Quảng Trị quy hoạch tu bổ di tích Dinh chúa Nguyễn hơn 500 ha

Tỉnh Quảng Trị sẽ nghiên cứu quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các điểm di tích liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn trên địa bàn huyện Triệu Phong.

Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vừa ký phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi Di tích lịch sử quốc gia "Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558-1626)".

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch tại hai xã Triệu Ái, Triệu Giang và thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong) với diện tích 513 ha. Phạm vi lập quy hoạch 33,34 ha; trong đó khu vực bảo vệ di tích là 9,92 ha, khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích 23,43 ha.

Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đối với các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn. Ảnh: LĐO

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo, phục hồi các yếu tố mang thuộc tính lịch sử gốc của di tích; đồng thời tạo ra một không gian lưu niệm lịch sử nhằm tôn vinh tưởng niệm về thời kỳ lịch sử của Chúa Nguyễn.

Đồng thời, tạo ra định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích cho khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II; định hướng cho hoạt động khai thác du lịch cho vùng ngoại biên kết nối và lan tỏa.

Thông qua quy hoạch này xác định các nhóm dự án thành thành, nhóm được ưu tiên đầu tư trong hai giai đoạn trung hạn 2023 - 2025, 2026 - 2030 và tầm nhìn đến 2050.

Nội dung, nhiệm vụ lập quy hoạch bao gồm: nghiên cứu, đánh giá về yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên; xác định đặc trưng, nhận diện yếu tố cấu thành, những hạn chế, khó khăn và các vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích; xác định quan điểm, mục tiêu dài hạn và ngắn hạn; đề xuất nội dung về định hướng quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích; định hướng phát triển du lịch bền vững…

UBND tỉnh Quảng Trị giao UBND huyện Triệu Phong chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các sở, ban, ngành liên quan tổ chức lập và trình duyệt đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi Di tích lịch sử quốc gia "Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn".

Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ tại xã Triệu Giang là một trong những điểm Di tích lịch sử quốc gia Chúa Nguyễn. Ảnh: Báo Quảng Trị

Dân làng Trà Liên, xã Triệu Giang tổ chức Lễ rước tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ vào đền thờ

Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được xem là khai quốc công thần, người có nhiều công lao giúp chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp

Trước đó, ngày 20/6/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đối với "Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn".

Đây là loại hình di tích lịch sử khảo cổ, bao gồm 3 địa điểm dinh phủ của chúa Nguyễn Hoàng và chúa Nguyễn Phúc Nguyên gồm Dinh Ái Tử, Dinh Trà Bát và Dinh Cát cùng các địa điểm liên quan như: Miếu Trảo Trảo (thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong), Tàu Tượng, Mô Súng, Cồn Kho, Chợ Hôm, Cồn Tập (xã Triệu Ái), Gềnh Phủ Phước Châu, Bãi Trận (xã Triệu Giang).

Dấu mốc trong quá trình khai phá, mở mang bờ cõi

Theo tư liệu lịch sử, tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558) Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông cử vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Từ đây, ông bắt đầu đứng chân trên vùng đất Ái Tử - Trà Bát thuộc huyện Vũ Xương, châu Thuận (nay là xã Triệu Ái và Triệu Giang, huyện Triệu Phong).

Trong thời gian 68 năm, từ năm 1558 đến 1626, Chúa Nguyễn Hoàng đã có 3 lần dựng đặt thủ phủ/dinh thự/dinh trấn của mình tại 3 địa điểm trên đất Ái Tử - Trà Bát: Ái Tử (1558- 1570), Trà Bát (1570- 1600) và Cát Dinh (1600 - 1626). Những sự kiện trong giai đoạn lịch sử này đã đánh một dấu mốc hết sức quan trọng trong quá trình Nam tiến và khai phá xứ Đàng Trong của người Việt.

Nguyễn Hoàng và các thế hệ Chúa Nguyễn tiếp nối đã hoàn thành công cuộc khai phá, mở mang bờ cõi, hình thành nên một nước Việt Nam rộng lớn, bao gồm cả đất liền, hải đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, một Việt Nam hoàn chỉnh như ngày hôm nay.

Tuy nhiên, do trải qua một thời gian dài của lịch sử với gần 500 năm trên một vùng đất vốn chịu nhiều biến động do các cuộc chiến tranh vệ quốc, sự khắc nghiệt của thời tiết... đã xóa nhòa những dấu tích, những di sản văn hóa một thời từng là “thủ phủ” của một triều đại vốn đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình lịch sử.

Vì thế, những vấn đề cốt lõi về thực chất của mục đích, ý đồ các lần di dời thủ phủ/dinh trấn trên một địa thế chưa đầy 2 km2 thuộc vùng cát Ái Tử - Trà Bát vẫn còn là những ẩn số chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Vị trí, diện mạo, quy mô, vị thế, vai trò của ba dinh trấn Ái Tử, Trà Bát và Cát Dinh trên thực tế không chỉ là những đồn binh nặng về bố phòng quân sự mà còn là những trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, xã hội sôi động một thời vẫn chưa được làm sáng tỏ…

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quang-tri-quy-hoach-tu-bo-di-tich-dinh-chua-nguyen-hon-500-ha-post241890.html