Quảng Ninh 'nóng' vấn đề đuối nước, trẻ em bị xâm hại

Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa 14, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra từ ngày 10 - 12/7 nhiều vấn đề 'nóng' đã được đưa ra chất vấn.

Quang cảnh kỳ họp. (Ảnh: Đỗ Phương)

Quang cảnh kỳ họp. (Ảnh: Đỗ Phương)

Tình trạng học sinh đuối nước gia tăng

Giám đốc Sở LĐTB&XH Quảng Ninh, ông Nguyễn Hoài Sơn thừa nhận, tình hình trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích (TNTT) và đuối nước, trẻ em bị xâm hại tại Quảng Ninh có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp.

6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Quảng Ninh có 21 trẻ em tử vong do TNTT (tăng 4 trẻ so với cùng kỳ năm 2022), đuối nước 15 trẻ (tăng 2 trẻ so với cùng kỳ năm 2022).

Đối với trẻ em bị xâm hại, từ ngày 15/12/2022 - 14/6/2023, toàn tỉnh phát hiện 20 vụ, 22 trẻ em bị xâm hại (17 nữ, 5 nam), tăng 4 vụ, tăng 5 trẻ em bị xâm hại so với cùng kỳ. Trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục là 15 trẻ, tăng 5 trẻ so với cùng kỳ năm 2022.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Quảng Ninh lý giải nguyên nhân của thực trạng trên do đặc điểm địa hình với bờ biển trải dài, nhiều ao, suối, đập, hồ, nên thường trực nguy cơ đuối nước. Sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin và các trang mạng xã hội thiếu sự kiểm soát.

Trẻ em và người lớn dễ dàng tiếp cận với thông tin độc hại. Trẻ em có nhận thức chưa đầy đủ, ít khả năng tự vệ nên dễ bị xâm hại, nhất là trẻ em sống trong gia đình khuyết thiếu, hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quan tâm của cha mẹ.

Nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý Nhà nước trong bảo vệ chăm sóc trẻ em chưa thật sự hiệu quả. Gia đình chưa quan tâm đến con em đúng cách, chưa quản lý, giáo dục, chưa nắm bắt được tâm tư tình cảm của con em mình để trẻ yêu đương, quan hệ sớm hoặc bị lạm dụng, xâm hại.

Về phía trẻ em, nguyên nhân hàng đầu tử vong đuối nước là do trẻ không biết bơi (chiếm 60%). Trẻ em bị xâm hại do chưa có nhận thức đầy đủ, ít khả năng tự vệ nên dễ bị xâm hại.

“Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp bố trí tăng nguồn lực hàng năm cho công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống TNTT, đuối nước, phòng chống xâm hại trẻ em.

Chỉ đạo các sở, ngành phối hợp hoàn thiện để ban hành kế hoạch, đề án dạy bơi cứu đuối cho trẻ em trong cộng đồng, trường học trong năm 2023. Phát động chương trình xây dựng, ủng hộ bể bơi cho em. Mục tiêu từ năm 2024, cơ sở vật chất đủ dạy bơi cho khoảng 15.000 trẻ em/năm”, Giám đốc Sở LĐTB&XH Quảng Ninh cam kết.

100% trẻ em Quảng Ninh biết bơi vào năm 2025?

Ông Nguyễn Đình Nhân, tổ đại biểu Cẩm Phả nói, cùng với ngành LĐTB&XH, ngành GD&ĐT có trách nhiệm trong công tác phòng, chống TNTT trẻ em trong trường học, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về phòng, chống TNTT trẻ em, góp phần xây dựng trường học an toàn trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngành Giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường dạy bơi cho học sinh, tổ chức giải bơi cho học sinh.

Đại biểu Nguyễn Đình Nhân, tổ đại biểu Cẩm Phả, chất vấn. (Ảnh: Đỗ Phương)

Đại biểu Nguyễn Đình Nhân, tổ đại biểu Cẩm Phả, chất vấn. (Ảnh: Đỗ Phương)

Tình trạng đuối nước vẫn diễn ra, có chiều hướng gia tăng là vấn đề cần lo lắng.

Ông Nhân đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết trách nhiệm của ngành Giáo dục trong chủ trì, phối hợp với các ngành, chức năng, địa phương đối với công tác này trong các nhà trường được thực hiện như thế nào? Trong thời gian tới ngành sẽ ưu tiên những giải pháp cụ thể nào để giảm thiểu tình trạng trên?

Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Thúy cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ phòng chống TNTT cho trẻ em.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Thúy trả lời chất vấn. (Ảnh: Đỗ Phương)

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Thúy trả lời chất vấn. (Ảnh: Đỗ Phương)

Đầu mỗi năm học, Sở GD&ĐT Quảng Ninh đều ban hành hướng dẫn nhiệm vụ công tác phòng, chống đuối nước trong nội dung hướng dẫn nhiệm vụ năm học công tác giáo dục thể chất, thể thao trường học.

Tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức kỹ năng cho cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường về phòng chống TNTT, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh…

“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đúng như đại biểu nhận định thì tình trạng đuối nước vẫn diễn ra, có chiều hướng gia tăng vào năm nay, khi chưa đến thời điểm học sinh nghỉ hè”, bà Thúy nói.

Theo bà Thúy, trong thời gian tới ngành GD&ĐT Quảng Ninh sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng, tích cực phối hợp các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung triển khai 3 giải pháp trọng tâm, gồm:

Tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, tránh TNTT, đặc biệt kỹ năng phòng chống đuối nước, giáo dục kỹ năng dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh.

Tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ để tham mưu đầu tư, tuyển dụng đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất đảm bảo về chất lượng, số lượng, đáp ứng yêu cầu công việc.

Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực cho cán bộ giáo viên trong các cơ sở giáo dục về phòng, chống đuối nước.

Tăng cường tổ chức mở các lớp dạy bơi cho học sinh. Phấn đấu đến 2025, 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn…

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, nhìn nhận, TNTT trong trẻ em, trong đó có tình trạng đuối nước thực sự là vấn đề rất xót xa.

Nguyên nhân do sự phát triển đô thị, nhu cầu của người dân, sự gia tăng các bãi tắm... nên trẻ em cũng như người dân đi tắm biển đông hơn nhưng lại chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng phòng chống đuối nước.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các tổ chức chính trị xã hội và ngành Giáo dục Quảng Ninh cần đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% trẻ em biết bơi.

Liên quan đến chuyện quản lý bãi tắm, yêu cầu tất cả các địa phương phải rà soát lại các bãi tắm để ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra cho người dân và du khách.

Minh Cương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quang-ninh-nong-van-de-duoi-nuoc-tre-em-bi-xam-hai-post646664.html