Quốc hội bàn chuyện đổi tên tòa án: Nhiều vấn đề chưa thông suốt

Các đại biểu có quan điểm trái chiều về đề xuất đổi tên gọi các tòa án, trong đó có vấn đề tòa án phúc thẩm nhưng vẫn xét xử sơ thẩm.

Thảo luận tại nghị trường về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) chiều 22-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có hai luồng ý kiến trái chiều khi góp ý cho quy định về tổ chức tòa án.

Khoản 1 Điều 4 dự thảo luật quy định: “Tổ chức của TAND bao gồm TAND Tối cao, TAND Cấp cao, TAND phúc thẩm, TAND sơ thẩm, TAND sơ thẩm chuyên biệt và tòa án quân sự”. Như vậy, một trong những thay đổi cơ bản là TAND cấp huyện, cấp tỉnh hiện nay sẽ được thay bằng TAND sơ thẩm và phúc thẩm.

“Bình mới, rượu cũ”

Nêu ý kiến, ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre), ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận xét sự thay đổi này chỉ là “bình mới, rượu cũ”.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi và đại biểu Lê Xuân Thân nêu quan điểm về đề xuất đổi tên tòa án. Ảnh: QH

Theo ĐB Yến Nhi, tờ trình của TAND Tối cao nói sự thay đổi này nhằm mục đích bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử. Tuy nhiên, nghiên cứu về cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các điều luật, bà thấy “không khác gì nhiều so với luật hiện hành”. Các tòa án này vẫn được tổ chức và có thẩm quyền theo địa hạt tương ứng với các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện…

“Có một chi tiết nghe rất vô lý là TAND cấp phúc thẩm nhưng vẫn xét xử sơ thẩm” - bà Nhi nhận xét.

Nữ ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm, nếu cần phải đổi mới thì phải đổi mới một cách toàn diện và thực chất; nếu chưa đủ điều kiện, tính khả thi thì nên giữ như quy định hiện hành.

Bổ sung, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng tòa án cần phải gắn liền với các đơn vị hành chính các cấp. Quy định như dự thảo không tương thích với các cơ quan tư pháp như VKS, thi hành án, công an.

Trong khi đó, ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) thì cho rằng quy định trên khắc phục được tình trạng “có nhận thức cho rằng tòa án là một cơ quan hành chính thuộc địa phương”. Tuy nhiên, ĐB Hằng đề nghị dự thảo cần có sự điều chỉnh toàn diện, phù hợp với định hướng phát triển lâu dài.

Không nên lùi nữa

Ngược với luồng ý kiến trên, nhiều ĐB thể hiện sự ủng hộ với quy định mới này của dự thảo. ĐB Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) viện dẫn Nghị quyết 27 của Trung ương về nhà nước pháp quyền, Hiến pháp năm 2013 và khẳng định quy định này sẽ “góp phần mạnh mẽ vào việc khắc phục những hạn chế trong thực tiễn xét xử của tòa án”. Hạn chế này, theo bà Hà, là tình trạng coi tòa án như một cơ quan thuộc địa phương, từ đó dẫn đến những khó khăn cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của tòa án.

“Đây không chỉ là sự thay đổi về tên gọi của tòa án, vì tên gọi sẽ thể hiện cả hình thức tổ chức và nội dung thẩm quyền” - bà Hà nói.

Cũng theo nữ ĐB, dù TAND phúc thẩm vẫn còn nhiệm vụ xét xử sơ thẩm một số loại vụ việc nhưng “chúng ta đang thực hiện một cách có lộ trình để bảo đảm khả thi và hiệu quả”.

Cụ thể, cùng với việc chuyển thẩm quyền xét xử sơ thẩm một số loại vụ việc đặc thù sang cho TAND sơ thẩm chuyên biệt cũng như định hướng tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho TAND sơ thẩm trong tương lai, TAND phúc thẩm sẽ chỉ tập trung vào xét xử các loại vụ việc theo thủ tục phúc thẩm.

ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhận định việc đổi mới tuy có thể phát sinh chi phí do phải điều chỉnh tên gọi, thay đổi con dấu nhưng vì lợi ích lâu dài, vì sự phát triển của hệ thống tòa án và sự thúc đẩy mạnh mẽ của tiến trình cải cách tư pháp nhưng “cần thiết phải thực hiện bước đi đầu tiên” này.

“Nếu chúng ta thấy khó, chúng ta bảo thôi, chưa phải lúc thì có lẽ còn lâu mới có thể thực hiện được việc độc lập xét xử theo thẩm quyền của tòa án” - ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) nêu quan điểm.

Ông Lê Xuân Thân đề nghị “không lùi nữa” nhưng cần đưa vào dự thảo những nội dung cụ thể hơn. Đáng chú ý, ĐB này đặt vấn đề sửa thẩm quyền của tòa án trong các luật tố tụng dân sự, hành chính và hình sự; riêng hình sự không sửa thẩm quyền của VKS và cơ quan điều tra. Ông cũng kiến nghị lập tòa án sơ thẩm không theo địa giới hành chính trên cơ sở tổng kết, đánh giá và xem xét lại hệ thống của tòa án cấp huyện hiện nay, đồng thời tập trung nâng cao năng lực xét xử sơ thẩm của tòa án sơ thẩm.

“Không thể có việc tòa phúc thẩm (TAND cấp tỉnh hiện nay) lại vừa xét xử sơ thẩm vừa xét xử phúc thẩm như hiện nay” - ĐB tỉnh Khánh Hòa đề nghị xây dựng một lộ trình thực hiện việc này, “trong vòng 3-4 năm, tập trung sức thì chúng ta sẽ làm được”.

“Tôi tha thiết đề nghị nên nghiên cứu lại phương án thành lập tòa án khu vực, 2-3 huyện gộp lại, như thế chúng ta vừa tập trung được nguồn lực, nhân lực và cải thiện được vị trí xét xử từ cấp sơ thẩm và phúc thẩm” - ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), người gắn bó lâu năm với ngành tòa án, đề nghị.

Theo ông Tạo, hiện có thẩm phán xử 1-2 vụ/tháng nhưng có một số thẩm phán phải xử đến hơn 30 vụ/tháng, trong khi nguồn nhân lực đầu tư rất dàn trải, đặc biệt ở địa bàn vùng núi, miền cao.

Không phải chỉ là câu chuyện đổi tên

“Từ Hiến pháp năm 1946, Bác Hồ lập tòa án đã tổ chức theo thẩm quyền xét xử, việc này đúng bản chất của tòa án không phải chỉ là câu chuyện đổi tên” - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình ở cuối phiên thảo luận. Ông cũng nhấn mạnh dự thảo lần này phải thể chế hóa Nghị quyết 27 về nhà nước pháp quyền.

“Còn tòa án khu vực như ĐB đề nghị thì xin phép QH là chưa đặt ra” - ông Bình nói.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: QH

Trước băn khoăn của ĐB về việc vì sao tòa phúc thẩm vẫn xử sơ thẩm, ông Bình thông tin thực tế ở nhiều nước, tòa án tối cao vẫn xử sơ thẩm, không phải chỉ tòa án phúc thẩm xử sơ thẩm.

“Gọi là tòa án phúc thẩm hay sơ thẩm, đấy là nhiệm vụ chính yếu. Chủ yếu xử sơ thẩm gọi là sơ thẩm, chủ yếu xử phúc thẩm gọi là phúc thẩm. Một số nước, tùy theo Luật Tòa án tối cao, những vụ án xử tổng thống, thủ tướng, ĐBQH hay bộ trưởng, người ta giao cho tòa án tối cao. Tuy vậy, người ta vẫn gọi là tòa án tối cao chứ không gọi là tòa án sơ thẩm” - ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-hoi-ban-chuyen-doi-ten-toa-an-nhieu-van-de-chua-thong-suot-post763129.html