Quyền lợi người dân là trên hết

Thời gian qua, trong bối cảnh thiếu thuốc và vật tư y tế, nhiều bệnh nhân phải mua thuốc ở bên ngoài bệnh viện với giá cao gấp nhiều lần giá bảo hiểm y tế (BHYT) quy định. Điều này khiến người bệnh thêm nặng gánh tài chính điều trị, bất công cho người mua BHYT.

Bệnh nhân lấy thuốc theo đơn tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Hải Linh

Trước thực tế đó, Bộ Y tế đề xuất, người bệnh phải đi mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài khi bệnh viện thiếu sẽ được Quỹ BHYT thanh toán, thay vì phải bỏ tiền túi như hiện nay.

Cần cơ chế hoàn trả bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm

Đầu tháng 11/2023, tại phiên chất vấn thành viên Chính phủ, một số đại biểu (ĐB) Quốc hội nhắc lại ý kiến của Ủy ban Xã hội cho rằng, nếu tiếp diễn tình trạng thiếu thuốc, để người dân đi khám, chữa bệnh (KCB) bằng BHYT phải tự mua thuốc điều trị thì cần có cơ chế hoàn trả để bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Việc cơ sở y tế phải đảm bảo đủ thuốc cho người bệnh là 1 trong những trách nhiệm của cơ sở, được quy định trong Luật BHYT và Luật KCB cũng như nhiều văn bản khác về KCB. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan liên quan đến việc thiếu thuốc tại một số cơ sở KCB trong thời gian qua như đứt gãy chuỗi cung ứng từ nước ngoài, các nguồn nguyên liệu từ các quốc gia thiếu hụt, giá thành cao. Các quy định về Luật Đấu thầu thời gian qua còn một số bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn của việc mua sắm thuốc. Bên cạnh đó, trải qua đại dịch và những vấn đề hậu Covid-19 cũng dẫn đến tâm lý e ngại trong mua sắm trong khi nhiều cơ chế, chính sách pháp luật vẫn đang vướng.
Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Trần Thị Trang

ĐB Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, BHYT có trách nhiệm gì trong việc chi trả tiền người dân phải tự bỏ ra để mua thuốc này. Vì đây là quyền lợi của người dân và không cung ứng được là lỗi của chúng ta. Việc cập nhật danh mục thuốc BHYT cho bệnh nhân ở Việt Nam rất chậm so với các nước. Đơn cử, Nhật Bản chỉ mất khoảng 3 tháng, Pháp 15 tháng, Hàn Quốc 18 tháng, nhưng Việt Nam mất trung bình từ 2 - 4 năm để đưa một loại thuốc mới vào danh mục thuốc BHYT. Vì vậy, Bộ Y tế cần sớm điều chỉnh, bổ sung thuốc vào danh mục và có cơ chế quy định về việc cập nhật danh mục thuốc (thuộc phạm vi thanh toán BHYT).

Đặt ra vấn đề hoàn tiền cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm phải mua thuốc bên ngoài, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) đề nghị Chính phủ có cơ chế trả lại kinh phí cho người dân phải tự mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài nếu những loại này có trong danh mục được thanh toán BHYT.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định, cơ sở KCB phải đảm bảo đủ thuốc, không để người bệnh phải mua bên ngoài trong thời gian điều trị nội trú. Nếu cho người bệnh tự mua sẽ có nhiều nguy cơ về chất lượng, an toàn; rủi ro lạm dụng chỉ định hoặc bệnh nhân mua phải giá cao, khó xác định trong thanh toán.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19 đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến thiếu thuốc. Thực tế, sau giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, nhiều cơ sở y tế không đảm bảo đủ thuốc và xảy ra tình trạng bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc điều trị. “Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân khi ra ngoài mua thuốc” - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận.

Chính vì vậy, thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, Bộ Y tế đề nghị cơ sở y tế thực hiện các quy định liên quan đến mua thuốc, vật tư y tế để bảo đảm phục vụ KCB. Bộ đề xuất cơ chế các cơ sở y tế có thể điều chuyển thuốc giữa các cơ sở khi kết quả thầu còn hiệu lực. Ngành y tế cũng rà soát lại danh mục thuốc và dự kiến đầu năm 2024 sẽ bổ sung danh mục thuốc BHYT để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Đặc biệt, liên quan đến vấn đề cơ chế thanh toán tiền cho người bệnh BHYT trực tiếp mua thuốc, Bộ Y tế đã hành động rất quyết liệt, kịp thời, phản ứng nhanh, giao Vụ BHYT xây dựng dự thảo Thông tư quy định thanh toán trực tiếp chi phí mua thuốc, vật tư y tế trong phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT để có hướng xử lý, đặt quyền lợi của người dân lên trên hết.

