Quy hoạch chiếu sáng đô thị bền vững

ĐBP - Hạ tầng chiếu sáng đô thị trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đã được quan tâm đầu tư, song hiện nay còn thiếu đồng bộ, hình thức chiếu sáng chưa phong phú, đặc biệt là thiếu chiếu sáng kiến trúc cảnh quan.

Hiện nay, các tuyến đường trung tâm TP. Điện Biên Phủ đều được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, đáp ứng nhu cầu người dân và đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.

Cùng với sự gia tăng tốc độ, chất lượng đô thị hóa TP. Điện Biên Phủ, hạ tầng chiếu sáng đô thị cũng được quan tâm nhiều hơn. Hiện nay, tất cả các tuyến phố chính, các tuyến đường trong khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố cơ bản đều được đầu tư lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng. Tại khu vực trung tâm thành phố, hệ thống chiếu sáng cho các không gian công cộng như: công viên, quảng trường... được nâng cấp, cải tạo. Hệ thống chiếu sáng dần được cải tạo, thay thiết bị cũ tiêu hao nhiều điện năng bằng công nghệ đèn led để tăng hiệu suất chiếu sáng, giảm thiểu tiêu thụ điện năng. Ngoài ra, những tuyến đường trung tâm (Võ Nguyên Giáp; Nguyễn Chí Thanh; Trường Chinh…) còn được lắp đặt hệ thống đèn trang trí làm đẹp cảnh quan. Nhiều công trình kiến trúc lớn được đầu tư trên địa bàn thành phố đã chú trọng đến việc chiếu sáng kiến trúc và sử dụng nguồn sáng hiện đại, hiệu suất cao, thân thiện môi trường, tôn thêm vẻ đẹp, tính thẩm mỹ cho công trình khi về đêm. Điển hình như hệ thống chiếu sáng của Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ… đã góp phần tạo điểm nhấn cho đô thị. Việc đầu tư đầu tư hệ thống chiếu sáng đô thị không chỉ đáp ứng nhu cầu an toàn giao thông, an ninh trật tự, mà còn tạo sự hấp dẫn của không gian đô thị về đêm.

Từ đó đã khuyến khích người dân tham gia mở rộng nhiều hoạt động kinh tế về đêm, khai thác lợi thế đặc trưng của đô thị.

Tuy nhiên, do hệ thống chiếu sáng được đầu tư qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn, chưa có quy hoạch riêng biệt, thiếu định hướng nên thiếu đồng bộ, đặc biệt là các tuyến đường tại các xã mới sáp nhập và khu vực ven đô thị, các tuyến đường liên khu vực. Chiều dài chiếu sáng còn hạn chế, chỉ tập trung tại các tuyến nội thị khu vực trung tâm, một số tuyến đường thuộc khu vực ven đô thị chưa có chiếu sáng. Bên cạnh đó, một số tuyến đường, đèn chiếu sáng đường phố đã xuống cấp, hiệu suất phát quang thấp. Hệ thống chiếu sáng còn sử dụng cáp treo và cột bê tông ly tâm nhiều, gây mất mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chưa thống nhất, không đồng bộ, đầu tư phát triển lĩnh vực chiếu sáng đô thị còn manh mún. Thời gian qua nhiều dự án, công trình chiếu sáng đô thị chủ yếu vẫn chỉ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Có một số nơi đã thực hiện thu hút các tổ chức, cá nhân và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư lĩnh vực chiếu sáng đô thị nhưng chưa hiệu quả, chưa đồng bộ, thiếu tính thẩm mỹ, thiếu kiểm soát có nguy cơ ô nhiễm ánh sáng.

Do nguồn kinh phí còn hạn chế nên chưa triển khai áp dụng được các công nghệ chiếu sáng mới hiệu suất cao. Tại một số nơi, đèn chiếu sáng không hoạt động khiến tầm quan sát của người đi đường bị hạn chế, dễ gây bất ổn về an ninh trật tự và an toàn giao thông. Đơn cử trước đây trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn từ Bến xe khách tỉnh (cũ) đến đầu cầu Mường Thanh đã được trang bị hệ thống đèn led chiếu sáng vỉa hè hai bên đường phục vụ người đi bộ vào ban đêm, nhưng mới đưa vào sử dụng được thời gian ngắn thì nhiều đèn có biểu hiện bị đập phá, có đèn bị phá hỏng hoàn toàn. Mặc dù đã được khắc phục sửa chữa, nhưng hiện nay một số vị trí đèn vẫn không sáng.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, tỉnh ta đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị, nhất là trong các đồ án quy hoạch đô thị nội dung này được đặc biệt quan tâm. Đơn cử, Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu trung tâm hiện hữu TP. Điện Biên Phủ từ đồi E đến Cầu trắng. Khi triển khai quy hoạch này, hệ thống chiếu sáng đô thị được áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng TCXDVN 333: 2005 đối với các công trình công cộng và kỹ thuật hạ tầng đô thị; tiêu chuẩn xây dựng TCXDVN: 259: 2001 đối với đường, đường phố, quảng trường đô thị. Hệ thống chiếu sáng được thiết kế phù hợp với cảnh quan môi trường, cảnh quan kiến trúc, tạo được các điểm nhấn. Bên cạnh đó, các tuyến đường được chiếu sáng bằng đèn cao áp bóng Sodium công suất 150W - 250W - 220V. Đối với đường có chiều rộng 7m được chiếu sáng bằng một dãy đèn bố trí một bên treo cao 8m; đường rộng hơn 10m được chiếu sáng bằng hai dãy đối xứng nhau hoặc ở giữa tuyến đường (trên giải bolva). Đặc biệt, đảm bảo độ chói trung bình đạt 0,8 - 1 Cd/m2 (độ chói tính trung bình trên bề mặt phát sáng, làm chỉ tiêu đánh giá hệ thống chiếu sáng đối với đường giao thông). Đối với chiếu sáng công cộng, đảm bảo chiếu sáng cho đường đi và phù hợp với cảnh quan của khu đối với đường phố chính của khu đô thị. Trên trục đường mặt cắt sẽ được bố trí hệ thống đèn led nhằm tiết kiệm điện và tăng độ chiếu sáng đường phố; trong đó độ chói tối thiểu trên đường ≥ 0,5 Cd/m2. Với các khu vực cây xanh, thảm cỏ bố trí các đèn trang trí bóng compact 4*40W.

Hệ thống chiếu sáng công cộng là một phần tất yếu của đô thị, không chỉ góp phần tạo mỹ quan mà còn xác định bản sắc cho đô thị, thành phố. Do đó, khi quy hoạch đô thị cần có quy hoạch hạ tầng chiếu sáng phù hợp điều kiện, đặc điểm văn hóa của từng địa phương, phù hợp với xu hướng phát triển mới. Đặc biệt, trước các yêu cầu về tốc độ và chất lượng đô thị hóa, bên cạnh chú trọng lập nội dung quy hoạch chiếu sáng trong quy hoạch đô thị thì cần quan tâm đổi mới toàn diện, đặc biệt lập quy hoạch chiếu sáng đô thị riêng biệt. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, TP. Điện Biên Phủ đang phấn đấu cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025.

Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/204730/quy-hoach-chieu-sang-do-thi-ben-vung