Quý Châu Mao Đài: 'Cánh chim lạc' ở cường quốc công nghệ

Quý Châu Mao Đài là công ty sản xuất và bán đồ uống có cồn, được thành lập từ năm 1999 và nổi tiếng với sản phẩm rượu Mao Đài. Trải qua hơn 20 năm hoạt động, công ty vẫn duy trì được sức hút, có thời điểm còn vượt mặt tên tuổi 'sừng sỏ' như tập đoàn Tencent, để giữ vị trí thương hiệu hàng đầu tại Trung Quốc.

Điều gì khiến Quý Châu Mao Đài đáng quý?

Công ty Quý Châu Mao Đài được thành lập ngày 20/11/1999 và có trụ sở tại Nhân Hoài, Quý Châu, Trung Quốc. Các sản phẩm chính của công ty là các loại rượu trắng Mao Đài. Công ty hiện bán hơn 200 tấn Mao Đài cho hơn 100 quốc gia và khu vực trên thế giới. Loại rượu này có giá thành không hề rẻ, trung bình hơn 400 USD (hơn 9 triệu VND) cho 1 chai 500ml, hoặc thậm chí đáng giá gấp nhiều lần với các phiên bản giới hạn.

Thương hiệu này được xem như một biểu tượng đẳng cấp sang trọng. Một số khách hàng mua loại rượu này không phải để uống mà để sưu tập và giữ như một khoản đầu tư. Các phiên bản giới hạn được thu thập và trưng bày bởi các nhà đấu giá quốc tế như Christie’s, một số chai có thể bán được hơn 40.000 USD.

“Mao Đài đã tìm ra cách để có thể tiếp cận được nhiều người tiêu dùng thông thường, ít nhất là trong những dịp đặc biệt, đồng thời cũng cung cấp các mặt hàng sưu tập dành cho giới siêu giàu”, theo ông Ben Cavender, giám đốc điều hành của China Market Research Group có trụ sở tại Thượng Hải. “Bất cứ khi nào họ có sẵn hàng, nó sẽ gần như hết ngay lập tức. Bạn sẽ thấy mọi người kêu ca về điều này. Tôi nghĩ đó là điều khiến Mao Đài trở nên khác biệt so với rất nhiều thương hiệu nước giải khát quốc tế”, ông nói thêm.

Một trong những lợi thế lớn nhất của Mao Đài là khả năng giữ giá sản phẩm ở mức cao trong thời gian dài. Để làm được điều này, công ty tuyên bố năng lực sản xuất là hạn chế vì rượu chỉ có thể sản xuất ở một nơi.

Quý Châu Mao Đài được đặt tên theo một thị trấn nhỏ đẹp như tranh vẽ ở tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc. Giống như rượu sâm panh, xuất phát từ vùng cùng tên ở Pháp, thức uống này chỉ có thể được gọi là Mao Đài nếu nó được sản xuất tại địa điểm cụ thể đó. Theo Bảo tàng Mao Đài, các yếu tố môi trường, chẳng hạn như khí hậu của thị trấn và sự thay đổi theo mùa của nước sông địa phương, giúp mang lại hương vị độc đáo cho rượu và “có lợi cho quá trình sản xuất”.

Sự phát triển của nhà sản xuất rượu này đã làm thay đổi bô mặt Quý Châu, một trong những khu vực nghèo nhất Trung Quốc. Tính đến năm 2019, Mao Đài là thị trấn giàu có nhất ở miền tây Trung Quốc, theo thống kê thu nhập khả dụng từ chính quyền thành phố Nhân Hoài, tỉnh Quý Châu. Qi Wang, một người dân địa phương, cho biết điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu không có “gã khổng lồ” nước giải khát.

Hành trình “vô tiền khoáng hậu”

Mao Đài từ lâu đã được coi là một trong những cổ phiếu blue-chip của Trung Quốc. Năm 2017, công ty trở thành nhà sản xuất nước giải khát lớn nhất thế giới tính theo giá trị thị trường, vượt qua Diageo (DEO) có chủ sở hữu người Anh, Constellation Brands hay thậm chí cả Coca-Cola.

Năm 2019, Quý Châu Mao Đài cũng trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên kể từ năm 2005 có giá cổ phiếu đạt 1.000 NDT (khoảng 144 USD). Năm 2020, Quý Châu Mao Đài đã trở thành công ty không thuộc lĩnh vực công nghệ có giá trị nhất ở Trung Quốc, vượt qua 4 ngân hàng lớn nhất đất nước. Cũng trong năm này, cổ phiếu công ty tăng vọt gần 70% lên mức cao kỷ lục. Thời điểm này, công ty được định giá tới 2.700 tỷ NDT, tương đương 421 tỷ USD, có giá hơn cả Toyota, Nike và Disney.

