Quy định cơ chế hỗ trợ cao hơn là nguồn động viên, tạo động lực cống hiến

Bà Đoàn Thị Tố Uyên, trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép HĐND thành phố (TP) Hà Nội quy định cơ chế hỗ trợ với phạm vi, mức cao hơn đối với huấn luyện viên, vận động viên đạt thành tích cao, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa,… sẽ là nguồn động viên vật chất, tinh thần to lớn, khuyến khích họ tiếp tục cống hiến, tạo động lực cho đội ngũ kế cận.

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên

Bà Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Công Phương

Bà Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Công Phương

Xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa

Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, tại Điều 23 có nhiều chính sách đặc thù như xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa trong 06 lĩnh vực (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa).

Việc xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa dựa trên tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa gắn với xây dựng TP sáng tạo xứng tầm là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước.

So sánh một số chính sách và ưu đãi đầu tư để một số nước có ngành công nghiệp văn hóa phát triển cho thấy, Hàn Quốc có những khu công nghiệp văn hóa tạo môi trường thuận lợi; Chính sách thuế ưu đãi; Hỗ trợ tài chính và vốn đầu tư; Hỗ trợ đào tạo và giáo dục; Hỗ trợ xuất khẩu. Đối với Trung Quốc, họ áp dụng một số ưu đãi cụ thể để khuyến khích đầu tư vào hạ tầng các ngành công nghiệp văn hóa như: Chính sách tài chính, đất đai, thuế, hợp tác công/tư, quy định đầu tư nước ngoài.

Theo khoản 5 Điều 23, giao HĐND TP Hà Nội quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với huấn luyện viên, vận động viên đạt giải thể thao thành tích cao; huấn luyện viên, vận động viên được triệu tập, tập huấn đội tuyển quốc gia; chế độ đào tạo, bồi dưỡng vận động viên trở thành huấn luyện viên, trọng tài viên quốc gia, quốc tế; việc học nghề để chuyển ngành đối với huấn luyện viên, vận động viên; văn nghệ sỹ, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể.

Mở rộng hơn đối tượng được ưu tiên đầu tư

Tại Điều 26 Luật Di sản văn hóa quy định việc Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nắm giữ và có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhưng mới chỉ quy định việc “trợ cấp sinh hoạt hàng tháng đối với nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước” nhưng phải có điều kiện là “có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn”, đồng thời giao thẩm quyền quy định chi tiết chính sách này cho Chính phủ chứ không trao thẩm quyền này cho chính quyền các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ quy định về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú nhưng chỉ hỗ trợ đối với các đối tượng có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn; Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/04/2019 của Chính phủ, trong đó quy định về một số chế độ, chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao…

Điểm h khoản 9 Điều 30 Luật Ngân sách Nhà nước quy định HĐND cấp tỉnh quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương.

Thực tế cho thấy, Hà Nội là địa phương có nhiều nghệ nhân được phong tặng danh hiệu cao quý nhất và có nhiều đóng góp cho thể thao của cả nước (nhiều huấn luyện viên, vận động viên đạt giải thể thao thành tích cao). Do đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép HĐND TP Hà Nội quy định cơ chế hỗ trợ với phạm vi, mức cao hơn quy định hiện hành của Trung ương theo khả năng cân đối ngân sách của TP Hà Nội đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể;

Việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sẽ là nguồn động viên vật chất, tinh thần to lớn, khuyến khích họ tiếp tục cống hiến, tạo động lực cho đội ngũ nghệ nhân kế cận tin tưởng vào việc giữ nghề và truyền nghề, tạo sự ổn định cho các làng, địa phương có nghề, thúc đẩy tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động tại chỗ. Đây cũng là động lực, góp phần lan tỏa việc xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

“Chúng tôi cho rằng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mở rộng hơn đối tượng được ưu tiên đầu tư, gồm cả di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể (các di tích lịch sử - văn hóa), bởi lẽ các di tích cũng hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng bị mai một, thậm chí nguy cơ còn lớn hơn di sản văn hóa phi vật thể trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay”, bà Đoàn Thị Tố Uyên nhấn mạnh.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/quy-dinh-co-che-ho-tro-cao-hon-la-nguon-dong-vien-tao-dong-luc-cong-hien-355280.html