Quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại miền Trung

Trong những ngày qua, mưa lũ diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Trung đã làm 2 người chết, 3 người mất tích; làm ngập 17.877 ngôi nhà, 34 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái... Trước tình hình đó, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đang tập trung chỉ đạo khắc phụ hậu quả và có các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Nhiều xã vùng trũng của huyện Hải Lăng (Quảng Trị) bị ngập sâu trong nước. Ảnh: TTXVN

Nhiều xã vùng trũng của huyện Hải Lăng (Quảng Trị) bị ngập sâu trong nước. Ảnh: TTXVN

Mưa lũ gây thiệt hại tại nhiều địa phương

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung đã làm thiệt hại 122ha cây ăn quả, hoa màu và 50.000 cây giống lâm nghiệp, 5.000 cây hoa cúc giống; 1.100 con gia súc, gia cầm, 2ha nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi...

Về giao thông, mưa lũ, ngập nước trên diện rộng đã gây ách tắc tại các tuyến quốc lộ 1A, 49B, 49C (thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị), các tỉnh lộ 582, 582B, 584, 4, 6, 6B, 8C, 9, 11A, 11B, 11C, 17, 17B và nhiều tuyến đường liên thôn, xã (Quảng Trị và Thừa Thiên Huế). Đồng thời, làm sạt lở taluy trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ: QL 9B, ĐT 558C (Quảng Bình); ĐT 601, QL 14G (thành phố Đà Nẵng); ĐT 628 (Quảng Ngãi)...

Tại huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị, mưa lớn đã làm các ngầm tràn bị ngập gồm: Ba Lòng, A Ngo - A Bung, Tà Rụt - A Ngo, A Rồng Trên, A Đeng, Ly Tôn, La Tó, Húc Nghì, Đá Đỏ và ngầm tràn trên tuyến đường đến trung tâm xã A Vao bị ngập lụt từ 0,5-1m. Quốc lộ 15D đoạn qua huyện Đakrông taluy dương bị sụt tại Km8+500 với khối lượng đất đá khoảng 120m3. Tỉnh lộ 588a đoạn qua huyện này có khoảng 190m3 đất, đá trên sườn núi tràn lấp mặt đường tại Km4+820 và Km5+350. Mưa lũ cũng làm 118ha cây ăn quả, rau màu ở 2 huyện Cam Lộ và Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bị ngập úng.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra mưa lớn đã gây ngập lụt trên diện rộng, nhất là tại thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy... Ngày 15/11, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho học sinh trên địa bàn toàn tỉnh nghỉ học, tỉnh Quảng Trị cho 5.500 học sinh huyện Hải Lăng nghỉ học. Đồng thời, các cơ quan chức năng tại địa phương tiếp tục rà soát phương án ứng phó mưa lũ, sơ tán dân.

Mưa lớn kéo dài tại tỉnh Quảng Ngãi đã gây sạt lở nghiêm trọng trên đèo Violak khiến giao thông trên quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum bị chia cắt. Mặt đường quốc lộ 24 khu vực giáp ranh Quảng Ngãi và Kon Tum xuất hiện nhiều vết nứt lớn kéo dài. Nhiều phương tiện lưu thông theo hướng từ thành phố Quảng Ngãi đi Kon Tum phải dừng lưu thông gây ùn tắc trên quốc lộ 24.

Tại tỉnh Bình Định, do mưa lớn, nhiều địa bàn, trường học ở huyện Tuy Phước bị ngập lụt, có nước lũ lớn. Một số trường đã quyết định cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Tại huyện Tuy Phước, có 8 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn 4 xã Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Nghĩa, Phước Hòa đã cho 3.150 học sinh nghỉ học.

Khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ

Trước ảnh hưởng của mưa lũ, Đồn Biên phòng Lăng Cô, BĐBP Thừa Thiên Huế đã huy động 15 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương di dời người, tài sản của nhân dân đến nơi an toàn; hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, khắc phục các điểm cây bị gãy đổ để người dân lưu thông được. Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế duy trì 380 cán bộ, chiến sĩ và 24 phương tiện thường trực 24/24 giờ; chỉ đạo các đơn vị nắm chắc tình hình diễn biến của thời tiết, tình hình địa bàn; phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, lên phương án sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lăng Cô, BĐBP Thừa Thiên Huế cắt tỉa cây bị gãy đổ do gió giật mạnh. Ảnh: Võ Tiến

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lăng Cô, BĐBP Thừa Thiên Huế cắt tỉa cây bị gãy đổ do gió giật mạnh. Ảnh: Võ Tiến

Ngày 16/11, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành đã đi thực tế tại hiện trường huyện Quảng Điền để tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt.

Cùng ngày, đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tiếp tục đi kiểm tra hiện trường, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, ngập lụt tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đoàn đã đi kiểm tra tình hình ngập lụt tại khu di tích Đại nội Huế, ngập lụt tại một số khu dân cư, hồ Tả Trạch...

Ông Mai Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngành giao thông vận tải tỉnh đã tổ chức thông tuyến 3 vị trí sạt lở trên các tuyến DT.626 và DT.623; khơi thông bùn đất vùi lấp các rãnh kênh thoát nước, thu dọn đất đá trên đường. Ngành giao thông vận tải tỉnh cũng đã chỉ đạo 7 hạt giao thông tổ chức ứng trực 24/24 giờ tại các khu vực có nguy cơ sạt lở; bố trí phương tiện thu dọn bùn đất, thông tuyến khi xảy ra sạt lở.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 16 đến ngày 17/11, từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến tỉnh Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm. Đỉnh lũ trên các sông thuộc 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ở mức báo động 2 - báo động 3. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngày 15/11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1095/CĐ-TTg yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Để chủ động ứng phó với các tình huống của mưa lũ, BĐBP các tỉnh, thành phố ở miền Trung đã thực hiện nghiêm Công điện số 1095/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 17/CĐ-QG của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cũng như sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam; Bộ Tư lệnh BĐBP và UBND các tỉnh, thành phố. Đồng thời, chủ động bám nắm địa bàn, tích cực giúp dân ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất...

Lê Hữu (tổng hợp)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quyet-liet-trien-khai-cac-bien-phap-ung-pho-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-tai-mien-trung-post469107.html