Quanh việc Kpop có thần tượng Việt

Những ngày đầu năm, một số trang báo giật tít 'Idol Việt Hanbin gây nổ mạng xã hội - leo top 1 xu hướng thế giới'… rồi 'Ngày ra mắt của Hanbin cùng TEMPEST đang đến rất gần, cùng chờ đón!'. Sự kiện ngoài chứng tỏ tài năng và may mắn của thần tượng đến từ Việt Nam thì cơ bản thể hiện thành công bước đầu trong chiến lược tiến sâu thị trường Việt của đơn vị quản lý.

Hanbin tên thật Nguyễn Ngọc Hưng (sinh năm 1998 ở Yên Bái) chính thức trở thành thành viên của nhóm nhạc TEMPEST thuộc công ty Yuehua Entertainment sẽ có sản phẩm ra mắt trong thời gian tới.

Mới ngày nào Hưng còn là sinh viên Trường ĐH Thương mại dẫn dắt một nhóm nhảy ở phố đi bộ Hà Nội. Hưng tham gia chương trình I-land rồi trở thành thực tập sinh tại Hybe. Anh trở thành thực tập sinh duy nhất được lên sân khấu trình diễn vào chương trình tổng kết năm bên cạnh BTS, TXT, GFriend, NU'EST… với màn thể hiện gây ấn tượng.

Nửa năm trước, Hanbin đã rời Hybe chuyển sang công ty mới và có được màn chào sân ấn tượng như bây giờ dù mới chỉ bằng hình ảnh. Hanbin là “nam thần tượng” người Việt đầu tiên tham gia Kpop. Tháng 9/2021, nhóm Beauty Box thuộc Công ty BY-U Entertainment trình làng đĩa đơn đầu tiên. Nhóm gồm 6 thành viên trong đó hai người Hàn, hai Nhật, một Thái Lan và một đại diện Việt Nam là Trâm Anh. Tuy nhiên, MV Rat a tat tại kênh YouTube của nhóm đến nay cũng chỉ đạt gần 141 ngàn lượt xem.

Nhóm nhạc Beauty Box với thành viên đa quốc tịch bao gồm Việt Nam

Kpop dùng khái niệm thần tượng thay cho ca sĩ hoặc nghệ sĩ như một bảo chứng cho việc nổi tiếng xuyên quốc gia ngay khi mới lộ diện. Dĩ nhiên chừng nào nghệ sĩ còn thuộc sự quản lý của các công ty nắm trong tay công nghệ lăng xê toàn cầu. Kpop và làn sóng Hàn Quốc thành công cũng vì đã tạo nên một thương hiệu cũng như quy trình tạo hiệu quả có thể áp dụng ở bất cứ đâu. Nhiều người trẻ khắp các nước mong được trở thành sao Kpop, người Hàn cũng sẵn sàng chìa tay nâng đỡ.

Trước đây xác suất để được ký hợp đồng thực tập sinh rồi được ra nghề cũng hiếm hoi như trúng số độc đắc, nhưng có vẻ tỷ lệ chọi giờ không cao đến thế. Vì tuổi thọ của các thần tượng khá ngắn, luôn luôn có những nhóm nhạc mới ra đời. Theo một thống kê từ 2015, một năm có tới 60 nhóm nhạc thần tượng ra mắt với tổng số 324 người. Sự đào thải không ngừng cùng chiến lược mở rộng thị trường, luôn có cửa cho các tài năng nước ngoài.

Hình ảnh ra mắt của Hanbin

Thị trường 90 triệu dân của Việt Nam là động lực lớn khiến các hãng đẩy mạnh việc tìm kiếm tài năng. Trước Trâm Anh từng có Jade (tên thật Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc) xuất hiện cùng nhóm nhạc A-Daily từ 2014 nhưng nhanh chóng tan rã. Cùng năm đó, Hàn Quốc tổ chức cuộc tìm kiếm tài năng quy mô tại Việt Nam là Ngôi Sao Việt, đưa một số thí sinh nổi bật sang Hàn đào tạo. Mặc dù sau đó không ai trụ lại với Kpop nhưng cuộc thi cũng là bệ phóng cho một số tên tuổi vẫn đang hoạt động ở Việt Nam bao gồm Soobin Hoàng Sơn.

