Quy định chặt chẽ việc bảo mật thông tin cá nhân

Góp ý cho dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội đề nghị có quy định chặt chẽ việc bảo mật thông tin cá nhân, ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông trong việc thu thập, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, tránh xảy ra lạm quyền.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 22/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) đánh giá, dự thảo Luật đã mở rộng đáng kể phạm vi điều chỉnh một số ngành, lĩnh vực không phải là hoạt động và dịch vụ viễn thông truyền thống, nay đang là các dịch vụ trở nên phổ biến và ngày càng có xu hướng thay đổi các dịch vụ viễn thông truyền thống. Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát mức độ áp dụng các quy định quản lý đối với các loại hình dịch vụ này trong dự thảo Luật đến đâu để đảm bảo vẫn thông thoáng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, hoạt động kinh doanh dịch vụ hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, nhưng vẫn đảm bảo có các hành lang pháp lý để quản lý.

Đại biểu cho rằng, dự thảo luật có tới 22 lần nhắc tới thuật ngữ “cơ quan có thẩm quyền” trong việc quyết định, yêu cầu, cho phép kiểm tra, kiểm soát, giám sát… Đây là khái niệm khá rộng, khiến các đối tượng chịu tác động của luật rất khó khăn và có thể hiểu không thống nhất, lúng túng trong quá trình thực hiện luật, đặc biệt có thể phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp tham gia hoạt động viễn thông, do vậy, cần cụ thể hóa ngay trong luật, từng điều khoản cụ thể.

 Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân phát biểu.

Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân phát biểu.

Tại phiên thảo luận, quy định về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích tại Điều 33 của dự thảo Luật cũng nhận được sự quan tâm góp ý của Đại biểu Quốc hội. Đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) cho rằng, mục tiêu quỹ là hỗ trợ cho người nghèo ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, xây dựng một số công trình hạ tầng viễn thông, nhằm giảm bớt sự chênh lệch về khoảng cách giữa các vùng miền, đáp ứng cam kết của Việt Nam về quản lý nhà nước dịch vụ viễn thông công ích khi tham gia Tổ chức thương mại thế giới, phù hợp với xu hướng của các nước, vì vậy cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Để đảm bảo tính hiệu quả của Quỹ, Đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo luật hóa các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện trong thời gian qua liên quan đến các nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, tăng tính hiệu quả của Quỹ, phân định rõ ràng từng dịch vụ viễn thông công ích, bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc sử dụng và quản lý quỹ, phù hợp với quy định của pháp luật; đồng thời xem xét mở rộng phạm vi của Quỹ thay vì sử dụng vì mục tiêu hỗ trợ như hiện nay.

 Đại biểu Sùng A Lềnh góp ý cho dự án Luật.

Đại biểu Sùng A Lềnh góp ý cho dự án Luật.

Cũng quan tâm đến Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, qua thảo luận tổ còn nhiều ý kiến khác nhau về tiếp tục duy trì, có ý kiến đề nghị bỏ quỹ này. Đại biểu cho rằng, cần đánh giá rõ ràng về hoạt động của quỹ thời gian qua nêu rõ ưu điểm và hạn chế, khó khăn, vướng mắc, từ đó có cơ sở điều chỉnh và sửa đổi. Đại biểu đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông giải trình thêm về nội dung này để Đại biểu Quốc hội nắm được thông tin về hoạt động của quỹ.

Tờ trình của Chính phủ đã nêu sẽ khắc phục những bất cập của việc triển khai hoạt động của quỹ trong giai đoạn trước, các chương trình trong giai đoạn sau sẽ xác định rõ mục tiêu hỗ trợ, quy định về đóng góp và giải ngân thực hiện theo nguyên tắc thu và chi tương ứng, chưa có nhiệm vụ chi thì không thu để tránh tổn thương quỹ. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nam cho rằng, đây chưa phải là giải pháp khả thi. Hơn nữa, quy định về Quỹ còn quá chung chung, vì vậy trước khi xác định việc có nên tiếp tục duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam hay không và quy định cụ thể trong luật như thế nào, đại biểu đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, báo cáo giải trình rõ hơn về hoạt động của Quỹ thời gian qua, để Đại biểu Quốc hội được rõ và đóng góp ý kiến cụ thể, rõ ràng hơn.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Góp ý quy định về Giấy phép viễn thông tại khoản 4 Điều 34 và Điều 38 của dự thảo luật, đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, chỉnh lý, tránh có sự trùng lặp về nội dung. Đại biểu nêu rõ, tại khoản 4 Điều 34 quy định: “Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền, điều kiện, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép viễn thông, yêu cầu chấm dứt hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông". Tuy nhiên, tại khoản 1, 2 và 3 Điều 38 của dự thảo Luật đã có quy định cụ thể về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông; hơn nữa, tại khoản 4 của Điều 38 lại quy định: “Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắc Nông) cho biết, khoản 25, Điều 3 của dự thảo Luật quy định: Phương tiện thiết yếu là bộ phận quan trọng của cơ sở hạ tầng viễn thông do một hoặc một số doanh nghiệp viễn thông sở hữu hoặc sở hữu phần lớn trên thị trường viễn thông và việc thiết lập mới bộ phận cơ sở hạ tầng này để thay thế. Nêu quan điểm về nội dung này, Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng quy định như vậy là không khả thi về kinh tế, kỹ thuật; đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu hơn đối với những nội dung sở hữu hoặc sở hữu phần lớn việc thiết lập mỗi bộ phận cơ sở hạ tầng này để thay thế là không khả thi về kinh tế kỹ thuật.

 Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung Chính phủ quy định việc xác định danh mục thị trường dịch vụ viễn thông nhà nước quản lý vì nội dung này đã được quy định tại Luật Canh tranh. Nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát quy định của dự thảo luật với các luật khác để đảm bảo cho tính đồng bộ của hệ thống pháp luật như Luật Công nghệ thông tin, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng, Luật giá…

Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu đề nghị có quy định chặt chẽ việc bảo mật thông tin cá nhân, ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông trong việc thu thập, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, tránh xảy ra lạm quyền.

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quy-dinh-chat-che-viec-bao-mat-thong-tin-ca-nhan-post252794.html