Quảng Ngãi: Giáo dục pháp luật ATGT cho học sinh qua 'Phiên tòa giả định'

Dựa trên những tình huống có thật xét xử vụ án hình sự về TNGT, Trường THPT số 1 Tư Nghĩa đã đưa 'Phiên tòa giả định' đến với học sinh, nhằm giúp học sinh nhận thức sâu sắc về hậu quả hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT.

Phiên tòa giả định về xử lý vi phạm quy định về giao thông đường bộ diễn ra ở Trường THPT số 1 Tư Nghĩa (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) thu hút học sinh tham gia

Phiên tòa giả định về xử lý vi phạm quy định về giao thông đường bộ diễn ra ở Trường THPT số 1 Tư Nghĩa (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) thu hút học sinh tham gia

Kết hợp "Phiên tòa giả định" với tuyên truyền về vi phạm giao thông

Cũng như nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Trường THPT số 1 Tư Nghĩa (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) nằm trên tuyến QL1, luôn chịu áp lực về phương tiện giao thông lớn, tiềm ẩn nguy cơ TNGT xảy ra đối với học sinh. Đáng lo, số lượng học sinh đi xe đạp điện, xe máy đến trường ngày càng nhiều, nguy cơ xảy ra TNGT càng cao.

Để học sinh nhận thức sâu sắc về các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, đồng thời trang bị thêm kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, thời gian qua, Trường THPT số 1 Tư Nghĩa đã có nhiều giải pháp hay trong công tác giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh.

Ông Võ Hữu Quyền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Tư Nghĩa cho biết, trường đã triển khai nhiều giải pháp, từ xây dựng mô hình cổng trường an toàn giao thông, đến các chương trình, hoạt động ngoại khóa về chủ đề an toàn, pháp luật về TTATGT. "Hiện nay, trường vẫn duy trì hoạt động của đội thanh niên xung kích thực hiện cảnh giới, hướng dẫn giao thông trước cổng trường vào thời gian cao điểm. Tuy nhiên, vấn đề tâm đắc nhất của nhà trường là tổ chức các "Phiên tòa giả định" xét xử về các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Học sinh được tham gia hoạt động này có tác động sâu sắc đến nhận thức, từ đó hình thành thái độ, hành vi tham gia giao thông theo đúng quy định pháp luật", ông Quyền nói.

Theo ông Quyền, các "Phiên tòa giả định" được Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân huyện Tư Nghĩa- tỉnh Quảng Ngãi tổ chức dựa trên tình huống có thật. Tuy nhiên, để sát với đối tượng, "Phiên tòa giả định" được dựng lại quang cảnh một phiên tòa đang xét xử vụ án hình sự về tai nạn giao thông gây chết người mà bị can là một học sinh THPT. Qua đó, "Phiên tòa giả định" sẽ giúp cho học sinh có cái nhìn cụ thể hơn về hậu quả của việc thiếu ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông, từ đó tuyên truyền, giáo dục các em nâng cao nhận thức về quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Giao thông đường bộ.

"Kết hợp với các "Phiên tòa giả định", nhà trường còn phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Quảng Ngãi) tổ chức các buổi tuyên truyền về tình hình TTATGT trên địa bàn, phân tích các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, mổ xẻ các các lỗi vi phạm như: người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông (xe mô tô), đi không đúng phần đường, không đội mũ bảo hiểm, hành vi lạng lách, đánh võng, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, người điều khiển giao thông....Thông qua các hoạt động này, các em học sinh được tham gia đóng góp ý kiến, giải đáp những thắc mắc về pháp luật", ông Quyền cho hay.

Cách làm hay, sinh động, thu hút học sinh

Phiên tòa giả định giúp học sinh nhận thức sâu sắc về các quy định về pháp luật TTATGT

Phiên tòa giả định giúp học sinh nhận thức sâu sắc về các quy định về pháp luật TTATGT

Theo ông Hà Tấn Nguyên, Phòng công tác tư tưởng chính trị, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, hoạt động tuyên truyền bằng hình thức "phiên tòa giả định" được xem là cách làm mới mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền pháp luật cho học sinh trong tình hình hiện nay, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của giới trẻ.

"Phiên tòa giả định" là buổi ngoại khóa vô cùng bổ ích, giúp cho các em học sinh có hành vi xử sự phù hợp với các quy định của pháp luật, góp phần phòng, chống vi phạm pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân. "Phiên tòa giả định" cũng giúp các em hiểu rõ hơn hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, giúp cho các em biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai. Từ đó, có những hiểu biết cũng như được trang bị những kiến thức pháp luật để có cách xử sự thật đúng đắn cho bản thân.

Nhìn thẳng vào những hạn chế trong công tác giáo dục pháp luật về TTATGT trong nhà trường hiện nay, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi nhìn nhận, việc tuyên truyền cũng như cam kết thực hiện an toàn giao thông đối với phụ huynh, học sinh chưa phát huy hiệu quả chưa cao, vẫn còn phổ biến tình trạng phụ huynh giao xe máy cho con đi khi không đủ điều kiện, vi phạm luật ATGT.

Tình trạng học sinh đi xe máy phân khối từ 50cc trở lên chưa được ngăn chặn triệt để, vì các học sinh này thường gửi xe ở một số hàng quán xung quanh khu vực trường; học sinh dùng xe đạp điện dắt (kéo) theo xe đạp… Cùng với đó, vẫn còn học sinh không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi hàng 2, hàng 3…, Việc học sinh vi phạm luật ATGT đường bộ bị Công an xử lý hành chính nhà trường không nhận được thông tin từ cơ quan Công an. Hay có những trường hợp học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT bị cơ quan Công an xử lý, nhưng vẫn còn rất nhiều trường hợp vi phạm chưa được nhắc nhở.

Ông Tâm thông tin, trong quý I năm 2023, có 11 vụ TNGT liên quan đến học sinh, trong đó có 9 người bị thương, 2 người tử vong. Nguyên nhân các vụ TNGT này là do va quệt xe máy với ô tô khi tham gia giao thông.

"Trước thực tế đó, các trường học cần linh hoạt, chủ động triển khai thực hiện các chương trình, hoạt động giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh phù hợp với điều kiện, đối tượng. Việc trường THPT số 1 Tư Nghĩa tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT theo hình thức "phiên tòa giả định" là một cách làm hay, sinh động, dễ hiểu, thu hút học sinh, giáo viên, phụ huynh tham gia và được ngành GT&ĐT ủng hộ, đánh giá cao", ông Tâm nói.

Đại Thắng

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/quang-ngai-giao-duc-phap-luat-atgt-cho-hoc-sinh-qua-phien-toa-gia-dinh-183230521102542457.htm