Quy chuẩn đăng kiểm bất cập làm khó tàu thuyền nhỏ

Cần có cách quản lý chất lượng tiêu chuẩn kiểu 'ISO cho tàu thuyền nhỏ' để hoạt động đăng kiểm được dễ dàng hơn.

Bộ GTVT cho biết thời gian qua đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho đăng kiểm phương tiện thủy cỡ nhỏ.

Đăng kiểm thuyền nhỏ còn bất cập

Theo Luật Giao thông đường thủy nội địa, tàu thuyền nhỏ là phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính 5-15 mã lực hoặc có sức chở 5-12 người.

“Ở nước ta, tàu thuyền nhỏ gồm các tàu thuyền truyền thống, đánh cá, vận tải, vui chơi… rất đa dạng” - ông Đỗ Thái Bình, kỹ sư đóng tàu, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VN) (VISIA), hội viên Hội Đóng tàu SNAME (Mỹ), RINA (Anh), cho biết.

Cần có cách quản lý chất lượng tiêu chuẩn kiểu ISO cho tàu thuyền nhỏ. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Theo ông Bình, cần có một quan niệm, phương pháp tiếp cận mới trong việc quản lý chất lượng tàu thuyền nhỏ, không cứng nhắc, máy móc như khi đăng kiểm tàu lớn. Mới đây, sau thời gian khá dài nộp hồ sơ lên Cục Đăng kiểm VN, Công ty TNHH Du thuyền Việt Vietyacht đã phải cử cán bộ kỹ thuật cùng tư vấn lên trụ sở đăng kiểm để giải quyết lô hàng gồm chín thuyền do hãng Jeanneau chế tạo. Chín thuyền này đã được ICNN - một cơ quan thuộc Bộ GTVT Pháp cấp chứng chỉ với đủ số thân vỏ CIN (giống như số seri của ô tô).

Cán bộ đăng kiểm đã yêu cầu làm rõ chức năng của ICNN, thẩm quyền và hồ sơ kiểm tra của ICNN đối với từng sản phẩm. Hồ sơ ở đây được hiểu là theo kiểu tàu lớn, có đủ bản vẽ đường hình, thử tại bến… Trong khi đó, thủ tục kiểm tra này đã được nước bạn loại bỏ đối với những tàu nhỏ sản xuất hàng ngàn chiếc mỗi năm.

“Tôi nghĩ cần đưa ISO tàu thuyền nhỏ vào quá trình soạn thảo quy chuẩn, loại bỏ các quy chuẩn không phù hợp, tạo nên một hình dung mới trong việc đóng, sửa chữa và sử dụng tàu thuyền nhỏ” - ông Bình đề xuất.

Như vậy, các cách đóng và sửa tàu theo truyền thống sẽ được chấp nhận, việc định biên tài công cũng được chính thức chấp nhận, các vật liệu mới, các kiểu neo xích mới… dễ dàng được thông qua hơn với chuẩn ISO này.

Theo ông Bình, đặc điểm của ISO về tàu thuyền nhỏ là: Cơ quan cấp chứng chỉ là cơ quan quốc gia, không phải tổ chức dịch vụ kỹ thuật như các nơi đăng kiểm. Bộ tiêu chuẩn ISO gồm nhiều tiêu chí khác nhau, từ việc tính toán các chi tiết của tàu thuyền đến luôn cập nhật các tiến bộ trong ngành vật liệu (các loại composit làm thân vỏ, cửa, đồ nội thất…) và khoa học tính toán. Như vậy, ISO cho tàu thuyền nhỏ sẽ vừa đáp ứng thực tiễn các tàu thuyền truyền thống vừa theo kịp tiến bộ công nghệ thay đổi từng ngày hiện nay.

“Để thực hiện bước này, cần nghiên cứu các tổ chức đăng kiểm của nước bạn, làm sao cho tổ chức đăng kiểm trong nước thật tinh gọn, có đủ điều kiện để thu hút nhân tài về làm việc đúng với một cơ quan có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển hàng hải của cả nước” - ông Bình nói.

“Cần nghiên cứu các tổ chức đăng kiểm của nước bạn, làm sao cho tổ chức đăng kiểm trong nước thật tinh gọn.”

Tháo gỡ khó khăn cho đăng kiểm thuyền nhỏ

Thông tin trên website hồi đầu tháng 3, Bộ GTVT cho biết điều kiện hoạt động đối với phương tiện thủy nội địa đã được quy định từ Điều 24 đến Điều 28 của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Trong đó có quy định phương tiện phải được cơ quan có thẩm quyền đăng ký, đăng kiểm; khi đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện phải có hồ sơ thiết kế được cơ quan đăng kiểm thẩm định.

Việc đăng kiểm phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ hiện nay được quy định tại QCVN 25:2015/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm giám sát kỹ thuật và đóng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ. Trong đó có yêu cầu hồ sơ thiết kế là điều kiện bắt buộc để làm cơ sở cho cơ quan đăng kiểm đánh giá, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thông qua việc tính toán, so sánh với các giá trị kỹ thuật quy định.

Liên quan tới công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, thời gian qua Bộ GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân. Đồng thời, bộ cũng chỉ đạo Cục Đăng kiểm VN rà soát, hướng dẫn các cơ sở đóng tàu, chủ phương tiện khắc phục vi phạm theo quy định tại khoản 6 Điều 19 Nghị định 139/2021.

Chủ phương tiện liên hệ đơn vị thiết kế để lập thiết kế, lập hồ sơ cho phương tiện đã đóng không có sự giám sát của đăng kiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 48/2015, được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Thông tư 16/2023 nhằm hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho người dân.

Về lâu dài, để tháo gỡ khó khăn đối với nội dung này, Bộ GTVT đã giao Cục Đăng kiểm VN thực hiện rà soát cập nhật, sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về hồ sơ thiết kế tại QCVN 25:2015/BGTVT. Hiện tại, Cục Đăng kiểm VN đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện để trình Bộ GTVT thực hiện các thủ tục ban hành trong thời gian tới.•

Giải điểm nghẽn cho đăng kiểm tàu thuyền

Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa năm 2024 vừa diễn ra tại TP.HCM, Bộ GTVT có đề cập các nhiệm vụ trọng tâm ngành đường thủy nội địa tập trung triển khai.

Trong đó, lưu ý đẩy mạnh công tác phối hợp với chính quyền địa phương, Cục Đăng kiểm VN sớm hình thành các cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện tại một số vùng, miền nhằm giải quyết điểm nghẽn trong công tác đăng kiểm phương tiện thủy hiện nay.

Trao đổi riêng với PV, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Chiến Thắng cho biết cục đang rà soát các quy phạm, quy chuẩn để hoàn thiện công tác đăng kiểm đồng bộ, tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất, đơn vị khai thác phương tiện thủy. Trong đó, cục tập trung phối hợp với các tỉnh, thành do các cơ sở đăng kiểm, đăng ký đều nằm ở các địa phương, có diện tích, cơ sở vật chất tại chỗ. Từ đó sẽ tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động đăng kiểm tàu thuyền trong thời gian qua.

PHONG ĐIỀN - HUY VŨ

Nguồn PLO: https://plo.vn/quy-chuan-dang-kiem-bat-cap-lam-kho-tau-thuyen-nho-post783270.html