Từ 20 năm nay, thứ Bảy nào cũng có một hàng người dài xếp trước cửa văn phòng hãng SM để thử vận may. Gần đây truyền thống này tạm dừng do COVID-19, nhưng họ vẫn tuyển qua Zoom. Nên nhớ trong quãng thời gian đó cũng chỉ có 7 thần tượng được ra mắt là Heechul (Super Junior), Yoona (SNSD), Taemin (SHINee), Seulgi (Red Velvet), Haechan và Jungwoo (NCT) và Giselle (aespa).

Giờ đây các bạn trẻ không phải chờ thêm một cuộc thi nào được tổ chức. Kpop luôn sẵn sàng chào đón các tài năng đa quốc tịch. Một trang mạng đã thống kê các cuộc thi tuyển định kỳ bao gồm hình thức trực tuyến. Chẳng hạn Hybe- công ty đào tạo Hanbin- chiêu mộ nam giới sinh sau 2003 muốn trở thành ca sĩ, diễn viên, người mẫu-chỉ cần đăng ký kèm video thể hiện tài năng gửi qua trang web. Nếu bạn trúng tuyển, hai tuần sau sẽ nhận được thông báo. Công ty YG cũng đang tìm kiếm tài năng về hát, rap và nhảy cho tới hết năm 2030 mà không có giới hạn về giới tính, quốc tịch hoặc độ tuổi. Độ tuổi cho phép đăng ký thi tuyển với JYP là từ 12 đến 25 cho các lĩnh vực hát, nhảy, rap, diễn xuất, người mẫu.

Sau khi trúng tuyển, thực tập sinh còn phải trải qua giai đoạn đào tạo hành xác, có khi kéo dài cả chục năm được ăn cả ngã về không. Có thần tượng thú nhận bản thân không biết mua sắm trực tuyến hay chuyển tiền, vì thời gian trong ngày dành hết cho việc múa hát rồi còn đâu. Vì vậy nếu không được ra mắt, họ sẽ gặp khó khăn để chuyển đổi nghề nghiệp. Chưa kể còn có những trường hợp thực tập sinh bị những công ty không ra gì bắt phải “tiếp khách”. Và nếu vì thế mà thực tập sinh phá bỏ hợp đồng thì họ có thể phải đền từ 100 đến 150 triệu won.

Tuy vậy, từ 2017, Ủy ban Thương mại Công bằng của Hàn Quốc đã đứng ra xem xét các hợp đồng thực tập sinh của các công ty nhằm ngăn chặn những giao dịch kiểu bắt chẹt này. Thời gian đào tạo thực tập sinh cũng được ấn định không quá 3 năm.

Có thể thấy việc mở rộng quốc tịch thần tượng Kpop đã trở thành chiến lược quốc gia để làn sóng Hàn (Hallyu) tiếp tục được đẩy mạnh trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, không phải ở đâu nó cũng được chào đón. Từ 2016, Trung Quốc bắt đầu có những động thái hạn chế sự lấn lướt của Hallyu. Nhóm BTS lưu diễn tại 26 thành phố trên toàn thế giới nhưng không đến được Trung Quốc. Tháng 9 năm nay, mạng Weibo khóa tài khoản của 21 fanclub Kpop với lý do để chấn chỉnh văn hóa hâm mộ có thể tác động xấu đến trật tự xã hội…

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tổ chức những chương trình thi tuyển rầm rộ chiêu mộ tài năng từ nhiều nước khác. Họ còn chủ động bước vào cuộc chơi qua con đường kinh doanh. Hanbin hoạt động trong môi trường Kpop nhưng thực chất do công ty Trung Quốc có chi nhánh tại Hàn quản lý. Yuehua cũng sở hữu những ngôi sao Trung như Vương Nhất Bác, Phạm Thừa Thừa...

N.M.Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quanh-viec-kpop-co-than-tuong-viet-post1407279.tpo