Quy hoạch mới trụ sở bộ, ngành, ưu tiên giải phóng mặt bằng, đấu nối xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung

Thủ tướng đã phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan trong việc chuẩn bị mặt bằng, chuẩn bị đầu tư, nguồn vốn và phân kỳ triển khai theo từng giai đoạn. Giải phóng mặt bằng, đấu nối và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung sẽ được ưu tiên.

Đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 có mục tiêu xây dựng hệ thống trụ sở làm việc bảo đảm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng điều kiện làm việc của các bộ, ngành Trung ương; nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước góp phần tinh giảm bộ máy hành chính; sắp xếp lại đô thị, giảm tải cho khu vực nội thành Hà Nội.

Phương án kiến trúc khu Mễ Trì. Ảnh: SPMB

Ngày 20/7, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội, đến năm 2030.

Trước đó, ngày 20/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 423/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội, đến năm 2030.

Theo đó, hệ thống trụ sở mới này sẽ là nơi làm việc của 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan Trung ương của các đoàn thể. Đồ án quy hoạch gồm 2 bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại hai khu vực là Tây Hồ Tây và Mễ Trì.

Tại khu Tây Hồ Tây, đồ án quy hoạch có quy mô khoảng 35ha, gồm 20,7ha thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ và 14,3ha tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm. Nơi đây sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất về phía Bắc và Nam gắn với 2 trục đường đô thị để tạo thuận lợi tiếp cận làm việc.

Các công trình trụ sở được xây dựng thống nhất chiều cao 12-25 tầng, các khối công trình công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6-24 tầng, thống nhất chỉ giới xây dựng lùi so với mặt đường chính là 20m.

Tại khu Mễ Trì, quy mô quy hoạch khoảng 55ha, trong đó, khoảng 43,6ha thuộc phường Mễ Trì và khoảng 11,4ha thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. Không gian tổng thể của quy hoạch là các cụm công trình kiến trúc có chiều cao công trình trụ sở Bộ, Ngành tương đối thống nhất. Trụ sở làm việc ở đây được thiết kế cao 17-25 tầng, công trình công cộng cao 3-5 tầng, giáp với Đại lộ Thăng Long, đường Cương Kiên.

Ảnh minh họa. Nguồn: VTC

Là một trong những địa phương có diện tích lớn trong đồ án quy hoạch, ông Nguyễn Trường Sinh, Chủ tịch UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) cho biết, hơn 40ha diện tích trên địa bàn phường nằm trong đồ án đa phần là đất nông nghiệp.

Hiện có một số vi phạm vào thời điểm trước năm 2014, nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều trong việc giải phóng mặt bằng.

“Dưới địa phương hiện nay chưa nhận được thông tin về triển khai dự án, tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn sớm triển khai để không xảy ra lãng phí tài nguyên”, Chủ tịch UBND phường Mễ Trì chia sẻ.

Liên quan đến quy hoạch trên, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành (Bộ Xây dựng) cho biết, Thủ tướng đã phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan trong việc chuẩn bị mặt bằng, chuẩn bị đầu tư, nguồn vốn và phân kỳ triển khai theo từng giai đoạn. Giải phóng mặt bằng, đấu nối và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung sẽ được ưu tiên.

Ngay sau khi Thủ tướng quyết định phê duyệt quy hoạch, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành đã hỗ trợ, tư vấn cho một số cơ quan triển khai công việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Theo lộ trình, từ năm 2023 - 2025, các cơ quan sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, trụ sở, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; từ 2026 - 2030 sẽ xây dựng, hoàn thành trụ sở một số cơ quan có nhu cầu cấp thiết di dời; từ 2031 - 2035 xây dựng trụ sở các bộ, ngành còn lại và công trình công cộng.

Chi sẻ với báo chí, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, quy hoạch các trục sở bộ, ngành tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì đã xác định vị trí thuận lợi để kết nối giao thông thuận tiện, phục vụ công tác đối ngoại, phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011 và một số đề xuất của điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đang thực hiện.

Quy hoạch không chỉ nhằm xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tạo lập khu vực tiêu biểu, điểm nhấn kiến trúc cho đô thị Hà Nội mà còn để nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần từng bước tinh giản bộ máy hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hiện đại, đồng bộ.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng lưu ý, để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm tải cho khu vực nội thành Hà Nội thì bên cạnh xây dựng các trụ sở thì cần phải quy hoạch, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng như các công trình dịch vụ, thương mại, nhà ở… để tạo điều kiện thu hút cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc và sinh sống, giảm áp lực giao thông đi lại.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quy-hoach-moi-tru-so-bo-nganh-uu-tien-giai-phong-mat-bang-dau-noi-xay-dung-ha-tang-ky-thuat-khung-post258148.html