Quyết liệt đẩy lùi uốn ván sơ sinh

Ngọc Bích

BPO - Nhiều năm trở lại đây, bệnh uốn ván sơ sinh (UVSS) đã được đẩy lùi trên địa bàn tỉnh với tỷ lệ mắc bệnh rất thấp, trong tỷ lệ cho phép không đáng lo ngại. Tuy nhiên mới đây, bệnh này đã xuất hiện trở lại ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 huyện Bù Đốp, Đồng Phú. Điều này dấy lên lo lắng trong xã hội, là tiếng chuông cảnh báo đối với ngành y tế tỉnh, đặc biệt lĩnh vực y tế dự phòng.

Bài 1
RỦI RO SINH CON TẠI NHÀ

3 trường hợp mắc bệnh UVSS mới đây trên địa bàn tỉnh đều rơi vào các gia đình có cuộc sống không ổn định, thường xuyên di chuyển chỗ ở và thay đổi công việc. Trong đó, 2 trường hợp là người thường trú tại các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Nghệ An vào làm công nhân cạo mủ cao su thời vụ cho các hộ tiểu điền trên địa bàn tỉnh. Họ như những cánh chim thiên di, chấp nhận cuộc sống luôn dịch chuyển, nay đây mai đó để tìm kiếm việc làm mưu sinh…

Hậu quả đến từ sự chủ quan

Dãy nhà trọ tạm bợ, ẩm thấp, khuất dưới vườn cây cao su ở ấp Lam Sơn, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú là nơi sinh sống của 9 hộ dân người Mông từ tỉnh Nghệ An vào làm công nhân cạo mủ cao su cho các hộ tiểu điền. Phòng trọ chỉ rộng khoảng 9m2, không có tài sản gì quý giá, đồ đạc bừa bộn, chưa có điện sinh hoạt. Không gian sống chật hẹp, nhếch nhác và thiếu thốn này là nơi chị Xồng Pá Dài (quê huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) sinh con trai vào ngày 3-7-2023. “Bà đỡ” cho ca sinh này là những người thân trong gia đình không có chuyên môn y tế; với dụng cụ hộ sinh chỉ là cây kéo nhỏ làm bằng inox và chỉ khâu không được sát khuẩn, vô trùng.

Chị Xồng Pá Dài kể lại: Khi có dấu hiệu chuẩn bị sinh thì em gọi điện cho cô của em đang đi cạo mủ cao su về hỗ trợ. Nhưng cô không về được nên những người thân đang có mặt ở nhà là cậu và một số người trong khu trọ đã hỗ trợ em dưới sự hướng dẫn từ xa qua điện thoại của cô. Bé sinh ra được cắt rốn bằng kéo inox, cột rốn bằng chỉ khâu và không băng kỹ. Sau khi sinh được 8 ngày thì thấy con bỏ bú, quấy khóc, đến ngày 12-7, xuất hiện thêm tình trạng cứng hàm, không há miệng để bú được, kèm theo co giật. Gia đình đã đưa con đến một phòng khám trên địa bàn huyện Bù Đăng để khám và được hướng dẫn chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước. Sau đó, các bác sĩ cho chuyển tuyến lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh để điều trị. Đến ngày 14-8-2023, con khỏi bệnh và được xuất viện.

Qua trao đổi, chị Xồng Pá Dài có tiền sử 2 lần mang thai trước đều không tiêm phòng vắc xin uốn ván, cũng không đi khám thai định kỳ.

Sau khi được cán bộ y tế vận động, chị Xồng Pá Dài đã đưa con đến Trạm Y tế xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú tiêm vắc xin ngừa lao theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia - Ảnh:Hoàng Vũ

Tương tự chị Xồng Pá Dài, người mẹ trẻ Lầu Y Giải (20 tuổi) quê ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, hiện trú ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú vừa qua đã sinh con gái tại nhà. Ca sinh của chị được những người thân trong gia đình hỗ trợ, không có sự giúp đỡ của cán bộ y tế. Đây là đứa con thứ ba của người mẹ trẻ này.

