Quyết liệt khống chế dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue

Dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại Ninh Bình thời gian gần đây tuy không bùng phát mạnh nhưng vẫn ghi nhận gia tăng số ca mắc và ổ dịch ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp đến người dân về dịch SXHD để nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch bệnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp đến người dân về dịch SXHD để nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch bệnh.

Thời tiết những ngày tháng 11 đã chuyển sang đông nhưng không quá lạnh. Nền nhiệt độ dao động từ 20-25 độ C, vẫn là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn truyền sinh sôi, gây bùng phát dịch tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân tiếp tục nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm phòng, chống và xử lý dứt điểm dịch SXHD trên địa bàn.

Đến ngày 24/11, thành phố Ninh Bình ghi nhận 84 trường hợp mắc SXHD, với 32 ổ dịch, trong đó còn 8 ổ dịch đang hoạt động. Trong số các trường hợp ghi nhận, có 42 ca bệnh nội tỉnh và 42 ca bệnh xâm nhập, cao gấp gần chục lần so với cùng kỳ năm 2022.

Bác sĩ Đặng Hữu Lục, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Ninh Bình cho biết: Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, kịp thời ngăn chặn sự lây lan diện rộng và xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng, hạn chế tối đa các trường hợp mắc nặng hoặc tử vong, Trung tâm Y tế thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố Ninh Bình khẩn trương ban hành văn bản, yêu cầu các phòng, ban, đơn vị, đoàn thể thuộc thành phố và UBND 14 phường, xã, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối hợp với ngành Y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh SXHD trên địa bàn.

Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác phòng, chống dịch SXHD. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị định kỳ tổ chức vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi trong khuôn viên, nơi làm việc, nhất là khi xuất hiện ổ dịch thuộc khu vực có nguy cơ cao theo chỉ định dịch tễ.

Chỉ đạo tổ dân phố, thôn xóm khẩn trương triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống SXH, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các biện pháp xử lý (thực hiện duy trì 1 tuần/2 lần tại các địa phương có ổ dịch, 1 tuần/1 lần tại những khu vực có nguy cơ cao và 2 tuần/1 lần đối với các khu vực còn lại). Từ đó, dịch bệnh SXH trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, không để lây lan thành các ổ dịch có số lượng người mắc nhiều, kéo dài.

Phun hóa chất khử trùng tại các ổ dịch và khu vực nguy cơ cao nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Thạc sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thời gian gần đây, đặc biệt từ đầu tháng 11/2023 đến nay, tại các tỉnh, thành phố phía Bắc, đặc biệt là thành phố Hà Nội, số bệnh nhân mắc SXHD tăng hơn 5,5 lần. Tại tỉnh Ninh Bình, tính đến ngày 24/11, toàn tỉnh ghi nhận 589 trường hợp SXHD, trong đó có 177 trường hợp nội tỉnh và 412 trường hợp xâm nhập.

Toàn tỉnh đã ghi nhận 126 ổ dịch, trong đó có 104 ổ dịch đã kết thúc, 22 ổ dịch đang hoạt động. Trong số 589 ca bệnh, có 581 ca bệnh điều trị tại cơ sở y tế, còn 8 ca bệnh điều trị ngoại trú. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị cho 361 ca bệnh, còn lại bệnh nhân điều trị rải rác ở gần 20 cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh. Trong số đó, có 271 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo; 7 bệnh nhân nặng và 2 bệnh nhân đã tử vong.

Ngành Y tế nhận định, đỉnh dịch SXHD năm 2023 rơi vào tháng 10 và số trường hợp mắc vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận trong tháng 11 và có thể đến nửa đầu tháng 12. Năm 2023, số trường hợp mắc ở khu vực miền Bắc là 45.343 người, có xu hướng tăng mạnh so với năm 2022 là 21.806 người; trong đó riêng thành phố Hà Nội có 29.093 người mắc. Số trường hợp xâm nhập của tỉnh Ninh Bình năm 2023 là 406 trường hợp, chủ yếu đi từ Hà Nội và một số tỉnh có dịch về, dẫn đến số mắc ghi nhận trên toàn tỉnh tăng mạnh.

Số ổ dịch năm 2023 tăng mạnh so với năm 2022, tuy nhiên năm 2023 không ghi nhận các ổ dịch lớn, các ổ dịch chủ yếu ghi nhận từ 1-2 trường hợp (chiếm 89,3%). Số lượng nhiều nhất trong một ổ dịch ghi nhận 18 trường hợp, trong khi số trường hợp mắc của một ổ dịch năm 2022 cao nhất là 64 trường hợp. Số ổ dịch kết thúc theo thời gian quy định là 14 ngày năm 2023 chiếm 87,1%; năm 2022 số này chỉ đạt 75%.

Mặc dù số ổ dịch năm 2023 ghi nhận cao hơn năm 2022 (tăng 150%), tuy nhiên số trường hợp bệnh tại các ổ dịch chỉ tăng 31%. Đây không phải là diễn biến quá bất thường với tình hình dịch của miền Bắc. Điều này phản ánh công tác giám sát dịch tại các tuyến y tế cơ sở được thực hiện một cách hiệu quả.

Hiện mùa đông năm 2023 đến muộn hơn, kèm theo thời điểm tháng 11 có mưa và nền nhiệt độ dao động từ 20-25⁰C, với điều kiện thời tiết như thế này, muỗi truyền bệnh SXHD vẫn có thể phát triển; kèm theo học sinh, sinh viên đi về từ các nơi có dịch, lưu lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng cao sẽ là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh dễ lây lan.

Việc xử lý các ổ dịch cơ bản thực hiện theo đúng quy định, tuy nhiên một số ổ dịch gia tăng các trường hợp thứ phát, công tác xử lý ổ dịch chưa thực sự hiệu quả... Công tác truyền thông còn có mức độ, chưa tổ chức được nhiều buổi truyền thông trực tiếp tại các hộ gia đình. Cùng với đó là tâm lý chủ quan của người dân trong công tác phòng, chống SXHD, không tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan y tế dẫn đến nhiều trường hợp mắc bệnh và đến cơ sở y tế muộn...

Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các đơn vị truyền thông tăng cường công tác truyền thông phòng, chống SXH; hỗ trợ Trung tâm Y tế các huyện, thành phố giám sát và xử lý ổ dịch đang còn hoạt động. Đồng thời, tiếp tục duy trì giám sát dựa vào sự kiện, thường xuyên bám sát, cập nhật tình hình ghi nhận bệnh nhân tại các cơ sở điều trị để kịp thời lấy mẫu chẩn đoán ca bệnh.

Cùng với đó, chuẩn bị nhân lực, hóa chất, trang thiết bị sẵn sàng hỗ trợ các huyện, thành phố xử lý dịch khi có yêu cầu. Tham mưu với các cấp chính quyền bổ sung thêm kinh phí để tăng cường các hoạt động vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi những khu vực có nguy cơ cao trước khi xảy ra dịch...

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/quyet-liet-khong-che-dich-benh-sot-xuat-huyet-dengue/d20231127101234822.htm