Quế hoa trăm tuổi trên đất Pha Long

Tại khu rừng cấm Lao Táo thuộc thôn Pha Long 2, xã Pha Long (huyện Mường Khương) có cây quế hoa (mộc hương) hàng trăm năm tuổi, lặng lẽ nép mình dưới tán các loài cây khác.

Trong một chuyến công tác ở vùng cao Pha Long, chúng tôi may mắn được anh Lù Văn Đức, thôn Pha Long 2, xã Pha Long tiết lộ thông tin về cây mộc hương trăm tuổi ẩn mình trong khu rừng cấm Lao Táo. Anh Đức bảo, cây mộc hương ấy rất lớn, chu vi gốc đạt gần 1 mét, đến mùa hoa nở thơm ngát cả một vùng. Hằng năm, duy nhất dịp lễ cúng rừng, người dân trong vùng lại đến “xin giống” từ gốc mộc hương già về trồng trong vườn nhà. Thời gian qua, có nhiều hộ bán được những cây mộc hương với giá hàng chục triệu đồng. Bản thân anh Đức cũng đang trồng 2 nhánh (3 năm tuổi) từ cây mộc hương trong rừng cấm của thôn.

Thông tin anh Đức tiết lộ đã khơi dậy tính tò mò trong chúng tôi về nguồn gốc của “cụ” mộc hương. Qua lời giới thiệu của anh Đức, chúng tôi tìm gặp ông Lù Chẩn Hảo, sinh năm 1964, để giải mã bí ẩn về “cụ” mộc hương trong rừng cấm Lao Táo. Ông Hảo được cho là người biết nhiều thông tin, là một trong số ít người thuộc thế hệ đầu biết trồng mộc hương và cũng là người sở hữu trong tay cả chục cây mộc hương trên 30 năm tuổi.

Trước khi kể chuyện về cây mộc hương, ông Hảo cùng cán bộ địa chính xã Pha Long và anh Đức dẫn chúng tôi vào khu rừng cấm để tận mắt thấy cây mộc hương trăm tuổi. Cây mộc hương già có chu vi thân hơn 60 cm, cao khoảng 5m, khiêm nhường nép mình dưới tán rừng vầu và gỗ tạp. Mặc dù thân mộc hương già chằng chịt những vết sẹo, vết lũa khoét sâu vào tận lõi nhưng cành lá vẫn xanh tốt. Ngoài thân hiện tại, gốc mộc hương già còn có một nhánh lớn đã gãy và nhiều nhánh nhỏ đâm ra từ gốc. Nếu tính nhánh bị gãy, chu vi gốc mộc hương này đạt hơn 1 m, người dân cho rằng cây có ở đây hàng trăm năm.

“Đây là dòng mộc hương hoa vàng rất quý nhưng đáng tiếc, thời điểm này hoa mộc hương đã hết đợt. Nếu không, cây mộc hương sẽ nở hoa thơm ngát, có thể ngửi thấy mùi hương từ cách xa hàng chục mét”, ông Hảo cho biết.

Trở về căn nhà nhỏ cách khu rừng cấm Lao Táo vài trăm mét, ông Hảo pha ấm trà mộc hương tiếp chúng tôi. Sau làn hơi thơm của ly trà mộc hương, câu chuyện về nguồn gốc của khu rừng cấm Lao Táo theo giọng trầm ấm của ông Hảo cứ thế đưa chúng tôi bước vào khám phá: Sở dĩ khu rừng cấm có tên Lao Táo bởi trước đây khu rừng thuộc thôn Lao Táo (nay sáp nhập vào thôn Pha Long 2). Rừng cấm vốn thuộc khu đất của tổ tiên tôi khai phá từ khi lập làng hàng trăm năm trước, sau đó trở thành rừng chung của cả cộng đồng. Đến nay, khu rừng cấm này vẫn nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tôi và em trai. Cây mộc hương này không biết có từ bao giờ nhưng luôn được bảo vệ vì thuộc khu rừng cấm linh thiêng.

Nhấp ngụm trà mộc hương với hương thơm thoang thoảng dễ chịu, ông Hảo tiếp lời: Người già trong thôn từng kể lại, “cụ” mộc hương nơi rừng cấm được một thầy giáo dạy chữ nho qua bên kia biên giới xin giống về trồng từ hàng trăm năm trước. Tuy nhiên, tên người thầy giáo dạy chữ nho này và thời gian trồng cây mộc hương thì không ai còn nhớ. Năm 1979, nhánh lớn của cây mộc hương to hơn cái phích đã bị gãy trong một trận pháo kích của địch. Gốc mộc hương khi đó chỉ còn nhánh nhỏ bằng cái đũa, thân chằng chịt vết thương. Bằng một “phép màu” nào đó, nhánh mộc hương đã kiên cường sống và trở thành cây có chu vi thân hơn 60 cm hiện nay. Có lẽ những vết thương cùng thuốc súng trong trận pháo kích năm đó đã âm ỉ ăn sâu vào lõi, khiến nhiều phần thân cây bị thối, vết thối vào tận lõi như hiện nay. Không biết “cụ” mộc hương này có thể trụ đến khi nào?

