Quỹ đầu tư tư nhân đổ vào Việt Nam: Giải ngân tới 80 triệu USD/thương vụ

Theo ông Andy Ho, Tổng giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital, cách đây 5 – 15 năm, dòng vốn đầu tư tư nhân (Private Equity) giải ngân xấp xỉ 5 - 15 triệu USD/thương vụ nhưng bây giờ sẽ giải ngân từ 30 - 80 triệu USD/thương vụ.

Trao đổi tại Talkshow Phố Tài chính, ông Andy Ho - Tổng giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital phân tích: Private Equity có thể định nghĩa là đầu tư tư nhân, được chia làm 2 loại.

Loại thứ nhất, nhà đầu tư sẽ thẩm định về tài chính, về luật pháp, về vấn đề ESG, về văn hóa và môi trường, về quản trị doanh nghiệp. Sau đó, nhà đầu tư có thể thương lượng một số điều kiện đầu tư vào doanh nghiệp, tham gia vào HĐQT và ban điều hành. Loại thứ hai là thương lượng một số điều kiện để đầu tư vào một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trên sàn tương đối hấp dẫn ở Việt Nam.

Ông Andy Ho tại Talkshow Phố tài chính

“Hiện nay, 98% doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các đối tượng doanh nghiệp này cần một số vốn từ 10 - 50 triệu USD để phát triển, về doanh thu từ 20 - 30 %/năm hoặc lợi nhuận từ 15 – 25%/ năm đều đặn trong 3 - 4 năm. Theo kinh nghiệm của tôi, qua 15 – 20 năm vừa rồi, hoạt động đầu tư tư nhân Private Equity đã và đang phát triển tích cực tại Việt Nam”, ông Andy Ho cho biết.

Riêng VinaCapital, quỹ này đã đầu tư vào Công ty Hoàn Mỹ, Tập đoàn Hòa Phát và Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận từ trước khi những doanh nghiệp này lên sàn.

Các khoản đầu tư thường có giá trị từ 5 - 50 triệu USD để phát triển, xây dựng mạng lưới mới, ban điều hành mới hay nhà máy mới, giúp doanh nghiệp có vốn lưu động, qua đó tăng trưởng thị trường ra nước ngoài để bán hàng hóa hay dịch vụ.

Các doanh nghiệp được đầu tư sau đó sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán. Các nhà đầu tư chiến lược khác sẽ mua lại các khoản đầu tư tư nhân ban đầu. Các quỹ đầu tư tư nhân sau khi thoái vốn sẽ mang về một khoản lợi nhuận tốt để tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Đối với các doanh nghiệp đã niêm yết, cơ hội đầu tư Private vẫn còn. Khi đó, ông Andy Ho cho biết việc thẩm định doanh nghiệp không còn cần thiết vì việc niêm yết đã thỏa mãn tiêu chí minh bạch.

“Các nhà đầu tư sẽ mong muốn thương lượng một số điều kiện như cam kết tăng trưởng của doanh nghiệp trong 2 - 3 năm tới, cam kết cho nhà đầu tư tham gia vào HĐQT, ban điều hành… Nhà đầu tư sẽ giúp doanh nghiệp về mặt tài chính, chiến lược phát triển”, ông Andy Ho cho hay.

Theo ông, Private Equity sẽ tiếp tục phát triển tại Việt Nam, cơ hội đầu tư có rất nhiều. Hiện giờ quy mô đầu tư đã lớn hơn nhiều so với trước đây. Cách đây 5 – 15 năm, dòng vốn Private Equity giải ngân xấp xỉ 5 - 15 triệu USD/thương vụ nhưng bây giờ Private Equity sẽ giải ngân từ 30 - 80 triệu USD/thương vụ. Hiện nay, đa số dòng vốn Private Equity tập trung vào các doanh nghiệp từ 500 triệu USD vốn hóa trở xuống và tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận khoảng 20 – 30%/năm.

“Đối với các nhà đầu tư tư nhân Private Equity nước ngoài, tôi nói với họ rằng đầu tư tại Việt Nam phải có tầm nhìn dài hạn, nếu chỉ đầu tư 3 - 5 năm sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho doanh nghiệp. Chúng tôi không tạo ra áp lực để thoái vốn các doanh nghiệp mà sẽ tạo ra áp lực để doanh nghiệp phát triển kinh doanh trong thời gian đầu tư. Sau đó đưa doanh nghiệp lên sàn khi đạt được mức tăng trưởng 15 - 25% để nhiều nhà đầu tư khác có thể tham gia vào sự thành công của doanh nghiệp”, ông Andy Ho cho biết.

Ông Andy Ho tại Talkshow Phố tài chính

Hải Đường

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/quy-dau-tu-tu-nhan-do-vao-viet-nam-giai-ngan-toi-80-trieu-usdthuong-vu-20180504224297914.htm