Quy trách nhiệm với các hộ dân không rào chắn hồ tự đào để xảy ra đuối nước

Lâm Đồng yêu cầu các hộ gia đình phải rào chắn khi tự đào hồ chứa nước để tưới cây, nếu không rào mà để xảy ra vụ việc đuối nước tại hồ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cắm biển cảnh báo tại tất cả các hồ thủy điện, thủy lợi và ao hồ trên địa bàn huyện Di Linh, Lâm Đồng. (Ảnh: TTXVN phát)

Cắm biển cảnh báo tại tất cả các hồ thủy điện, thủy lợi và ao hồ trên địa bàn huyện Di Linh, Lâm Đồng. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 22/5, thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống đuối nước ở trẻ em sau một loạt các vụ đuối nước làm nhiều trẻ em tử vong thương tâm.

Đáng chú ý, những hộ gia đình tự đào hồ chứa nước để tưới cây sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu không rào chắn để xảy ra vụ việc đuối nước tại hồ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chủ động, nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em, không để xảy ra các trường hợp đuối nước ở trẻ em trên địa bàn.

Ủy ban Nhân dân cấp xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời các địa điểm, khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích đối với trẻ em để có biện pháp phòng ngừa, khắc phục nhằm loại bỏ những nguy cơ gây tai nạn đuối nước cho trẻ em.

Người dân được yêu cầu cam kết tổ chức rào chắn khu vực ao, hồ tự đào trong khu vực vườn, trại nhằm tăng cường phòng, chống đuối nước ở trẻ em và chịu trách nhiệm nếu không rào chắn để xảy ra đuối nước.

 Giáo viên thể dục dạy bơi cho các em học sinh. (Ảnh: TTXVN phát)

Giáo viên thể dục dạy bơi cho các em học sinh. (Ảnh: TTXVN phát)

Các địa phương thành lập các Tổ công tác, tăng cường kiểm tra việc rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm bơi lội tại các ao, hồ, sông suối, các khu vực, địa điểm thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra đuối nước đối với trẻ em để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em, hoàn thành trong tháng 6/2024; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không đưa trẻ em theo khi đi làm tại các khu vực có ao, hồ, sông, suối hoặc có các biện pháp theo dõi, quản lý chặt trẻ em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, không để xảy ra tình trạng đuối nước trẻ em.

Các địa phương làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước tại đơn vị, địa phương; truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nếu để xảy ra tình trạng đuối nước trẻ em trên địa bàn.

Ngành Lao động-Thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục quán triệt học sinh không đi tắm tại các ao, hồ, sông, suối và tuyên truyền, phổ biến đến cha mẹ học sinh, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ học sinh sau giờ học ở trường, trong thời gian nghỉ hè để đảm bảo an toàn trong phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố xây dựng, tổ chức phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước; vận động, đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ và kỹ năng phòng, chống đuối nước; tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở thể dục thể thao và dạy bơi cho trẻ em…

Từ đầu mùa hè năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tục xảy ra các vụ đuối nước thương tâm mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em, bị rơi xuống các hồ chứa nước tự đào của các gia đình sản xuất nông nghiệp.

Điển hình là vụ việc 4 cháu bé từ 6-10 tuổi, ở xã Phú Hội (huyện Đức Trọng) rơi xuống hồ chứa nước tự đào của 1 hộ gia đình và đều tử vong, xảy ra ngày 19/5 vừa qua.

Đặc điểm của các hồ chứa nước tự đào là thành rất cao, bên trong lót bạt hoặc nylon rất trơn, trong khi không được rào chắn hoặc căng dây, thả phao cứu sinh cho người bị rơi xuống bám vào.

Bởi vậy, các nạn nhân khi rơi xuống hồ thường không thể tự leo ra được, kể cả là người trưởng thành hoặc biết bơi, dẫn đến đuối nước, kiệt sức và tử vong nếu không được cứu kịp thời…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/quy-trach-nhiem-voi-cac-ho-dan-khong-rao-chan-ho-tu-dao-de-xay-ra-duoi-nuoc-post954788.vnp