Theo ông Hảo, ngoài gốc mộc hương già trong khu rừng cấm, nhiều năm trước, tại thôn Pha Long 2 và một số thôn khác trong xã Pha Long, có nhiều cây mộc hương thân to như cái phích nhưng do nhiều người không biết giá trị của cây nên đã chặt bỏ. Những cây mộc hương hàng chục năm tuổi trong vườn nhà người dân thôn Pha Long 2 đa số có nguồn gốc từ cây mộc hương già của rừng cấm Lao Táo.

Nói rồi, ông Hảo dẫn chúng tôi đi ngắm hàng mộc hương trên 30 năm tuổi của gia đình. Trong số 10 cây mộc hương trên 30 năm tuổi, có hơn một nửa là những cây con được ông Hảo tách ra từ cây mộc hương trong rừng cấm, nhiều cây đã đạt chu vi gốc từ 30 - 40 cm.

“Hoa mộc hương có mùi thơm nhẹ nhàng, êm dịu nhưng độ lan tỏa rất xa. Những cây mộc hương này cho rất nhiều hoa, đặc biệt thời điểm tháng 8 đến 9 dương lịch hằng năm. Khi đó, cả khu vực Lao Táo thoang thoảng mùi mộc hương, rất dễ chịu. Năm nào tôi cũng lấy một ít hoa về ướp với trà để thưởng thức trong cả năm”.

Ông Lù Chẩn Hảo, thôn Pha Long 2, xã Pha Long.

Từ những cây mộc hương đầu tiên, ông Hảo đã chiết, giâm cành, nhân giống ra hàng chục cây mộc hương để trồng trong vườn nhà. Hiện ông Hảo đang sở hữu tổng cộng khoảng 30 cây mộc hương lớn nhỏ, chưa kể những cây đã bán khi có người chơi cây cảnh hỏi mua. Mới đây, ông Hảo bán 4 cây mộc hương với giá 18 triệu đồng.

Vài chục năm trước, trong thôn chỉ có vài người biết đến giá trị để trồng mộc hương trong vườn nhà, số hộ sở hữu cây mộc hương trên 30 năm tuổi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vài năm trước, khi mộc hương lên “cơn sốt”, nhiều hộ trong thôn như các ông Lùng Duy Mìn, Lù Chẩn Tải, Thền Duy Thưởng… đã bán được những cây mộc hương với giá hàng chục triệu đồng. Số tiền bán mộc hương giúp các hộ sắm sửa vật dụng phục vụ sinh hoạt và chi tiêu trong gia đình.

“Đến nay, tuy không còn là cơn sốt nhưng cây mộc hương hàng chục năm tuổi vẫn có giá trị rất cao, được nhiều người săn lùng. Điển hình như 3 cây mộc hương có chu vi gốc từ 30 - 40 cm của gia đình ông Thền Duy Thưởng đã có người trả giá hơn 100 triệu đồng nhưng ông Thưởng chưa bán” - ông Hảo nói về giá trị của những cây mộc hương.

Theo ông Hảo và những người may mắn sở hữu những cây mộc hương hàng chục năm tuổi trên đất Pha Long, nhờ “cụ” mộc hương trong rừng cấm Lao Táo được giữ gìn và “cho giống tốt” nên nhiều hộ đã có thêm thu nhập không nhỏ từ loại cây này. Họ cũng nhận định, mộc hương khó có thể trở thành cây trồng đại trà nhưng chắc chắn việc trồng và chăm sóc mộc hương sẽ mang đến những giá trị tốt trong tương lai. Đặc biệt, ai ai cũng khẳng định cây mộc hương trăm tuổi trong rừng thiêng Lao Táo sẽ được người dân bảo vệ nghiêm ngặt bởi giá trị về lịch sử, về nguồn gen quý và giá trị kinh tế mà cây đã mang lại cho người dân nơi đây.

Trở về trong sự tiếc nuối vì chưa được thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của mộc hương trên đất Pha Long, chúng tôi ngỏ lời hẹn với ông Hảo và anh Đức về mùa mộc hương năm sau sẽ trở lại thăm cây mộc hương trăm tuổi, khám phá vẻ đẹp khi cây đến kỳ trổ hoa và thưởng thức mùi hương êm dịu của giống mộc hương quý trên vùng đất biên cương của Tổ quốc.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/que-hoa-tram-tuoi-tren-dat-pha-long-post379499.html