Hao Hong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại BOCOM International, nhận định không có đòn bẩy nào sau đà tăng của cổ phiếu Mao Đài. Theo ông, đơn giản là hầu hết mọi người nhận thấy khả năng sinh lời mạnh mẽ và không có nợ của công ty này.

Trong báo cáo doanh thu quý I/2023, lợi nhuận ròng của công ty đạt 20,79 tỷ NDT (3 tỷ USD). Doanh thu tăng 29% lên 39,38 tỷ NDT, nâng lợi nhuận hoạt động lên 28,69 tỷ NDT từ mức 24,03 tỷ NDT ghi nhận một năm trước đó.

Các mục tiêu kinh doanh của Quý Châu Mao Đài trong năm nay bao gồm việc duy trì mức tăng tổng thu nhập hoạt động khoảng 15% so với năm trước. Đánh giá từ báo cáo quý, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng 20% đã củng cố kỳ vọng lạc quan của thị trường. Đặc biệt là tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận ròng, kể từ quý II năm 2021, Quý Châu Mao Đài đã đạt hiệu suất tăng trưởng hai con số trong 8 quý liên tiếp.

Nghịch lý tồn tại ở cường quốc công nghệ?

Tháng 9/2022, Quý Châu Mao Đài vượt qua gã khổng lồ công nghệ Tencent để trở thành công ty có thị giá lớn nhất Trung Quốc với tổng mức vốn hóa hơn 300 tỷ USD. Công ty cũng được xếp hạng là thương hiệu có giá trị nhất tại quốc gia tỷ dân trong cùng 1 năm. Điều này khiến Quý Châu Mao Đài trở thành một “nghịch lý” tồn tại ở một quốc gia nổi tiếng về phát triển công nghệ như Trung Quốc.

Xét một cách khách quan, danh hiệu “công ty vốn hóa lớn nhất Trung Quốc” đến với Mao Đài trong thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Trong khi Tencent và nhiều gã khổng lồ công nghệ khác phải chịu nhiều thiệt thòi từ khi chính quyền Bắc Kinh cải tổ sâu rộng trên toàn ngành, kết hợp với việc đại dịch Covid-19 hoành hành, Quý Châu Mao Đài lại tìm được cách giữ chân những khách hàng siêu giàu của mình và khiến họ tin rằng sưu tầm một chai Mao Đài đặc biệt có thể giữ giá hơn nhiều so với các cổ phiếu công nghệ. Và dù nói gì đi nữa, cũng không thể phủ nhận sự tồn tại vững chắc của Quý Châu Mao Đài tại thị trường có tính cạnh tranh cao như Trung Quốc là một điều kỳ diệu, dù về góc độ lịch sử, hay kinh tế.

Mao Đài - Quốc tửu Trung Quốc

Trong triều đại nhà Thanh (1644–1911), Mao Đài trở thành loại rượu đầu tiên của Trung Quốc được sản xuất quy mô lớn với sản lượng hàng năm là 170 tấn. Đây là loại rượu mạnh với nồng độ cồn lên tới 53%, hay còn được gọi là “nước lửa”. Rượu Mao Đài được đặt tên theo thị trấn ở Nhân Hoài, tỉnh Quý Châu, nơi chưng cất rượu có lịch sử rất lâu đời.

Rượu Mao Đài ngày nay có nguồn gốc từ thời nhà Thanh và lần đầu tiên nổi tiếng quốc tế khi giành được huy chương vàng tại Triển lãm Panama-Thái Bình Dương năm 1915 ở San Francisco. Ngoài ra, Mao Đài cũng được coi là rượu quốc gia vào năm 1951, hai năm sau khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Rượu Mao Đài là loại rượu ưa thích của cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và thường được gọi là “rượu ngoại giao”, được sử dụng trong các dịp chính thức, trong các bữa tiệc chiêu đãi nguyên thủ quốc gia nước ngoài và các vị khách quý đến thăm Trung Quốc.

Đây là đồ uống có cồn duy nhất được các đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài và các khu vực tặng quà chính thức. Loại rượu này được người Trung Quốc tuyên bố là một trong ba loại rượu mạnh nổi tiếng nhất thế giới (cùng với rượu whisky và rượu cognac) và do đó được tặng cho tất cả các vị khách chính thức của nhà nước.

Rượu Mao Đài được làm từ hỗn hợp cao lương đỏ được sản xuất tại địa phương (một loại ngũ cốc nhỏ giàu tannin), lúa mì và nước. Rượu 100% hữu cơ mà không cần thêm bất kỳ chất phụ gia nhân tạo nào. Từ việc lựa chọn nguyên liệu cho đến khi cung cấp thành phẩm, chu kỳ sản xuất rượu mất 5 năm, trải qua không dưới 30 quy trình và 165 thủ tục khác nhau.

Quỳnh Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/quy-chau-mao-dai-canh-chim-lac-o-cuong-quoc-cong-nghe-20180504224284789.htm