Quyết định bất ngờ

Quyết định bất ngờ của Tổng thống Nga V.Putin diễn ra sau khi các phương tiện truyền thông phương Tây gào thét về một cuộc chiến tranh ở châu Âu đang tới rất gần, các nhà ngoại giao và công dân nhiều nước phương Tây lục tục rời khỏi Kiev, còn sau các cuộc pháo kích ở khu vực Donbass, hàng chục ngàn dân thường đã chạy sang lãnh thổ Nga để sơ tán...

Nóng từng giờ

Đúng lúc các nhà ngoại giao hàng đầu phương Tây đưa ra những dự đoán chắc chắn về việc Nga sắp mở một cuộc tấn công vào Ukraine thì đêm 21-2 theo giờ Hà Nội, Tổng thống Nga V.Putin đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine là Donetsk và Lugansk, đồng thời ký thỏa thuận hợp tác với lãnh đạo hai khu vực này.

Theo thỏa thuận hợp tác, Nga có quyền xây dựng căn cứ quân sự ở Donetsk và Lugansk. Tổng thống V.Putin cũng chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân đến hai khu vực này để “gìn giữ hòa bình”, tuy nhiên chưa rõ quy mô cũng như thời điểm mà lực lượng này bắt đầu thực hiện nhiệm vụ.

Đêm 21-2 (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine. Ảnh: L.G

Quyết định của phía Nga công nhận độc lập hai vùng ly khai miền Đông Ukraine diễn ra sau các cuộc đấu pháo liên tục diễn ra ở hai khu vực ly khai trong thời gian gần đây mà hai bên - các chính quyền đòi tự trị và Chính phủ Ukraine - liên tục đổ lỗi cho nhau. Sau khi công bố quyết định công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở Donbass, Tổng thống V.Putin cũng yêu cầu “chấm dứt ngay lập tức hành động chiến sự” ở khu vực Donbass, nhấn mạnh rằng trong trường hợp ngược lại, “mọi trách nhiệm liên quan đến chiến sự đổ máu” có thể diễn ra đều thuộc về Kiev.

Quyết định bất ngờ của Tổng thống Nga V.Putin diễn ra sau khi các phương tiện truyền thông phương Tây gào thét về một cuộc chiến tranh ở châu Âu đang tới rất gần, các nhà ngoại giao và công dân nhiều nước phương Tây lục tục rời khỏi Kiev, còn sau các cuộc pháo kích ở khu vực Donbass, hàng chục ngàn dân thường đã chạy sang lãnh thổ Nga để sơ tán.

Những diễn biến trước đó cho thấy tình thế xung quanh Ukraine nóng lên từng giờ. Trong khi các chính khách và báo chí phương Tây trích những nguồn tin tình báo giấu tên cảnh báo cụ thể rằng Nga sẽ đưa quân vào Ukraine trong ngày 16-2 thì bất thần, ngày 15-2, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố binh sĩ nước này đã hoàn tất các cuộc tập trận gần Belarus và bắt đầu rút về các vị trí triển khai thường trực.

Tất cả chưng hửng!

Đến ngày 16-2, cả thế giới nín thở.Cho đến cuối ngày vẫn không có gì xảy ra.Rồi nhiều ngày nữa trôi qua, vẫn không có cuộc chiến nào. Nga tuyên bố tiếp tục rút quân, trong khi phương Tây tiếp tục hoài nghi!

Tuy nhiên, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố rằng “chưa thấy bất cứ dấu hiệu giảm căng thẳng nào trên thực địa.Ngược lại, Nga dường như đang tiếp tục tăng lực lượng ở gần biên giới Ukraine”. Cả Tổng thống Mỹ lẫn Thủ tướng Anh cũng phát biểu đầy vẻ nghi ngờ, thậm chí ông J.Biden còn cảnh báo sau khi Nga tuyên bố rút quân là một “cuộc xâm lăng có thể diễn ra chỉ trong vài ngày tới”, rằng “nguy cơ Nga động binh với nước láng giềng vẫn còn rất lớn!”.

Nhưng, ít nhất là đã chưa có một cuộc động binh nào, thay vào đó là quyết định từ Moscow công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng vùng Donbass.

