Quy hoạch quốc gia: Hà Nội, TP.HCM là 2 cực tăng trưởng

TP.HCM sẽ là nơi đi đầu về công nghiệp, công nghệ cao, khoa học, đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu…

Tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ hai ngày 9-1, với trên 90% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghị quyết đưa ra quan điểm phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Mở rộng cảng, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế…

Về định hướng phân bố các khu vực lớn, nghị quyết định hướng Hà Nội là đô thị thông minh, đầu tàu trong khoa học, công nghệ. TP.HCM chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh trong khu vực.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết vào chiều 9-1. Ảnh: P.THẮNG

Nghị quyết đặt ra định hướng TP.HCM đi đầu về công nghiệp, công nghệ cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu và là đầu mối giao thương với quốc tế. Đồng thời, TP.HCM cũng sẽ khai thác không gian ngầm thành quỹ đất đô thị, khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển khu vực TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ trở thành động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM.

Đặc biệt, nghị quyết yêu cầu TP.HCM phải gắn phát triển đô thị với hạ tầng giao thông. Trong đó, bao gồm cả việc xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Xây dựng các cảng biển cửa ngõ như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM), mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất…

Phát triển các vùng gắn với hai cực Hà Nội và TP.HCM

Nghị quyết yêu cầu phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội; tập trung phát triển hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng là thủ đô Hà Nội và TP.HCM, hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Mộc Bài - TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu…

Phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới; tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; phấn đấu 3-5 đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững và gắn với đô thị hóa; tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 90%, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Về phân vùng kinh tế - xã hội, nghị quyết yêu cầu tổ chức không gian phát triển đất nước thành sáu vùng kinh tế - xã hội; xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế điều phối vùng để thực hiện liên kết nội vùng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030 sẽ phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam phía đông, kết nối các vùng động lực, các đô thị lớn, trung tâm kinh tế, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tạo tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của dải ven biển và khu vực phía tây đất nước.

Đồng thời, từng bước hình thành và phát triển các hành lang kinh tế trong dài hạn với hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ nhằm thúc đẩy phát triển, liên kết vùng, gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh.

Năm 2050, đô thị hóa đạt 70%-75% là phù hợp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh giải trình ý kiến đại biểu về việc tính toán lại tỉ lệ đô thị hóa đạt 70%-75% đề xuất trong tầm nhìn đến năm 2050.

Theo giải trình, quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030 tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam là 50%, theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2021 tỉ lệ đô thị hóa trung bình của các nước thu nhập cao đã đạt tới 81,5%.

Đồng thời, theo dự báo của Liên Hợp Quốc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tỉ lệ đô thị hóa trung bình của thế giới đến năm 2050 ở mức 68%-80%.

“Như vậy, việc đặt mục tiêu đô thị hóa Việt Nam đến năm 2050 đạt 70%-75% là phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam cũng như xu thế của thế giới, do đó xin được giữ như dự thảo nghị quyết” - ông Thanh cho hay.

Năm 2050, thu nhập đầu người đạt 27.000 USD/năm

Mục tiêu tổng quát nghị quyết đưa ra đến năm 2030 phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỉ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%...

Trong giai đoạn 2031-2050, nghị quyết đưa ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5%-7,5%/năm.

Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000-32.000 USD; tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70%-75%; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Tiếp tục thực hiện một số chính sách về phòng chống COVID-19

Ngày 9-1, Quốc hội (QH) đã thông qua dự thảo nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1 đến 31-12-2024.

Đáng chú ý, nghị quyết này cho phép một số chính sách phòng chống dịch COVID-19 cũng được tiếp tục thực hiện từ ngày 1-1-2023 đến hết 31-12-2023.

Theo đó, các chi phí phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 của cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và chế độ, chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng chống dịch đã thực hiện trước ngày 31-12-2022 mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thanh toán theo quy định tại Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ QH.

Kinh phí thực hiện các khoản chi phí, chế độ, chính sách này được chuyển nguồn sang năm 2023 để thanh toán và hạch toán, quyết toán vào niên độ ngân sách năm 2023.

Việc thanh toán chi phí phòng chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 268 của Ủy ban Thường vụ QH về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch COVID-19, Nghị quyết 12 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Nghị quyết của QH cũng cho phép gia hạn việc sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 đến 31-12-2024, ngoại trừ một số trường hợp.

Bộ Y tế công bố danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định của nghị quyết.

Theo đánh giá của QH, các chính sách, biện pháp, giải pháp được ban hành trên cơ sở Nghị quyết 30 cơ bản đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đầy đủ với các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù, góp phần kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo nguồn lực cho công tác phòng chống đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện quy định tại Nghị quyết 30 của QH còn một số tồn tại, hạn chế, như việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách, giải pháp, biện pháp theo nghị quyết này và các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH có lúc, có nơi còn chậm, chưa đồng bộ, chưa sát thực tiễn.

Việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn chậm dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc; thanh toán, quyết toán chi phí liên quan đến phòng chống dịch bệnh và chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 còn chưa đáp ứng yêu cầu…

QH giao Chính phủ rà soát và xử lý việc mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; việc sử dụng số thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ ngân sách nhà nước cho khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 chuyển sang khám bệnh, chữa bệnh thông thường.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nguồn lực, khả năng dự báo, thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị y tế trong nước để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, ứng phó với các biến chủng mới, các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. NHÓM PHÓNG VIÊN

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quy-hoach-quoc-gia-ha-noi-tphcm-la-2-cuc-tang-truong-post715837.html