'Quy định ngưỡng, CSGT làm việc sao xuể'

Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Ngày 27-3, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đa số ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Nêu ý kiến, ĐB Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) đồng tình cấm tuyệt đối nồng độ cồn, bởi “tính mạng, sức khỏe của con người là trên hết, trước hết”. “Quy định ngưỡng và vượt ngưỡng mới bị xử lý nhưng khi đã ngồi vào bàn rồi làm sao xác định được uống thế nào là trong ngưỡng, thế nào là vượt ngưỡng” - ông Thắng nói và cho rằng nếu quy định ngưỡng cho phép uống rượu bia, CSGT có tăng cường đến đâu cũng không kiểm soát được, như thế tai nạn giao thông do rượu bia sẽ lại tăng.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) kiến nghị cần nghiên cứu phân hóa mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, tùy theo ngưỡng. Ảnh: ĐỨC NGHĨA

Ủng hộ phương án 1 nhưng ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) kiến nghị cần nghiên cứu phân hóa mức xử phạt đối với hành vi vi phạm, tùy theo ngưỡng. Chẳng hạn, tài xế xe máy vi phạm ngưỡng thấp nhất (ngoại trừ chở người, chở hàng) thì chỉ nên xử phạt hành chính, không tước giấy phép lái xe.

Tương tự, ĐB Lý Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) cũng ủng hộ phương án 1. Tuy nhiên, “để luật đi vào cuộc sống, phù hợp với thực tiễn, có sức thuyết phục khi thông qua”, nữ ĐB này đề nghị rà soát, cân nhắc mức xử phạt, hình thức xử phạt cho phù hợp và phải có lộ trình từng bước theo thời gian để tạo thành ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông.

Dự thảo trình ra hội nghị đang thiết kế hai phương án

Phương án 1: Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, áp dụng với tất cả loại phương tiện giao thông đường bộ.

Phương án 2: Quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là chỉ cấm với ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Còn điều khiển mô tô, xe máy sẽ có ngưỡng, nồng độ cồn không được vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở. Nếu áp dụng theo phương án này sẽ phải sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

ĐB này lưu ý thực tế trên địa bàn tỉnh Hà Giang, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hay vùng nông thôn, điều kiện của người dân khi tham gia giao thông chưa thể thực hiện triệt để khi tham gia giao thông không sử dụng nồng độ cồn. “Ở đây liên quan đến yếu tố văn hóa, vùng miền, địa phương. Dịp Tết, vùng nông thôn từng làng này đi sang làng kia, đi chúc Tết, người dân khó có thể không uống một chén rượu, một cốc bia” - bà Lan nói.

Nữ ĐB tỉnh Hà Giang cũng đề nghị cơ quan chức năng tránh lạm dụng quy định của luật để xử phạt, kiểm tra, gây sự phản cảm của người dân với lực lượng chức năng. Bà Lan dẫn lại việc trên mạng xã hội vừa qua đưa nhiều hình ảnh dịp Tết, lực lượng chức năng đi vào các vùng nông thôn, nơi rất khó khăn để kiểm tra nồng độ cồn và xử phạt người dân. “Như vậy gây sự phản cảm” - ĐBQH tỉnh Hà Giang nói và tiếp tục đề nghị cần xem xét xử phạt, kiểm tra và nên có sự mềm dẻo hơn, phù hợp với nét văn hóa.

ĐB Thái Thị An Chung (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho rằng cấm tuyệt đối nồng độ cồn có thể sẽ ảnh hưởng một phần đến phát triển kinh tế nhưng cần áp dụng quy định này ít nhất năm năm nữa để thay đổi thói quen sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, sau đó tổng kết, đánh giá có nên tiếp tục cấm nồng độ cồn không.

Cấm tuyệt đối là không khả thi?

Trong khi đó, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) lại ủng hộ với phương án 2, tức là cần quy định ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu.

Theo ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, hiện người lao động nông thôn nhiều gấp hai lần ở thành thị. Trong khi người thành thị có thể có lái xe và sử dụng các phương tiện công cộng… còn người lao động bình thường ở Đông Bắc, Tây Bắc, ĐBSCL không có điều kiện đi xe dịch vụ sau khi sử dụng rượu bia.

Cho rằng quy định 100% không có nồng độ cồn không khả thi, ông Phạm Văn Hòa lấy dẫn chứng ngay với bản thân mình. “Nếu uống một cốc bia hoặc rượu, không biết người khác sao chứ tôi tâm trí vẫn bình thường, lái xe vẫn tốt. Uống một cốc bia mà tâm trí không tỉnh táo để lái xe là không chuẩn” - ông Hòa nói.

Vị ĐBQH này cũng nói người dân Việt Nam có truyền thống lâu đời là đám tiệc, hiếu hỷ thường uống một chút rượu bia. Ông Hòa cho hay ông hoàn toàn ủng hộ đã uống rượu bia thì không lái xe nhưng “uống hôm trước đến sáng nay vẫn còn nồng độ cồn, nếu bị CSGT phạt thì vô lý”. Vì vậy, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị QH xem xét, cơ quan y tế cũng cần phối hợp để có tính toán phù hợp về vấn đề này.•

Đề xuất sát hạch lái xe cho học sinh

Nêu ý kiến tại phiên họp, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đề xuất học sinh cần được đào tạo lý thuyết và thực hành lái xe, nhà trường phối hợp với công an để sát hạch. “Trẻ từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi muốn lái xe máy, xe điện phải có văn bản chấp nhận của cha mẹ, người giám hộ và được đào tạo, sát hạch như đối với người trưởng thành” - ông Cảnh nói.

ĐB tỉnh Bình Định cũng lo ngại tình trạng học sinh đi xe máy điện nhưng can thiệp vào bộ phận điều khiển để tăng tốc độ tối đa từ 25 km/giờ lên tới 40-50 km/giờ. Ông đề nghị ban soạn thảo bổ sung điều khoản cấm tự ý can thiệp, thay đổi phần mềm, bộ phận điều khiển xe máy điện các loại.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/quy-dinh-nguong-csgt-lam-viec-sao-xue-post782497.html