QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 29/3/2024

'Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương hội đàm với Phó Chủ tịch Thượng viện Ba Lan; Dự kiến chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội thảo 'Lấy ý kiến chuyên gia về sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp'; Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố thực hiện chương trình giám sát tại địa phương;...' là những hoạt động đáng chú ý của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày 29/3/2024.

* Chiều 29/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An để nghe báo cáo về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Trên cơ sở gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, tại buổi làm việc các đại biểu đã tập trung cho ý về căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý, thời điểm ban hành Nghị quyết; rà soát các nội dung chính sách dự kiến trình Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu bám sát Nghị quyết số 39-NQ/TW là có cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; cùng với đó bảo đảm các chính sách thể hiện được tính đặc thù riêng biệt, đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội; chú trọng tính hợp lý, khả thi của chính sách.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐẢNG ĐOÀN QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY NGHỆ AN

* Phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, nhấn mạnh mục tiêu việc đã làm tốt rồi phải làm tốt hơn nữa, một số việc chưa tốt phải làm tốt, một số mặt hạn chế phải khắc phục, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong thời gian tới, tiếp tục quán triệt vị trí, vai trò, ý nghĩa của Đoàn đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội để mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội gắn với tăng cường hoạt động, nâng cao chất lượng của đại biểu Quốc hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: MỞ RỘNG VÀ NÂNG CAO HƠN NỮA CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI GẮN VỚI TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

* Tiếp tục chương trình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Ba Lan, ngày 28/3 theo giờ địa phương, tại Trụ sở Quốc hội Ba Lan, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã hội đàm với Phó Chủ tịch Thượng viện Ba Lan Michal Kaminski.

Cám ơn sự đón tiếp trọng thị, nồng hậu và sắp xếp thời gian làm việc với Đoàn của ngài Phó Chủ tịch Thượng viện, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ với Ba Lan, đồng thời cho biết, tại buổi hội đàm với Phó Chủ tịch Hạ viện ngày hôm trước, 2 Phó Chủ tịch đã trao đổi về quan hệ hai nước và các biện pháp nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG HỘI ĐÀM VỚI PHÓ CHỦ TỊCH THƯỢNG VIỆN BA LAN

* Theo dự kiến chương trình, Phiên họp chuyên đề pháp luật Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 01 đến 02/4/2024 tại Nhà Quốc hội. Trong 02 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tới đây. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu dự kiến Chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

* Ngày 29/3, tại Bình Thuận, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Tài chính phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (Đức) tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến chuyên gia về sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp”.

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; đề nghị cần xác định rõ nguyên tắc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp bảo đảm tách bạch rõ chức năng quản lý, đầu tư vốn của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, bảo toàn, hiệu quả, công bằng, thị trường, linh hoạt và công khai, minh bạch.

Xem nội dung chi tiết tại đây: LẤY Ý KIẾN SỬA ĐỔI LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ VÀO SẢN XUẤT, KINH DOANH TẠI DOANH NGHIỆP

* Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng vẫn còn những hạn chế, bất cập đòi hỏi cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của Thạc sỹ Chu Thị Thanh Hương - Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội) về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công chứng”.

Xem nội dung chi tiết tại đây: GÓC NHÌN: NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG CHỨNG

* Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả, tạo sự đồng bộ, thống nhất, đưa công tác giải trình đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã đề xuất một số giải pháp thiết thực, trong đó nhấn mạnh cần quán triệt sâu rộng tinh thần và nội dung của Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15, coi trọng chức năng giám sát và xây dựng thể chế, cơ chế phù hợp; đồng thời thường xuyên nghiên cứu, đổi mới phương thức tổ chức, điều hành phiên giải trình, đảm bảo dân chủ, khoa học, bám sát nội dung liên quan đến vấn đề đưa ra giải trình.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CÔNG TÁC GIẢI TRÌNH ĐI VÀO NỀN NẾP GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

* Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 tới đây. Quan tâm đến nhiều vấn đề của Dự án Luật, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người lao động.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN TÍNH ƯU VIỆT CỦA CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

* “Các chính sách về hỗ trợ cho các đơn vị và người lao động của Ngành Y tế đều theo chính sách chung, chưa quan tâm đến mức độ, vai trò, đặc thù của Ngành Y tế…,” là một trong những tồn tại, hạn chế được đại diện Bộ Y tế nêu rõ tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển KT- XH.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHÍNH SÁCH VỀ HỖ TRỢ CHO ĐƠN VỊ VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG NGÀNH Y TẾ CHƯA QUAN TÂM TỚI ĐẶC THÙ CỦA NGÀNH

