Quy định về thời hạn của giấy phép tài nguyên nước?

Bạn đọc Cao Văn Phú ở xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, quy định về thời hạn của giấy phép tài nguyên nước?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 21 Nghị định số 02/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:

1. Thời hạn của giấy phép tài nguyên nước được quy định như sau:

a) Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển có thời hạn tối đa là 15 năm, tối thiểu là 5 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là 3 năm, tối đa là 10 năm;

b) Giấy phép thăm dò nước dưới đất có thời hạn là 2 năm và được xem xét gia hạn 1 lần, thời gian gia hạn không quá 1 năm;

c) Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất có thời hạn tối đa là 10 năm, tối thiểu là 3 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là 2 năm, tối đa là 5 năm.

Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp hoặc gia hạn giấy phép với thời hạn ngắn hơn thời hạn tối thiểu quy định tại khoản này thì giấy phép được cấp hoặc gia hạn theo thời hạn đề nghị trong đơn.

2. Căn cứ điều kiện của từng nguồn nước, mức độ chi tiết của thông tin, số liệu điều tra, đánh giá tài nguyên nước và hồ sơ đề nghị cấp hoặc gia hạn giấy phép của tổ chức, cá nhân, cơ quan cấp phép quyết định cụ thể thời hạn của giấy phép.

3. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép của tổ chức, cá nhân nộp trước ngày giấy phép đã được cấp trước đó hết hiệu lực thì thời điểm hiệu lực ghi trong giấy phép được tính nối tiếp với thời điểm hết hiệu lực của giấy phép đã được cấp trước đó.

* Bạn đọc Nguyễn Sĩ Giảng ở phường An Lạc, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, khi nào Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực và trách nhiệm của thành viên gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình?

Trả lời: Trách nhiệm của thành viên gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định tại Điều 11 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, có hiệu lực từ ngày 1-7-2023. Cụ thể như sau:

1. Giáo dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình; tham gia chăm sóc người bị bạo lực gia đình.

3. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình.

4. Thực hiện các biện pháp trong phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/quy-dinh-ve-thoi-han-cua-giay-phep-tai-nguyen-nuoc-726975