Quốc tế nổi bật: NATO sẽ không bảo vệ Mỹ?

Cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng NATO sẽ không đến giải cứu nếu Mỹ bị tấn công, mặc dù Washington là thành viên chủ chốt của liên minh.

Ông Trump: NATO sẽ không bảo vệ nếu Mỹ bị tấn công

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump

Theo Điều 5 của Hiến chương NATO, một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một quốc gia thành viên NATO cũng được coi là một cuộc tấn công nhằm vào tất cả các quốc gia thành viên còn lại. Tuy nhiên, ông Trump cho biết ông không trông chờ vào việc các đồng minh sẽ gấp rút bảo vệ Mỹ trong trường hợp bị tấn công.

Trong và sau nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump từng nhiều lần chỉ trích NATO, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Ông từng gây tranh cãi khi tuyên bố vào năm 2017 rằng NATO đã "lỗi thời". Sau đó, ông liên tục chỉ trích Đức và các đồng minh khác của Mỹ vì không chi tiêu đủ cho ngân sách quốc phòng.

Nhiều nước tạm dừng tài trợ cho cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine

Nhân viên Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA) phân phát đồ tiếp tế ở Rafah, Gaza, ngày 12/12/20223. Ảnh: AFP

9 quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Italy, Hà Lan, Thụy Sĩ, Phần Lan, Australia và Canada đã tạm dừng tài trợ cho Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc. Trước tình hình này, Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc cho biết đã điều tra và sa thải một số nhân viên bị Israel cáo buộc, tuy nhiên khẳng định việc hỗ trợ nhân đạo cho người dân tại dải Gaza không thể bị trì hoãn.

Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt cho EU

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak. Ảnh TASS

Nga sẵn sàng thảo luận về việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho Liên minh châu Âu khi thỏa thuận quá cảnh với Ukraine hết hạn vào cuối năm 2024, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết hôm thứ Bảy.

Theo thỏa thuận 5 năm giữa Moscow và Kiev vào năm 2019, Nga xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thông qua Ukraine và trả phí cho Ukraine để sử dụng mạng lưới đường ống của nước này.

Thỏa thuận vẫn tiếp tục bất chấp cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, mặc dù việc cung cấp khí đốt của Nga tới châu Âu đã giảm kể từ đó.

Nga và Iran hoàn tất thỏa thuận 20 năm

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong cuộc gặp ở Tehran vào ngày 19/7/2022. Ảnh: SPUTNIK/AFP

Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei mới đây đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận hợp tác toàn diện mới có thời hạn 20 năm giữa nước này và Nga. Thỏa thuận mới có thời hạn 20 năm giữa Iran và Nga có thể thay đổi cục diện của Trung Đông, Nam Âu vì Iran sẽ có tầm ảnh hưởng quân sự được mở rộng hơn nhiều.

Thỏa thuận 20 năm đã được trình lên để ông Khamenei xem xét vào ngày 11/12 năm ngoái. Nó sẽ thay thế thỏa thuận 10 năm được ký vào tháng 3/2001 (gia hạn hai lần, trong 5 năm) và đã được mở rộng không chỉ về thời gian mà còn về phạm vi và quy mô, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng và năng lượng.

Phần Lan bắt đầu cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên kể từ khi gia nhập NATO

Cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb. (Nguồn: Shutterstock)

Ngày 28/1, cử tri Phần Lan đã đến các địa điểm bỏ phiếu để bầu ra vị tổng thống mới trong bối cảnh Tổng thống đương nhiệm Sauli Niinisto sắp kết thúc nhiệm kỳ sáu năm lần thứ hai và cũng là cuối cùng của mình. Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy cựu Thủ tướng Alexander Stubb thuộc đảng Liên minh Quốc gia trung hữu cầm quyền và cựu Ngoại trưởng, thành viên đảng Xanh Pekka Haavisto dẫn đầu nhóm 9 ứng cử viên tổng thống.

Đây sẽ là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của Phần Lan với tư cách là nước thành viên NATO. Nhiều khả năng vị tổng thống tiếp theo của Phần Lan sẽ tiếp tục đường lối chính trị của ông Niinisto trong các vấn đề châu Âu và xuyên Đại Tây Dương.

Cam kết đặc biệt của Mỹ về Nga cho Ukraine

Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal cho biết quốc gia của ông đang nỗ lực làm việc với Mỹ để đảm bảo nguồn tài trợ của Washington cho Kiev trong năm 2024.

Thủ tướng Shmygal khẳng định Mỹ đã cam kết với Ukraine rằng tài sản của Nga bị đóng băng ở phương Tây sẽ bị tịch thu và sử dụng để tái thiết Ukraine sau khi xung đột Nga - Ukraine kết thúc, theo đài RT ngày 27-1.

Mỹ và đồng minh đã phong tỏa khoảng 300 tỉ USD tài sản thuộc Ngân hàng Trung ương Nga nhằm đáp trả hoạt động quân sự của Moscow ở Ukraine. Khoảng 200 tỉ USD trong số này được giữ ở Liên minh châu Âu (EU).

Iran lần đầu tiên phóng thành công cùng lúc 3 vệ tinh

Tên lửa đẩy 2 tầng Simorgh mang theo 3 vệ tinh rời bệ phóng tại địa điểm không xác định ở Iran ngày 28/1/2024. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Truyền thông nhà nước Iran đưa tin, ngày 28-1, nước này đã lần đầu tiên phóng thành công cùng lúc 3 vệ tinh, sử dụng tên lửa đẩy 2 tầng Simorgh (Phoenix) do Bộ Quốc phòng phát triển.

Cụ thể, một vệ tinh nặng 32kg cùng 2 vệ tinh nhỏ, mỗi vệ tinh có trọng lượng dưới 10kg đã được phóng lên quỹ đạo tối thiểu 450km so với mặt đất. Vệ tinh lớn nhất có tên gọi Mahda do Cơ quan Vũ trụ Iran phát triển, được phóng đi nhằm kiểm tra độ chính xác của tên lửa Simorgh trong việc phóng cùng lúc nhiều thiết bị. Trong khi đó, hai vệ tinh nhỏ hơn có nhiệm vụ kiểm tra kết nối băng thông hẹp và công nghệ định vị.

Xuân An (t/h)

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/quoc-te-noi-bat-nato-se-khong-bao-ve-my-116499.htm