Gốc rễ của vấn đề

Những diễn biến kịch tính vừa diễn ra xung quanh vấn đề Ukraine một lần nữa khơi lên câu hỏi: nguồn gốc của những căng thẳng hiện nay nằm ở đâu?

Nó xuất phát từ sự kiện Liên bang Xôviết tan rã từ cách đây 3 thập niên! Ukraine, một nước cộng hòa trong thành phần liên bang cũ, khi ấy là kho chứa các đầu đạn hạt nhân lớn thứ tư trên thế giới. Các giới chức Nga, Mỹ, Ukraine và một số nước đồng ý giải giáp kho vũ khí hạt nhân sau khi Liên Xô sụp đổ đã ký thỏa thuận về việc phi hạt nhân hóa kho đầu đạn hạt nhân ở Ukraine (Bản ghi nhớ Budapest ký năm 1994) với việc Kiev chuyển giao hàng trăm đầu đạn hạt nhân cho phía Nga để đổi lấy sự đảm bảo về an ninh từ phía Moscow.

Đến năm 2014, những sự biến ở Kiev, thường được gọi là “các cuộc biểu tình Maidan” đã lật đổ chính phủ của Tổng thống Viktor Yanukovych khiến ông phải chạy sang xin cư trú chính trị ở Nga để tránh khả năng bị truy tố. Chính quyền mới được lập nên ở Kiev.Trên khắp Ukraine, các biểu tượng của thời kỳ Xôviết bị giật sập ở mọi nơi. Việc các nhà ngoại giao Mỹ gặp gỡ những người biểu tình Maidan, đối với Moscow, là biểu tượng rõ rệt cho thấy có sự can thiệp của Mỹ và phương Tây vào các sự kiện ở Ukraine.

Ngay sau đấy, hai khu vực có đông người Nga sinh sống ở vùng Donbass, phía Đông Nam của Ukraine, nổi dậy đòi ly khai khỏi Ukraine.Căng thẳng bùng nổ, nhanh chóng biến thành cuộc chiến thực sự giữa các lực lượng ly khai với quân chính phủ Kiev. Bán đảo Crimea, sau một cuộc trưng cầu dân ý, sát nhập trở lại vào Nga. Phương Tây bắt đầu thực hiện hàng loạt biện pháp cấm vận trừng phạt nhằm vào Moscow...

Nhưng, đó mới chỉ là những diễn tiến nằm trên bề mặt của các sự kiện.“Nhiên liệu” tiếp tế giúp làm bùng lên ngọn lửa xung đột giữa Nga với Ukraine, giữa Nga với phương Tây đã được chuẩn bị từ sớm hơn rất nhiều.

Trong thời điểm Liên bang Xôviết sắp sụp đổ, các nhà ngoại giao phương Tây (mà cụ thể là Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Bush (cha), ông James Baker, tháng 2-1990), bằng một sự khôn khéo có thừa, đã đảm bảo với ông Gorbachev, vị tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên bang Xôviết, rằng NATO sẽ không tiến về phía Đông, “dù chỉ 1 inch”.

Dĩ nhiên, đó chỉ là đảm bảo bằng lời nói, không có văn bản nào ghi lại, cũng không có một thỏa thuận nào được ký để chính thức hóa sự đảm bảo mà có lẽ chỉ nhằm trấn an vị Tổng thống Liên Xô đầy toan tính là hãy cứ an tâm tiếp tục quá trình phân rã Liên bang Xôviết.

Khi quá trình phân rã hoàn thành và Liên bang Xôviết biến mất trên bản đồ thế giới, NATO đã làm những gì? Khối liên minh quân sự này đã có 4 đợt mở rộng chính, kết nạp ồ ạt các thành viên mới vào các năm 1999, 2004, 2009 và 2015, trong đó có hàng loạt quốc gia Đông Âu bắt đầu từ Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc, sau đó là Bulgaria, 3 nước Baltic, Rumania, Slovakia...

Tất cả các đợt mở rộng đều hướng về sườn phía Đông của khối, kéo theo đó là việc tiếp tục thiết lập các căn cứ quân sự mới và bố trí quân đội tại các nước Đông Âu giáp biên giới với Nga. Sau khi nâng số thành viên lên thành 29 với việc kết nạp Bắc Macedonia vào tháng 3-2020, NATO đã tiến sát biên giới nước Nga hơn bao giờ hết.

