ việc liên quan tham nhũng, án kinh tế, các vụ án nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm. Ảnh: SỚM MAI

Việc kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp lại vị trí công tác, tuyển dụng trong hệ thống tòa án đảm bảo phù hợp với trình độ, năng lực của công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và đảm bảo công khai, minh bạch. Ban Cán sự Đảng phối hợp với Chánh án TAND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đẩy mạnh công tác thanh tra công vụ, kiểm tra nghiệp vụ chuyên môn và tăng cường thanh tra đột xuất. Từ đó, nhằm đánh giá lại tình hình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; phong cách, thái độ ứng xử của công chức trong thực thi nhiệm vụ và kịp thời có giải pháp để xử lý vi phạm (nếu có)...

Chính việc đẩy mạnh, quyết liệt loại trừ, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực mà hoạt động TAND hai cấp Sóc Trăng luôn đảm bảo “trong sạch”. Xứng đáng với nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bằng hoạt động của mình, tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/quyet-liet-va-triet-de-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-trong-hoat-dong-toa-an-72934.html