Quy định cụ thể hơn về phạm vi khai thác thông tin

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, sáng 25.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phù hợp với mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày cho biết, đa số ý kiến ĐBQH, Đoàn ĐBQH và thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình. Một số ý kiến tán thành giữ nguyên tên Luật Căn cước công dân và tên thẻ căn cước công dân như Luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước. Ảnh: Hồ Long

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Đồng thời, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước; phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo Luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân.

Ngoài ra, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước vừa nhằm hướng tới mục tiêu quản lý nhà nước về căn cước toàn diện hơn, đầy đủ hơn, vừa tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng thông tin cá nhân. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ tên Luật Căn cước và tên thẻ căn cước như Chính phủ trình.

Có ý kiến đề nghị không nên giao Chính phủ quy định các thông tin khác được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành mà quy định ngay trong luật để bảo đảm quyền của công dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện nay việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương đang được triển khai thực hiện quyết liệt, đã đem lại những kết quả thiết thực. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tiết kiệm được chi phí trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành khi đã được kết nối, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Việc giao Chính phủ quy định chi tiết những thông tin khác được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm vừa bảo đảm tính ổn định của dự thảo Luật, nhưng vẫn có tính linh hoạt đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhu cầu thu thập, cập nhật thông tin trong từng thời kỳ; đồng thời phù hợp với quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 40 Luật Giao dịch điện tử. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Đáp ứng nhu cầu quản lý với mọi người dân sinh sống tại Việt Nam

Đa số ĐBQH cho rằng, dự thảo Luật Căn cước đã có nhiều điều chỉnh, bổ sung tích cực, các ý kiến đóng góp đã được cầu thị, tiếp thu ghi nhận và tán thành việc đổi tên thành Luật Căn cước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) tên gọi này đã bảo đảm thể hiện đầy đủ các chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật bổ sung, điều chỉnh đối với đối tượng là người gốc Việt Nam, căn cước điện tử và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung của dự thảo Luật. Đồng thời, thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác và đáp ứng nhu cầu quản lý căn cước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đó là phải quản lý đối với toàn bộ xã hội, với mọi người dân sinh sống tại Việt Nam, không để sót bất cứ bộ phận dân chúng cũng như bất cứ cá nhân nào. Điều này sẽ bảo đảm các quyền con người và quyền công dân theo quy định của luật.

Về chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất rộng, trong đó có những thông tin liên quan đến bí mật cá nhân và đời sống riêng tư của công dân. Mặt khác, các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ khác nhau dẫn đến phạm vi mục đích khai thác cũng khác nhau.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Do đó, để tránh việc lạm dụng, đánh cắp thông tin cũng như bảo vệ bí mật cá nhân của công dân, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu cần có những quy định cụ thể hơn về phạm vi khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được phép khai thác và bảo đảm nguyên tắc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành nội dung này.

Để bảo đảm an toàn tuyệt đối kho dữ liệu về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đặc biệt quan tâm tới việc rà soát, nâng cấp hạ tầng; củng cố và phát triển nguồn nhân lực cán bộ công nghệ thông tin chuyên môn cao…

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/quy-dinh-cu-the-hon-ve-pham-vi-khai-thac-thong-tin-i347622/