Quy định đấu thầu trước chưa đủ căn cứ, cơ sở để thực hiện

Thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chiều nay, các đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định liên quan đến đấu thầu trước khi xong hồ sơ mời thầu là chưa có đủ căn cứ, cơ sở để thực hiện, do đó cần cân nhắc không nên quy định nội dung này trong dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Thu hẹp đối tượng điều chỉnh với các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư, dự thảo Luật trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được chỉnh lý 55 điều. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Về đối tượng điều chỉnh đối với vốn tại nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội bỏ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu năm 2013, chỉ quy định điều chỉnh đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp đối tượng điều chỉnh so với Luật hiện hành đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án. Về vấn đề này, có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, chỉ quy định các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng phải đấu thầu. Theo quan điểm này, dự thảo luật quy định như Phương án 1 tại khoản 2 Điều 2. Loại ý kiến thứ 2 cho rằng, nếu quy định như dự thảo Chính phủ trình sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước khác… sẽ không phải đấu thầu. Do vậy, đề nghị quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước. Theo quan điểm này, dự thảo luật quy định như Phương án 2 tại khoản 2 Điều 2.

Về đấu thầu trước, dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội quy định một số trường hợp cho phép đấu thầu trước khi dự án, dự toán được phê duyệt để rút ngắn thời gian thực hiện trong một số trường hợp. Ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội đề nghị hạn chế sử dụng hình thức này, tránh tạo kẽ hở trong thực thi Luật. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉnh lý theo hướng quy định đấu thầu trước chỉ áp dụng đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi, bảo đảm quy định thống nhất với Luật số 03/2022/QH15.

Cân nhắc không nên quy định đấu thầu trước

Đa số đại biểu đánh giá cao bản dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này được tiếp thu tương đối hoàn thiện, đạt chất lượng tốt, đáp ứng các tiêu chí về minh bạch, liêm chính theo chuẩn quốc tế về đấu thầu.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến đối tượng điều chỉnh, áp dụng đấu thầu, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nêu rõ, cần quy định theo hướng khuyến khích áp dụng đấu thầu. Thực tiễn cho thấy, nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp ngoài quốc doanh thực hiện đấu thầu rất hiệu quả. Do đó, các doanh nghiệp có vốn nhà nước càng phải minh bạch khi sử dụng vốn là tiền, tài sản của nhà nước, của nhân dân.

Đối với nội dung về đấu thầu trước, nhiều đại biểu cho rằng, quy định liên quan đến đấu thầu trước là chưa có đủ căn cứ, cơ sở để thực hiện. Lý lẽ, theo đại biểu Tạ Văn Hạ, là bởi khi một dự án được hình thành thì phải có đầy đủ các nội dung như căn cứ pháp lý, giải pháp về kinh tế, kỹ thuật. Thậm chí, trong trường hợp dự án sử dụng vốn đầu tư nước ngoài mà chưa được ký điều ước, cam kết quốc tế thì làm sao có cơ sở để đấu thầu trước?

Cùng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực tế, thời gian qua việc tổ chức đấu thầu trước có nhiều hệ lụy, bởi nếu tổ chức đấu thầu trước, nhưng hồ sơ mời thầu chưa xong, cấp thẩm quyền chưa cho ý kiến hoặc trong quá trình giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, giá trị xây lắp tăng, giá nhân công tăng dẫn tới đội vốn… phát sinh nhiều tiêu cực. Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc không nên quy định đấu thầu trước trong dự thảo Luật.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật; Chính phủ quan tâm cho ý kiến, làm rõ quan điểm khi trình Quốc hội, chuẩn bị đầy đủ các văn bản cần thiết kèm theo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật theo đúng quy định của pháp luật trước trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm tới.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/quy-dinh-dau-thau-truoc-chua-du-can-cu-co-so-de-thuc-hien-i320673/