Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong đảm bảo bí mật thông tin

Đó là quan điểm của Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân khi tham gia thảo luận tại nghị trường về dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 25/10, góp ý kiến cho dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) quan tâm đến nội dung bảo đảm bí mật thông tin.

Đại biểu cho biết, tại dự thảo luật quy định: Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin thuê bao sau khi doanh nghiệp viễn thông đã thông báo rõ ràng công khai bằng hình thức phù hợp với người sử dụng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin.

 Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu.

Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu.

Theo vị Đại biểu Quốc hội đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, quy định như vậy là chưa phù hợp; cần cân nhắc theo hướng không nên quy định việc này cho doanh nghiệp viễn thông mà nên quy định trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc chia sẻ, bảo mật thông tin với điều kiện đã được trang bị thiết bị công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin hiện đại, kiểm soát người sử dụng bị khai thác thông tin, dẫn đến lộ lọt thông tin cá nhân.

Về quyền, nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông tại Điều 14, Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 14 liên quan đến quy định về chịu sự kiểm tra, kiểm soát của “doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông” thành “chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước địa phương”, để đảm bảo vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên ngành có liên quan…

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến quốc phòng, an ninh, như việc thiết lập mạng viễn thông dùng riêng, trung tâm dữ liệu dịch vụ điện toán đám mây dùng riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, như Luật Cơ yếu, Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức tham gia thảo luận.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức tham gia thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị bổ sung thêm từ “cơ yếu” vào sau cụm từ quốc phòng, an ninh vào khoản 4 Điều 19, với lý do hoạt động cơ yếu là một trong những hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia và bí mật nhà nước, sử dụng nghiệp vụ mật mã và các giải pháp có liên quan để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước do lực lượng chuyên trách triển khai trên nhiều lĩnh vực hoạt động của Đảng, Nhà nước, hoạt động quốc phòng, an ninh cơ yếu, ngoại giao, tư pháp…

Để đảm bảo yêu cầu thông tin bí mật phục vụ lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo chỉ huy của lực lượng vũ trang, ngoại giao, do đó thông tin được mã hóa bằng mật mã cơ yếu phải được ưu tiên trong thiết lập quản lý và hoạt động trên mạng viễn thông.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng đề nghị bổ sung cụm từ “trừ trung tâm dữ liệu phục vụ quốc phòng cơ yếu” vào khoản 2 Điều 29 và cụm từ “trừ lĩnh vực quốc phòng, an ninh cơ yếu” tại khoản 3 Điều 29.

Tại khoản 2 Điều 6 Luật Cơ yếu năm 2011 quy định: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ban cơ yếu Chính phủ. Đại biểu băn khoăn, để đảm bảo tuyệt đối về bí mật quốc phòng, an ninh cũng như về cơ mật trong cơ yếu, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thật kỹ và đánh giá thật thấu đáo khoản 4 của Điều 69 của dự thảo luật.

 Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba phát biểu.

Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba phát biểu.

Cũng quan tâm dự án luật, Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng, về các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, điểm a khoản 5 Điều 9 dự thảo luật quy định chưa phù hợp về các nội dung. Cụ thể, cấm sử dụng các thiết bị gắn, lắp, kết nối với đồng thời nhiều sim. Đại biểu cho rằng, hành vi phải gắn với đối tượng, trong khi các nội dung đều cấm quy định tính chất của hành vi, có thể gây ra các thiệt hại xã hội. Do vậy, quy định điểm a không phù hợp, đề nghị nên quy định tính chất của hành vi xâm hại đến an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng, nên quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật, chứ không nên gắn với đối tượng, thiết bị nhiều sim… Cần quản lý thuê bao sử dụng sim đó chứ không nên cấm sử dụng thiết bị.

Bên cạnh đó, Đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị không giao Chính phủ quy định thêm các loại thiết bị khác, mà nên quy định rõ các tiêu chí trong luật thì Chính phủ mới có cơ sở để quy định cụ thể.

Liên quan đến vấn đề Nhà nước can thiệp đến đâu vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp viễn thông tại điểm e khoản 2 Điều 13, Đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị cân nhắc theo hướng điểm đ khoản 1 Điều 29 của Luật Giao dịch điện tử, chứ không nên quy định trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối liên tục với cơ sở dữ liệu của Nhà nước vì sẽ xâm hại đến quyền tự chủ kinh doanh và giữ bí mật thông tin doanh nghiệp.

Nội dung này còn liên quan đến tính thống nhất của Luật Viễn thông với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đại biểu cho rằng, khoản 4 Điều 20 của dự thảo Luật Viễn thông mâu thuẫn với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do đó nên bỏ khoản 4 Điều 20 để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng…

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quy-dinh-trach-nhiem-cua-co-quan-quan-ly-nha-nuoc-trong-dam-bao-bi-mat-thong-tin-post269926.html