Người bệnh không phải bỏ tiền túi mua thuốc bên ngoài

Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Trần Thị Trang nhấn mạnh, đây là điểm mới trong dự thảo Thông tư Quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia BHYT mà Bộ Y tế xây dựng và đang lấy ý kiến của toàn thể xã hội.

Theo dự thảo này, Quỹ BHYT thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh có thẻ BHYT hoặc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho cơ sở KCB trong trường hợp khi đủ các điều kiện. Cụ thể, thuốc, vật tư y tế mà người bệnh được kê đơn thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.

Người bệnh được chẩn đoán, kê đơn và chỉ định thuốc, vật tư y tế nhưng tại thời điểm sử dụng hoạt chất thuốc, vật tư y tế không sẵn có tại cơ sở KCB. Cụ thể là không sẵn có thuốc thành phẩm nào chứa hoạt chất mà người bệnh được chỉ định hoặc không sẵn có vật tư y tế phù hợp mà người bệnh được chỉ định sử dụng.

Tuy nhiên, dù có đủ các điều kiện trên nhưng không phải bệnh nhân mua thuốc tại nhà thuốc nào cũng được thanh toán. Có 2 địa chỉ để người bệnh, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp mua thuốc, vật tư y tế. Đó là nhà thuốc của viện nơi người bệnh điều trị và đơn vị cung ứng đáp ứng các điều kiện như đã trúng thầu với cơ sở khám chữa bệnh BHYT; thuốc được sử dụng và thanh toán cho người bệnh có thẻ BHYT tại bệnh viện nơi đơn vị cung ứng trúng thầu. Ngoài ra, hợp đồng thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế còn hiệu lực. Để được thanh toán BHYT, người mua cần xuất trình với cơ quan BHXH đơn thuốc, vật tư y tế được bác sĩ chỉ định, hợp lệ để làm căn cứ thanh toán.

Theo dự thảo Thông tư của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam sẽ ban hành quy trình giám định đối với các trường hợp thanh toán từ Quỹ BHYT theo phạm vi điều chỉnh của Thông tư.

Để tránh việc lạm dụng quy định thanh toán trực tiếp và để các cơ sở KCB phải chủ động đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế cho người bệnh, Bộ Y tế cũng có quy định chặt chẽ với các cơ sở KCB. Trong đó, bệnh viện có trách nhiệm thực hiện đấu thầu mua sắm, bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh. Trường hợp bệnh viện không có đủ thuốc cung ứng cần chuyển người bệnh đến cơ sở có đủ điều kiện cung cấp thuốc, vật tư. Nếu không chuyển, bệnh viện có trách nhiệm hướng dẫn người bệnh mua thuốc bảo đảm chất lượng và thông báo với cơ quan BHXH về trường hợp người bệnh tự mua.

Hiện Dự thảo Thông tư về việc BHYT thanh toán tiền thuốc khi người bệnh phải tự mua đã được Bộ Y tế lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và Nhân dân nhằm sớm ban hành, đưa vào thực hiện để giải quyết một trong những tình huống thực tiễn của KCB và để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT.

Đề xuất người bệnh tự mua thuốc ngoài viện được BHYT thanh toán của Bộ Y tế hoàn toàn phù hợp. BHXH Hà Nội hoàn toàn ủng hộ dự thảo Thông tư quy định thanh toán trực tiếp chi phí mua thuốc, vật tư y tế trong phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Bởi khi người dân, người lao động tham gia BHYT phải được hưởng quyền lợi. Trách nhiệm của cơ sở KCB phải cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế đảm bảo hiệu quả cao nhất, phục vụ người dân tốt nhất. Còn cơ sở KCB không cung ứng được thuốc đầy đủ thì phải thanh toán BHYT cho người bệnh.
Giám đốc BHXH Hà Nội Phan Văn Mến

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quyen-loi-nguoi-dan-la-tren-het.html