Quê hương cách mạng Cao Bằng mãi nhớ Đại tướng

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng có thời gian hoạt động tại Cao Bằng với những dấu mốc lịch sử quan trọng. Suốt thời gian sống, chiến đấu ở mảnh đất biên cương này, Đại tướng đã được nhân dân hết lòng quý mến, giúp đỡ, bảo vệ. Cho đến bây giờ, khi Đại tướng đã đi xa, nhân dân Cao Bằng vẫn mãi yêu quý hình bóng, nhân cách cao đẹp của Người.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng, bên trái) chủ trì lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) vào ngày 22-12-1944. Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng, bên trái) chủ trì lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) vào ngày 22-12-1944. Ảnh: Tư liệu

Tìm về quê hương cách mạng - xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, tôi gặp được ông Dương Mạc Thăng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, hiện sống ở xóm Pắc Hai, xã Minh Tâm. Ông Thăng là con trai của ông Dương Mạc Thạch, bí danh Xích Thắng, nguyên Chính trị viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong câu chuyện về bố mình, ông Thăng trân trọng nhắc tới Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những người đã giác ngộ, bồi dưỡng, dìu dắt bố, mẹ ông đi theo con đường cách mạng của Đảng. Đặc biệt, ông nhớ như in những câu chuyện về Đại tướng do bố mẹ ông kể lại.

Chuyện về những ngày đầu hoạt động cách mạng tại Cao Bằng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một cuốn phim tư liệu hiện ra qua lời kể của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng: “Năm 1941, đồng chí Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ về châu Hòa An, Nguyên Bình để tuyên truyền, vận động và mở các lớp huấn luyện cán bộ. Đại tướng hoạt động ở Tam Kim và sống ở nhà tôi. Trong thời gian này, mẹ tôi chính là người chăm sóc, giúp đỡ Đại tướng và các đồng chí hoạt động cách mạng.

Để tránh sự phát hiện của địch, trong vai một thầy đồ người Kinh lên miền ngược dạy học, đồng chí Võ Nguyên Giáp mở lớp bồi dưỡng chính trị cho các đồng chí tham gia hoạt động cách mạng, có cả cán bộ cốt cán của tỉnh Cao Bằng và cán bộ Trung ương. Lớp học tổ chức trong 1 tuần, trong hang đá gần nhà tôi. Mẹ tôi là người tiếp tế lương thực, thực phẩm.

Để đảm bảo an toàn, bí mật, việc tiếp tế lương thực phải tuân theo quy định, có ám hiệu rõ ràng. Nếu hòn đá đặt trên hốc đá gần hang úp xuống có nghĩa là yên tâm đã có lương thực, hòn đá ngửa lên là có nguy hiểm. Hồi đó, mẹ tôi phải giã gạo ở nhiều nơi để tránh bị địch nghi ngờ. Từ nhà tôi đi lên chỗ hang đá khoảng 300m. Mỗi lần mang gạo, thịt cho các đồng chí cách mạng, mẹ tôi phải ngụy trang rất kỹ. Bà phải giấu gạo dưới đáy thúng, bên trên trải những thứ khác làm như đang đi làm nương ngô...”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, năm 1994. Ảnh: Tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, năm 1994. Ảnh: Tư liệu

Chấp hành Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chủ trì thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của QĐND Việt Nam.

Ngay sau khi thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân giành thắng lợi trong 2 trận đầu ra quân đánh đồn Phai Khắt và Nà Ngần trong 2 ngày 25 và 26-12-1944. Chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh thắng trận đầu, đánh liên tục và "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" của QĐND Việt Nam.

Trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nữa ghi dấu ấn lịch sử trên mảnh đất Cao Bằng. Với vai trò là Bí thư Đảng ủy mặt trận và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch, Đại tướng đã chỉ huy quân ta kiên cường chiến đấu và giành chiến thắng lớn ở Đông Khê. Bị mất Đông Khê, quân địch từ Thất Khê lên ứng cứu đã bị ta đánh chặn và tiêu diệt, quân địch ở Cao Bằng vội vã rút chạy cũng bị ta bao vây, tiêu diệt và bắt sống cả chỉ huy của hai cánh quân này. Chiến dịch Biên giới 1950 thắng lợi, Cao Bằng hoàn toàn giải phóng.

Ngước nhìn bức tượng Đại tướng đặt trang trọng trên bàn thờ, ông Thăng chậm rãi nói: “Mẹ tôi kể Đại tướng có dáng người nho nhã, thư sinh, sống giản dị và gần gũi, rất yêu quý bà con ở những nơi mình sống và hoạt động cách mạng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đại tướng đã biết nói tiếng Tày, Mông để giao tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số”.

Sau này, ông Thăng và người mẹ của mình có điều kiện gặp Đại tướng nhiều lần và được coi như người trong gia đình. Bà Nông Thị Yêm, mẹ ông Thăng có dịp thuận lợi là gửi những món quà quê dân dã thăm Đại tướng. Ngược lại, mỗi lần gặp ông Thăng, Đại tướng đều gửi lời hỏi thăm sức khỏe những người trong gia đình ông Thăng và tình hình kinh tế, đời sống bà con các dân tộc ở Nguyên Bình.

Đường lên hang đá tại xã Minh Tâm - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí hoạt động cách mạng gặp mặt, hội họp. Ảnh: Bích Nguyên

Đường lên hang đá tại xã Minh Tâm - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí hoạt động cách mạng gặp mặt, hội họp. Ảnh: Bích Nguyên

Thời gian hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Cao Bằng không nhiều, nhưng mảnh đất này đã trở nên thân thương. Từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở lại thăm Cao Bằng 5 lần. Trong lần về thăm cuối cùng, năm 1994, Đại tướng thăm lại khu rừng Trần Hưng Đạo, trò chuyện thân mật với người dân nơi đây. Đại tướng hỏi thăm đồng bào thân mật bằng tiếng Tày: “Đồng bào có khỏe không?”. Mọi người đã vô cùng xúc động.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học - thực tiễn: Bác Hồ với Cao Bằng, tháng 12-1994, Đại tướng khẳng định: “Tôi lên thăm Cao Bằng cũng như là về quê hương thứ hai, cũng như về nhà, bởi vì trong nhiều năm sống và làm việc, chiến đấu bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Cao Bằng, nhân dân Cao Bằng, tình cảm của tôi đối với Cao Bằng cũng như là tình cảm của tôi đối với bản thân quê hương của tôi hay là quê hương Nghệ Tĩnh". Câu nói giản dị này đã nói lên tất cả tình cảm chân thành nhất của Đại tướng dành cho quê hương Cao Bằng.

Còn người dân Cao Bằng mỗi lần nhớ Đại tướng lại tới Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo thắp nén tâm hương tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/que-huong-cach-mang-cao-bang-mai-nho-dai-tuong-post443005.html