Xe tăng Nga trong cuộc tập trận quân sự ở vùng Leningrad. Ảnh: L.G

Thời điểm thử sức

Triển vọng Ukraine (và cả Gruzia) trở thành những thành viên chính thức của NATO xuất hiện từ năm 2008 khi Tổng thống Mỹ khi ấy là G.Bush (con) lên tiếng ủng hộ ý tưởng này.

Nó tạo ra ảo tưởng ở hai nước này rằng một ngày nào đó sẽ trở thành thành viên của liên minh quân sự lớn nhất thế giới với Điều 5 trong Hiến chương quy định rằng bất cứ một cuộc tấn công nào vào một thành viên cũng sẽ là tấn công vào tất các các thành viên còn lại và như vậy, toàn bộ các thành viên sẽ cùng chống trả (phòng vệ tập thể).

Nhưng, điều quan trọng hơn là ý tưởng đó đã kích hoạt sự giận dữ của nhà lãnh đạo Nga khi cảm thấy an ninh của nước Nga bị đe dọa. Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine chỉ cách biên giới Nga vỏn vẹn 42 km. Nếu Ukraine được kết nạp vào NATO thì khối liên minh quân sự này hoàn toàn có khả năng (và được quyền) bố trí các đơn vị vũ khí tiến công chiến lược trên tuyến tiền tiêu của mình ở ngay cửa ngõ nước Nga.

Vậy nên Nga đã vạch ra “lắn ranh đỏ” và chuyển thông điệp cho phương Tây: đảm bảo bằng văn bản rằng Ukraine sẽ không bao giờ được kết nạp vào NATO, đồng thời rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí đang được triển khai trên lãnh thổ các nước gia nhập NATO sau năm 1997...

Cuối tháng 1-2022, NATO phản hồi, thẳng thừng bác bỏ đề nghị của Nga, viện dẫn rằng tổ chức này không thể bác bỏ quyền xin gia nhập vào liên minh của các quốc gia khác.

Ông V.Putin tuyên bố rằng phương Tây đã phớt lờ những yêu cầu đảm bảo an ninh chính đáng của Nga và sẽ cân nhắc các hành động tiếp theo. Tiếp đó là cuộc tập trung quân lớn nhất của Nga kể từ sau Chiến tranh thế giới 2 và phương Tây đồng loạt lên tiếng cảnh báo về một cuộc chiến tranh đang đến gần...

Nhưng, rốt cuộc thì cuộc chiến tranh đó đã không (chưa) tới mà chỉ có quyết định đầy bất ngờ từ Moscow, công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng vùng Donbass.

Bằng quyết định này, ông V.Putin dường như đã chặn đứng khả năng Ukraine một ngày nào đó gia nhập NATO bởi tổ chức quân sự này không bao giờ kết nạp một quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với một quốc gia khác.

Ông V.Putin đã hành động trên cơ sở vì lợi ích an ninh của nước Nga nhưng cũng đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm về những vùng tự xưng là tự trị hay ly khai có ở khắp nơi trên thế giới. Chắc chắn phương Tây sẽ phản ứng quyết liệt trước quyết định này của Moscow nhưng vốn đã quen với các biện pháp trừng phạt bấy lâu nay nhằm vào nước Nga, hẳn là ông V.Putin đã cân nhắc để đưa ra quyết định công nhận độc lập hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine.

Đối với Tổng thống Nga V.Putin, những vấn đề lục đục chính trị nội bộ trên chính trường Mỹ, cuộc rút lui hỗn loạn của các lực lượng Mỹ ra khỏi Afghanistan, một nước Anh đang vật lộn với các vấn đề hậu Brexit, nước Đức vừa mới thay đổi thế hệ lãnh đạo sau 16 năm cầm quyền của bà Angela Merkel, nước Pháp đang chuẩn bị bước vào các cuộc bầu cử tháng 4 tới và hết sức bất bình với Mỹ và Australia sau thỏa thuận 3 bên AUKUS... cho thấy một phương Tây đang ở vào thời điểm suy yếu, chia rẽ.

Đấy là thời điểm thích hợp để thử sức với phương Tây.

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/quyet-dinh-bat-ngo-i645212/