Quyết định của những ngân hàng trung ương lớn khiến các thị trường diễn biến trái chiều

Việc các ngân hàng trung ương lớn quyết định giữ nguyên lãi suất khiến nhà đầu tư nhận định đó là tín hiệu kinh tế toàn cầu sắp phải đối mặt giai đoạn 'đau đớn'.

* Thị trường năng lượng và kim loại quý đồng loạt tăng

Các máy bơm dầu tại giếng dầu Imilorskoye ở Kogalym, vùng Siberi, Nga. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Giá dầu tăng trong chiều 22/9 nhưng vẫn hướng tới tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần qua, khi những dự báo về lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga có thể thắt chặt nguồn cung toàn cầu đã lấn át nỗi lo nhu cầu giảm do Mỹ tăng lãi suất.

Theo đó, giá dầu Brent kỳ hạn tăng 46 xu, tương đương 0,5%, lên 93,76 USD/thùng vào lúc 14 giờ 30 phút. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 65 xu (0,7%) lên 90,28 USD/thùng.

Cả hai loại dầu chuẩn này đang hướng tới mức giảm nhẹ theo tuần sau khi tăng hơn 10% trong ba tuần trước đó, giữa bối cảnh tồn tại nhiều lo ngại về nguồn cung toàn cầu bị hạn chế khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng.

Ông Toshitaka Tazawa, nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Fujitomi nhận định, thị trường vẫn giằng co giữa lo ngại về nguồn cung được củng cố bởi lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga với những lo ngại về nhu cầu yếu đi do chính sách tiền tệ thắt chặt ở Mỹ và châu Âu.

Theo ông Tazawa, trong tương lai các nhà đầu tư sẽ tập trung vào xác định liệu kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+ có được thực hiện như đã cam kết, cũng như liệu việc tăng lãi suất có làm giảm nhu cầu hay không. Ông dự báo dầu WTI sẽ giao dịch trong khoảng 90-95 USD/thùng.

Giá vàng cũng tăng trong chiều 22/9 bất chấp áp lực từ đồng USD và lãi suất trái phiếu chính phủ mạnh lên, khi các nhà đầu tư đánh giá quyết định giữ nguyên lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn là tín hiệu kinh tế toàn cầu sắp phải đối mặt giai đoạn "đau đớn".

Phiên này, giá vàng giao ngay đã tăng 0,3% lên 1.924,45 USD/ounce vào lúc 14 giờ 51 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,2% lên 1.944,10 USD/ounce.

Các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phát đi tín hiệu sẽ giữ lãi suất ở mức cao cần thiết nhằm kiềm chế lạm phát, ngay cả khi "làn sóng" thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu kéo dài 2 năm đã lên đến đỉnh điểm.

Mới đây nhất trong ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã thông báo giữ nguyên lãi suất ở mức cực thấp. Giới giao dịch cũng đang chờ đợi thêm báo cáo về Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) chủ chốt từ Vương quốc Anh, Mỹ và khu vực đồng euro vào cuối ngày.

Ông Ilya Spivak, người đứng đầu bộ phận vĩ mô toàn cầu tại công ty môi giới đầu tư Tastylive cho biết thị trường nhận ra các ngân hàng trung ương không ngừng việc tăng lãi suất vì lạm phát đã được kiểm soát, mà vì họ lo ngại rằng tăng trưởng toàn cầu sắp đình trệ.

Theo ông, có một cảm giác rất rõ ràng rằng đà tăng trưởng toàn cầu đang dần "hụt hơi.

Tại thị trường trong nước, khép phiên 22/9, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 68,35 - 69,07 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

* Chứng khoán châu Á dịch chuyển trái chiều

Nhà đầu tư theo dõi bảng chỉ số chứng khoán tại Trung Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chứng khoán châu Á dịch chuyển ngược chiều phiên 22/9, khi giới giao dịch dự đoán các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Tại Trung Quốc, các chỉ số chính đều tăng khá mạnh trong phiên này bất chấp sự suy giảm của Phố Wall, khi nhà đầu tư hy vọng nước này sẽ công bố các biện pháp mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 2,28% (402,04 điểm) lên 18.057,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng tăng 1,55% (47,73 điểm) lên 3.132,43 điểm.

Các thị trường Sydney, Singapore, Mumbai, Bangkok, Taipei, Jakarta, Manila và Wellington cũng tăng điểm.

Ngược lại, chứng khoán Nhật Bản nối bước giảm của Phố Wall khi giới đầu tư đón nhận quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của BoJ. Chỉ số Nikkei 225 chuẩn mất 0,52% hay 168,62 điểm xuống 32.402,41 điểm.

Tương tự, chứng khoán Hàn Quốc giảm ngày thứ hai liên tiếp khi có lo ngại Fed có thể giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn. Chỉ số Kospi đã giảm 6,84 điểm (0,27%) và kết thúc ở mức 2.508,13 điểm.

Giữa lúc các quan chức tài chính từ Mỹ đến Thụy Sỹ cảnh báo rằng sẽ cần thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, BoJ vẫn giữ vững lãi suất ở mức cực thấp và từ chối nhượng bộ trước những lời kêu gọi bình thường hóa chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của nước này.

Thị trường chứng khoán đã có một tuần nhiều khó khăn, với việc Fed phát tín hiệu có thể công bố một đợt tăng lãi suất khác trước cuối năm nay và cắt giảm lãi suất ít hơn so với kỳ vọng ban đầu vào năm tới.

Trong một dấu hiệu cho thấy tình trạng lạm phát cao sẽ còn kéo dài, các ngân hàng trung ương ở Thụy Điển, Na Uy và Thụy Sỹ đều cảnh báo có thể phải tăng lãi suất trở lại vào một thời điểm nào đó do lạm phát khó kiểm soát.

Trong khi Fed đang cân nhắc động thái tiếp theo của họ, cựu Chủ tịch Fed chi nhánh St Louis, ông James Bullard cho biết Fed có thể phải tiếp tục tăng lãi suất để tránh lạm phát tăng trở lại. Hiện lạm phát tại Mỹ vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% do ngân hàng trung ương đề ra.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên 22/9, chỉ số VN - Index giảm 19,69 điểm (1,62%) xuống 1.193,05 điểm. Chỉ số HNX – Index cũng để mất 8,72 điểm (3,46%) xuống 243,15 điểm./.

H.Thủy (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quyet-dinh-cua-nhung-ngan-hang-trung-uong-lon-khien-cac-thi-truong-dien-bien-trai-chieu/307345.html