* Bàn về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) chuẩn bị được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần làm rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật, rà soát các quan hệ đặc thù trong hoạt động lưu trữ để có được cơ chế pháp lý riêng, phù hợp trong Luật Lưu trữ, nhất là những giới hạn thực hiện quyền dân sự cần phải có trong hoạt động lưu trữ

Xem nội dung chi tiết tại đây: SỬA ĐỔI LUẬT LƯU TRỮ: CẦN LÀM RÕ NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT

* Theo TS.Nguyễn Văn Hợi, Trường Đại học Luật Hà Nội, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) ghi nhận nhiều điểm khác biệt so với Luật Công chứng năm 2014. Tuy nhiên, trong những điểm sửa đổi và những điểm mà dự thảo kế thừa của Luật Công chứng năm 2014 vẫn còn một số vấn đề chưa thực sự phù hợp với các văn bản pháp luật khác, đặc biệt là Bộ luật Dân sự năm 2015.

Xem nội dung chi tiết tại đây: SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG CHỨNG: QUY ĐỊNH TẠI DỰ THẢO CẦN BẢO ĐẢM THỐNG NHẤT VỚI BỘ LUẬT DÂN SỰ

* “Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng…” là một trong những tồn tại, hạn chế được đại diện Ngân hàng Nhà nước nêu rõ tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển KT- XH.

Xem nội dung chi tiết tại đây: KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ LÃI SUẤT CÒN THẤP, CHƯA ĐẠT NHƯ KỲ VỌNG

* Dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ nguyên tắc tiếp cận để quản lý bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường nước tạo điều kiện để xây dựng một kế hoạch tổng hợp thực hiện quản lý hệ thống nước bền vững cho Tp.Hà Nội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI) CẦN LÀM RÕ NGUYÊN TẮC ĐỂ QUẢN LÝ BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

* Sáng 29/3, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn (Tổ giám sát số 1) thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023” tại huyện Ba Bể. Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh chủ trì.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, Huyện Ba Bể có nhiều trục đường bộ đi qua như: Quốc lộ 279, tỉnh lộ 253, tỉnh lộ 258, tỉnh lộ 258B, tỉnh lộ 257B... với tổng chiều dài hơn 190km và các tuyến đường liên xã khác. Công tác đảm bảo TTATGT có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, huyện luôn quan tâm và chỉ đạo sát sao việc đảm bảo TTATGT trên địa bàn, nhằm kiềm chế và giảm thiểu TNGT trên cả ba tiêu chí “số vụ, số người chết, số người bị thương”, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn huyện.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC KẠN GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TẠI BA BỂ

* Phát biểu tại Lễ phát động thi đua kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2026), Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, Tuyên Quang quyết tâm hưởng ứng mạnh mẽ các nội dung thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TUYÊN QUANG HƯỞNG ỨNG PHONG TRÀO THI ĐUA "KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN" BẰNG NHIỀU VIỆC LÀM THIẾT THỰC

* Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024 diễn ra mới đây, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang luôn chủ động đổi mới tư duy và phương thức thực hiện các nhiệm vụ và đề xuất 02 đề nghị nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trong năm 2024.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ GIANG ĐỀ XUẤT 02 ĐỀ NGHỊ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG TRONG NĂM 2024

* Nâng cao chất lượng các ý kiến góp ý xây dựng luật, nghị quyết và tích cực, chủ động thảo luận, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng tại diễn đàn của Quốc hội đã góp phần để hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai ngày càng sôi nổi, thiết thực và hiệu quả.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH LÀO CAI: SÔI NỔI THAM GIA Ý KIẾN TẠI CÁC KỲ HỌP QUỐC HỘI

* Theo dõi sát sao, giám sát đến cùng các vấn đề và nghiên cứu kỹ lưỡng các văn bản, đưa ra những câu hỏi ngắn gọn, xác đáng, đi thẳng trọng tâm - đó là phương pháp làm việc của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nói chung và của Đoàn Lâm Đồng nói riêng tại các kỳ họp Quốc hội. Từ đó, đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa cử tri với Quốc hội, mặt khác nhiều nội dung Đoàn ĐBQH kiến nghị đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của cử tri tỉnh Lâm Đồng.

Xem nội dung chi tiết tại đây: NHỮNG CHUYỂN BIẾN SAU KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG

Thế Hà

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85781