Quảng Ninh: Giảm nhẹ thiên tai là trách nhiệm chung của mọi người

Ngày 9/10, tại TP Hạ Long, đã diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 43 của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM). Tham dự là đại diện các nước thành viên ASEAN cùng các tổ chức quốc tế liên quan.

Đây là hoạt động thuộc Tuần lễ kỷ niệm Ngày ASEAN Quản lý thiên tai và Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10/2023).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu khai mạc. Ảnh Nguyễn Dương

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu khai mạc. Ảnh Nguyễn Dương

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp gửi lời cảm ơn tới các thành viên của Ủy ban, thành viên các cơ quan liên quan qua các thời kỳ đã nỗ lực không biết mệt mỏi, cũng như sự đồng hành của các đối tác trong suốt hành trình 20 năm qua, nhằm nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai khu vực ASEAN.

"Chúng ta gặp lại nhau hôm nay để tiếp nối Hội nghị thường niên của Ủy ban lần thứ 42 tại Đà Nẵng đã diễn ra vào tháng 6/2023, với những thành quả rất đáng ghi nhận", ông Hiệp nói.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, ASEAN đã đạt được những kết quả thiết thực về tất cả các mặt của quá trình phòng, chống thiên tai, từ đánh giá và giám sát, phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đến tăng cường khả năng chống chịu thiên tai.

Bên cạnh đó, các nước Đông Nam Á cũng tiến hành sửa đổi quy tắc tài chính quỹ ADMER (Quỹ Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp ASEAN) giúp huy động nguồn lực từ cộng đồng và sẵn sàng nguồn lực để hành động sớm trước thiên tai.

Việc tổ chức diễn tập ứng phó thiên tai khẩn cấp khu vực ASEAN và triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, cũng như thảo luận, thống nhất việc tham gia của Timor Leste trong các cuộc họp ACDM và hoạt động tăng cường năng lực được thực hiện.

Ông Hiệp đề nghị các bên liên quan tiếp tục cho ý kiến và thông qua một số nội dung chính về: Triển khai quyết định của Lãnh đạo cấp cao có liên quan; Cập nhật kết quả thực hiện chương trình ADMER 2021 - 2025 trong thời gian qua; trao đổi để trình Hội nghị Bộ trưởng thông qua Tuyên bố Hạ Long về Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN và thảo luận về Quy định tài chính của Quỹ Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp ASEAN.

Các điều khoản về nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng thư ký ASEAN với vai trò là Điều phối viên Hỗ trợ nhân đạo ASEAN; nội dung hợp tác, thỏa thuận với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cập nhật kết quả thực hiện các hoạt động quản lý thiên tai khu vực ASEAN trong thời gian qua cũng sẽ được xem xét, cho ý kiến.

Đông Nam Á được đánh giá là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và dự báo sẽ phải đối mặt với các đợt thiên tai ngày càng gia tăng về tần suất và cường độ. Chính vì vậy, “Quản lý rủi ro thiên tai” là nội dung hợp tác được các quốc gia ASEAN chú trọng từ nhiều năm nay, thông qua nhiều công cụ và cơ chế phối hợp.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh Nguyễn Dương

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh Nguyễn Dương

Trong đó, Việt Nam đã và đang thể hiện là một thành viên tích cực và có uy tín cao trong khối ASEAN, trong đó hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai là một nội dung hợp tác của ASEAN trong trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Hiện, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai là cơ quan đầu mối tham gia các cơ chế hợp tác khu vực về quản lý thiên tai.

Theo trình tự luân phiên giữa các quốc gia ASEAN, năm 2023, Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM), chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11, các phiên họp thường niên của ACDM và tổ chức các hoạt động hưởng ứng.

Đây vừa là trọng trách và cũng là cơ hội để Việt Nam chủ động dẫn dắt, nâng cao vị thế, thể hiện vai trò trong hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai nói riêng và trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ giữa ASEAN và các đối tác nói chung. Bên cạnh đó, việc đảm nhận vai trò Chủ tịch sẽ giúp Việt Nam tranh thủ kinh nghiệm, nguồn lực từ các đối tác và cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống thiên tai của Việt Nam và góp phần tích cực vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN có khả năng chống chịu với thiên tai, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước và khu vực.

Vĩnh Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ninh-giam-nhe-thien-tai-la-trach-nhiem-chung-cua-moi-nguoi.html