Chị Lầu Y Giải cho biết: Em theo chồng vào đây làm thuê từ cuối tháng 5-2023 đến ngày 27-6-2023 thì sinh con. Khi vào Bình Phước, em có đi khám thai nhưng không tiêm vắc xin ngừa uốn ván. Lần này, sinh tại nhà là do em không thấy dấu hiệu sinh, vẫn đi làm bình thường. Khi về phòng nghỉ ngơi thì mới thấy đau bụng, do thời gian chuyển dạ nhanh nên em sinh con trong chòi tạm ở lô cao su, do bác gái cùng quê đỡ đẻ. Em bé được cắt rốn bằng kéo dùng để sinh hoạt, cột rốn bằng chỉ, băng bằng băng khô; các dụng cụ có dùng nước sôi khử trùng.

Do nơi ở ẩm thấp, việc sinh nở không đảm bảo an toàn và không được tiêm chủng đầy đủ nên sau khi sinh được 6 ngày trẻ bỏ bú, co cứng hàm, được người nhà đưa vào Bệnh viện Quân dân y 16 (TP. Đồng Xoài) thăm khám. Sau đó, được hướng dẫn đến Bệnh viện đa khoa tỉnh, nhưng người nhà đã đưa bé lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) để khám. Tại đây, trẻ được bác sĩ hướng dẫn chuyển qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh để điều trị và được chẩn đoán mắc bệnh UVSS. Trải qua 12 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bé đã ổn định và được xuất viện về nhà.

Dù mới 20 tuổi nhưng người mẹ trẻ Lầu Y Giải đã lập gia đình được 6 năm và có 3 người con. Trải qua 3 lần sinh nở, thì 2 lần chị sinh tại nhà do người thân hộ sinh.

Ca bệnh UVSS thứ ba là người dân tộc S’tiêng ở ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp. Đó là bé trai sinh ngày 3-8-2023, con của chị Thị Niên và anh Điểu Thành. Chị Thị Niên sinh tại nhà do người thân đỡ đẻ. Bé được cắt rốn bằng dao lam, cột rốn bằng chỉ khâu không vô khuẩn và không băng rốn. Đến ngày 8-8-2023, bé khóc kéo dài, bỏ bú, co giật. Bé được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp nhập viện với chẩn đoán theo dõi viêm màng não, UVSS, hạ đường huyết và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh; sau đó được chuyển lên bệnh viện tuyến trên cùng ngày 8-8.

Gia đình chị Thị Niên không có nơi ở cố định, đi về giữa thôn Bình Giai, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập và huyện Bù Đốp để làm thuê. Đây là trường hợp hy hữu trong thời đại hiện nay khi 6 lần sinh con của chị Thị Niên đều tại nhà và do người thân hộ sinh. Thai phụ không đi khám thai kỳ, tiêm phòng vắc xin.

Sự xuất hiện trở lại của uốn ván sơ sinh

Bà Khúc Thị Huế, Phó trưởng Trạm Y tế xã Tân Phước cho biết: Sau khi nhận được thông báo của Trung tâm Y tế huyện về trường hợp trẻ bị UVSS trên địa bàn xã, trạm y tế đã kết hợp với cán bộ y tế ấp Lam Sơn rà soát ca bệnh, phụ nữ trong thời gian thai kỳ, trẻ em chưa được tiêm chủng vắc xin uốn ván (VAT) lập danh sách và báo cáo kết quả lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; triển khai tiêm chủng UVSS, tiêm vét cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai nơi đây.

Điểm chung các trường hợp có con nhiễm UVSS đều là người dân tộc thiểu số, thường di chuyển nơi làm việc và chỗ ở; sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa, cách biệt với khu dân cư tập trung. Điều này khiến công tác quản lý dân cư, đối tượng tiêm chủng mở rộng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các hộ này vẫn tin vào “mụ vườn”. Ngoài ra, điều kiện kinh tế khó khăn, hạn chế trong tiếp cận thông tin, kiến thức về thai sản… khiến những người mẹ trẻ này trong suốt quá trình thai kỳ không đến cơ sở y tế thăm khám định kỳ, tiêm chủng các loại vắc xin dành cho thai phụ và con sau khi chào đời. Và những hệ lụy nhãn tiền đã rõ như các trường hợp nêu trên.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/14/148190/quyet-liet-day-lui-uon-van-so-sinh