Quốc gia tiêm chủng ít nhất EU trước nguy cơ bị biến thể Delta nhấn chìm

Bên ngoài một bệnh viện công ở thị trấn Veliko Tarnovo, phía bắc Bulgaria, y tá trưởng của trung tâm tiêm chủng đã chia sẻ về một thực tế đáng buồn của người dân nơi đây: 'Họ không tin vào vaccine'.

Một người đàn ông kéo bình ôxy bên ngoài một bệnh viện công ở Veliko Tarnovo, Bulgaria hôm 2/9. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, Bulgaria là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất trong 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và đang phải đối mặt với sự bùng phát của làn sóng Delta lây nhiễm nhanh hơn. Mặc dù vậy, người dân sống tại quốc gia Balkan này đang tỏ ra do dự nhất trong khối 27 nước EU về việc tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19.

Cho đến nay, chỉ có 20% người trưởng thành trong tổng số 7 triệu dân ở Bulgaria, đã được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ tiêm chủng thấp đã khiến quốc gia này đứng cuối trong bảng xếp hạng tiêm vaccine của EU, khu vực có trung bình 69% dân số đã tiêm chủng đầy đủ.

Bà Yordanka Minekova, y tá trưởng phòng tiêm chủng, người đã làm việc tại bệnh viện Veliko Tarnovo suốt 35 năm, cho biết: “Chúng tôi mở cửa hàng ngày. Nhưng những người muốn tiêm chủng thì rất ít”.

Krasimira Nikolova, một nhân viên nhà hàng 52 tuổi, quyết định không tiêm vaccine. Nikolova nói rằng bà nghi ngờ về hiệu quả của các loại vaccine hiện có.

“Tôi không tin vaccine hiệu quả. Các bệnh viện vẫn có đầy người chưa được tiêm chủng. Tôi đã mắc COVID-19 rồi. Tôi không nghĩ rằng căn bệnh này nguy hiểm đến vậy. Tôi có một số vấn đề sức khỏe khác và nếu COVID-19 nguy hiểm đến mức đó, có lẽ tôi đã chết rồi”, bà nói.

Yordanka Minekova, y tá trưởng phòng tiêm chủng cầm một lọ vaccine Pfizer. Ảnh: AP

Tuy nhiên, Sibila Marinova, quản lý đơn vị chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Veliko Tarnovo, cho biết tất cả 10 giường bệnh trong phòng ICU đều đã kín chỗ. Cô ấy cảm thấy tức giận khi có quá nhiều người Bulgaria từ chối tiêm vaccine COVID-19.

“100% bệnh nhân trong phòng ICU chưa được tiêm chủng”, cô cho biết và nói thêm rằng tình trạng thiếu nhân viên đang gây áp lực lớn cho các y bác sĩ.

Bulgaria có quyền sử dụng tất cả 4 loại vaccine đã được EU phê duyệt, bao gồm Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson. Nhưng kể từ khi đại dịch bùng phát, đã có ít nhất 19.000 người Bulgaria mắc COVID-19 không qua khỏi, tỷ lệ tử vong cao thứ 3 của EU, chỉ sau Cộng hòa Séc và Hungary. Tuần trước, Bulgari ghi nhận trung bình 41 người chết mỗi ngày.

Chiến dịch tiêm chủng thất bại của Bulgaria có nguy cơ đẩy hệ thống chăm sóc y tế vốn mong manh của nước này rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng.

Để đối phó với tình hình này, chính phủ đã áp đặt các hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt hơn vào hôm 8/9. Theo đó, các nhà hàng và quán cà phê phải đóng cửa trước 11 giờ đêm, mỗi bàn chỉ được giới hạn 6 khách. Các câu lạc bộ đêm phải tạm dừng hoạt động, rạp chiếu phim cũng như nhà hát đều bị giới hạn sức chứa. Các sân thể thao ngoài trời chỉ hoạt động giới hạn ở mức 30% công suất.

Bộ trưởng Y tế Stoycho Katsarov tuyên bố: “Tỷ lệ tiêm chủng thấp buộc chúng tôi phải áp đặt các biện pháp này”.

Mọi người đi bộ trong hành lang tại bệnh viện Veliko Tarnovo, Bulgaria hôm 2/9. Ảnh: AP

Mặc dù nằm trong nhóm tuổi dễ bị tổn thương, Zhelyazko Marinov, 71 tuổi, cho biêt ông không muốn tiêm phòng: “Tôi nghĩ mình đủ khỏe mạnh và có khả năng miễn dịch tự nhiên tốt”.

Ông Marinov đã nghe được nhiều thông tin về vaccine trên TV và Facebook, nhưng nói rằng ông chỉ đi tiêm phòng nếu điều đó là bắt buộc: “Nếu tôi bị tước đi một số quyền và sự tự do, tôi mới đi tiêm phòng. Chẳng hạn, tôi không được đi du lịch nếu không có giấy chứng nhận đã tiêm chủng”.

Mariya Sharkova, một chuyên gia luật y tế công cộng, cho rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp đến mức đáng lo ngại của Bulgaria là do những thông tin sai lệch về vaccine COVID-19, bất ổn chính trị và chiến dịch tiêm chủng chưa hiệu quả. Ở Bulgaria, chỉ những loại vaccine bắt buộc - chẳng hạn như vaccine sởi, quai bị và rubella - mới có tỷ lệ tiêm chủng cao. Cho đến nay, quốc gia này vẫn không có bất kỳ chiến dịch nào giúp người dân tin tưởng vào hiệu quả của vaccine COVID-19

“Ở Bulgaria, nhiều người vẫn tin vào các thuyết âm mưu và tin giả. Chúng tôi không có bất kỳ chiến dịch cung cấp thông tin thực tế nào về vaccine. Bộ Y tế chủ yếu dựa vào các thông báo trên trang web của bộ. Tôi không nghĩ rằng người dân sẽ biết và đọc nó”, Sharkova nói.

Trước cổng bệnh viện Veliko Tarnovo, Bulgaria. Ảnh: AP

Hriska Zhelyazkova, một sĩ quan quân đội 67 tuổi sống tại thành phố biển Burgas, nói rằng ông không tin tưởng vào vaccine vì “chúng được tạo ra quá nhanh”.

“Tôi nghĩ rằng cơ thể tôi sẽ ổn nếu tôi nhiễm virus. Tôi đã đọc thông tin trên mạng và tham khảo ý kiến của các nhà virus học”, ông nói.

Quay lại bệnh viện Veliko Tarnovo, các bức vẽ của trẻ em tuyên truyền về hiệu quả của việc tiêm vaccine được treo khắp tường. “Các bạn là siêu anh hùng của chúng tôi”, chú thích trên một bức tranh viết.

Bức tranh với chú thích: "Chúng ta sẽ đánh bại COVID-19" được treo ở hành lang tại bệnh viện Veliko Tarnovo, Bulgaria. Ảnh: AP

Nhưng y tá Minekova vẫn tỏ ra không lạc quan về tương lai tươi sáng của Bulgaria khi chỉ có rất ít người đi tiêm chủng.

“Bằng cách nào đó, tôi nghĩ rằng đã quá muộn. Thời điểm thích hợp đã bị bỏ lỡ. Tôi chưa thấy bất kỳ biện pháp nào vào lúc này có thể giải quyết vấn đề”.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo AP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/quoc-gia-tiem-chung-it-nhat-eu-truoc-nguy-co-bi-bien-the-delta-nhan-chim-20210908163514233.htm